Nghiên cứu định hướng lựa chọn và khuyến khích dự án FDI vào các ngành công nghiệp đến năm 2030
Ngày đăng: 05/10/2022 08:09
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 05/10/2022 08:09
Cùng với quá trình đổi mới và mở cửa nền kinh tế, Luật Đầu tư nước ngoài đã được Quốc hội thông qua và ban hành vào ngày 29/12/1987, đánh dấu bước ngoặt cho việc chính thức hóa dòng vốn ngoại đầu tư vào Việt Nam. Từ chủ trương đúng đắn đó, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã ngày càng thể hiện được vai trò quan trọng và đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Việt Nam được quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia thu hút FDI thành công nhất khu vực và trên thế giới, trở thành địa điểm đầu tư tin cậy, hiệu quả trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Báo cáo 2018 của Tổ chức Thương mại và phát triển Liên Hợp quốc đánh giá, Việt Nam nằm trong Top 12 quốc gia thành công nhất về thu hút FDI. Để thúc đẩy hơn nữa việc thu hút FDI, năm 2019, TS. Phạm Ngọc Hải cùng các cộng sự tại Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu định hướng lựa chọn và khuyến khích dự án FDI vào các ngành công nghiệp đến năm 2030” nhằm thực hiện các mục tiêu sau:
- Định hướng lựa chọn và khuyến khích dự án FDI vào các ngành công nghiệp đến năm 2030.
- Xây dựng Bộ tiêu chí/chỉ tiêu lựa chọn và khuyến khích dự án FDI; phương án, điều kiện tổ chức thực hiện/áp dụng.
- Đánh giá kết quả thử nghiệm áp dụng theo ngành công nghiệp.
Đề tài đã đạt được những kết quả nghiên cứu cơ bản trên các mặt sau đây:
1. Đề tài đã làm rõ được cơ sở khoa học để xác định hệ thống tiêu chí lựa chọn và khuyến khích dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài trên cơ sở nghiên cứu lý thuyết và kinh nghiệm của nước ngoài.
2. Bằng phương pháp phân tích tổng hợp trên các số liệu thu thập được từ quá trình khảo sát và số liệu từ các cơ quan quản lý đầu tư nước ngoài, nhóm nghiên cứu đã tiến hành đánh giá hiện trạng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ngành công nghiệp giai đoạn 2010-2018 để rút ra những thành tựu, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm cho giai đoạn tới.
3. Trên cơ sở kết quả thử nghiệm đánh giá/lựa chọn dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ngành công nghiệp theo các tiêu chí đã được đề xuất, nhóm tác giả đã khẳng định sự thành công và sự cần thiết của Bộ tiêu chí và đề xuất phương hướng hoàn thiện Bộ tiêu chí trong tương lai.
4. Để thực hiện mục tiêu lựa chọn và khuyến khích dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ngành công nghiệp đến năm 2030, đề tài đã đề xuất một số hướng về Hoàn thiện thể chế, tăng cường năng lực quản lý dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài; Sử dụng các công cụ tài chính để lựa chọn và khuyến khích dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Trong điều kiện nguồn lực cho phát triển công nghiệp còn hạn chế, đề xuất của đề tài sẽ giúp việc lựa chọn các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ngành công nghiệp được hợp lý hơn, bảo vệ môi trường và đảm bảo an sinh xã hội trong phát triển công nghiệp được hiệu quả hơn.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17602/2019) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Theo Vista.gov.vn