Nghiên cứu hệ thống sản xuất, quản lý thông minh
Ngày đăng: 03/06/2021 09:04
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 03/06/2021 09:04
Các nhiệm vụ khoa học - công nghệ thuộc Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp do Bộ Công Thương chủ trì thực hiện, đã góp phần đẩy mạnh triển khai các mô hình điểm ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị doanh nghiệp (DN), xây dựng công cụ số hóa để hỗ trợ triển khai mở rộng các công cụ truyền thống.
Áp dụng giải pháp cải tiến và hệ thống quản lý kho thông minh cho doanh nghiệp ngành nhựa |
Đề tài "Hỗ trợ xây dựng mô hình điểm áp dụng giải pháp cải tiến và hệ thống quản lý kho thông minh cho các doanh nghiệp (DN) ngành nhựa", do Trường Đại học Điện lực chủ trì là một trong những nhiệm vụ tiêu biểu của dự án. Theo nhóm nghiên cứu, phần lớn DN sản xuất nhựa tại Việt Nam có hệ thống kho hàng lớn, chi phí quản lý vận hành kho hàng chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi phí sản xuất của DN.
Triển khai từ tháng 1 - 12/2020, đề tài đã đề xuất giải pháp cải thiện công tác quản lý kho thí điểm và xây dựng phần mềm chuyên biệt cho nghiệp vụ quản lý kho, đạt các hiệu quả cụ thể, gồm: Cải tiến layout, hệ thống trực quan của kho thí điểm, thực hiện quản lý kho theo nguyên tắc "first-in first-out", từ đó nâng cao dung lượng lưu trữ hàng hóa trong kho, giảm thời gian trung bình cho mỗi đơn hàng nhập - xuất; loại bỏ quy trình thủ công, lãng phí, tăng tính chính xác, minh bạch; loại bỏ vấn đề trễ số liệu do đã đồng bộ được dữ liệu ngay khi phát sinh đơn hàng nhập hoặc xuất kho; số hóa nghiệp vụ quản lý kho, tạo điều kiện kết nối công tác và dữ liệu quản lý kho với các nghiệp vụ kinh doanh khác đã được số hóa trong DN…
Quá trình nghiên cứu bao gồm việc thí điểm đối với 1 kho hàng của Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong. Định hướng tiếp theo từ các kết quả đã đạt được của đề tài bao gồm: Hoàn thiện và nghiên cứu mở rộng mô hình sắp xếp, quản lý kho hiệu quả áp dụng công cụ số để nhân rộng với các kho hàng có đặc thù tương tự trong ngành nhựa và ngành sản xuất công nghiệp khác; nâng cấp khả năng kết nối với các phân hệ quản lý khác của DN, để tiếp cận chuyển đổi số và hình thành hệ thống sản xuất, quản lý thông minh…
Thí điểm phần mềm lập kế hoạch và quản lý sản xuất
Bắt nguồn từ thực tế, những phần mềm quản lý sản xuất - kinh doanh do các hãng lớn trên thế giới phát triển thường có chi phí đầu tư lớn, quy trình vận hành phức tạp, Công ty TNHH Tuv Nord Việt Nam chủ trì thực hiện Đề tài "Phát triển và áp dụng thí điểm phần mềm lập kế hoạch và quản lý sản xuất tại DN cơ khí phục vụ công nghiệp hỗ trợ". Đề tài đã đề xuất giải pháp phát triển những module tác vụ linh hoạt, có khả năng tùy chỉnh vào liên kết theo nhiều quy mô, nhu cầu đặc thù riêng của DN. Đối tượng thí điểm được lựa chọn là DN cơ khí phục vụ công nghiệp hỗ trợ, do lĩnh vực này tại Việt Nam đang đối mặt với áp lực lớn về số hóa các quy trình quản lý then chốt, từ đó tối ưu hóa quá trình sản xuất, loại bỏ việc quản lý thông tin rời rạc và dễ nhầm lẫn.
Được triển khai từ tháng 1 - 12/2020, đề tài đã xây dựng phần mềm với module tác nghiệp chính là lập kế hoạch và quản lý sản xuất. Các module hệ thống như quản trị chung, thư viện và những module hỗ trợ khác như quản lý đơn hàng, quản lý nhân sự, quản lý kho, kèm theo ứng dụng dành cho điện thoại di động. Đồng thời, cài đặt và đào tạo sử dụng phần mềm thí điểm tại Công ty Cổ phần Cơ khí Phổ Yên đạt được hiệu quả ban đầu như: Rà soát, điều chỉnh quy trình nghiệp vụ quản lý sản xuất để đạt hiệu quả quản lý và thu thập dữ liệu cao hơn; số hóa hoạt động lập kế hoạch và quản lý sản xuất đối với 40 loại sản phẩm trọng điểm được lựa chọn để thí điểm; tin học hóa quá trình nhập liệu thông qua dán và quét mã Kanban sản phẩm…
Theo Vista.gov.vn