Nghiên cứu dịch tễ học phân tử và bệnh lý bệnh Derzsy's ở thủy cầm do Parvovirus gây ra tại một số tỉnh phía Bắc Việt Nam
Ngày đăng: 07/07/2025 09:53
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 07/07/2025 09:53
Chăn nuôi chiếm vị trí quan trọng trong ngành nông nghiệp, góp phần cung cấp thực phẩm cho nhu cầu tiêu dùng. Tuy nhiên từ đầu năm 2019 đến nay dịch tả lợn Châu Phi đã và đang bùng phát trên toàn quốc gây thiệt hại hàng tỉ đồng với hơn 4 triệu lợn bị tiêu hủy, cho đến nay số lợn nuôi trong các hộ gia đình còn rất ít.
![]() |
Để ổn định thị trường cung cấp thực phẩm, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn ưu tiên đầu tư phát triển chăn nuôi gia cầm, trong đó có thủy cầm. Chăn nuôi thủy cầm được người chăn nuôi lựa chọn phát triển kinh tế, bởi thủy cầm là đối tượng dễ nuôi, ít mắc bệnh, cho thời gian thu hoạch và quay vòng vốn nhanh nên mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, trên địa bàn một số tỉnh phía Bắc số lượng đàn thủy cầm tăng nhanh. Theo số liệu thống kê của tổng cục thống kê đến tháng 6 năm 2022, cả nước có 523 triệu gia cầm, trong đó thủy cầm khoảng 43 triệu con. Bên cạnh những mặt thuận lợi, chăn nuôi thủy cầm gặp không ít khó khăn, trong đó có vấn đề dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm mới nổi như bệnh Derzsy’s đã và đang gây thiệt hại không nhỏ cho chăn nuôi thủy cầm.
Bệnh Derzsy's là một bệnh tiêu hóa cấp tính do Parvovirus ngỗng (goose parvovirus=GPV) và parvovirus vit Xiêm (Muscovy duck parvovirus=MDPV) gây ra cho ngỗng con và vịt Xiêm con. Bệnh rất dễ lây lan và có tỷ lệ chết cao từ 70% đến 100% ở những đàn nhạy cảm khi nhiễm trùng xảy ra trong vòng 10 ngày tuổi đầu tiên. Mức độ của bệnh Derzsy’s phụ thuộc hoàn toàn vào độ tuổi. Vịt con và ngỗng con dưới một tuần tuổi rất nhạy cảm với bệnh này, thường ở thể cấp tính và tỷ lệ tử vong có thể đạt 100%. Trong khi ở độ tuổi 4-5 tuần tuổi thì thiệt hại nhẹ hơn với thể bệnh á cấp tính hoặc mãn tính.
Do Parvovirus lây nhiễm nhanh chóng ở các tế bào đang phân chia, đó là lý do tại sao bệnh chỉ xảy ra ở vịt con và ngỗng con. Tuy nhiên, ở những thủy cầm bị suy giảm miễn dịch hoặc phụ nhiễm thêm những vi rút và vi khuẩn khác có xu hướng làm bệnh nặng thêm do tác dụng hiệp đồng của chúng và kéo dài thời gian nhạy cảm của bệnh có khi lên đến 9 tuần tuổi.
Cho đến nay, bệnh do Parvovirus gây ra trên thủy cầm vẫn đang lưu hành khá phổ biến ở các cơ sở chăn nuôi gây thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi. Tuy nhiên chưa có loại vaccine nào phù hợp để phòng bệnh do Parvovirus gây ra trên thủy cầm, vì vậy việc nghiên cứu đặc tính dịch tễ học phân tử cũng như bệnh lý trên thủy cầm bệnh có ý nghĩa quan trọng trong chẩn đoán, góp phần đề xuất biện pháp khống chế, kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là định hướng sản xuất kháng thể và vaccine phòng chống bệnh.
Xuất phát từ thực tiễn trên, Chủ nhiệm đề tài Tiến sĩ Trần Đức Hoàn cùng nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang thực hiện “Nghiên cứu dịch tễ học phân tử và bệnh lý bệnh Derzsy's ở thủy cầm do Parvovirus gây ra tại một số tỉnh phía Bắc Việt Nam” với mục tiêu xác định được sự lưu hành của các chủng Parvovirus gây bệnh Derzsy's ở thủy cầm lưu hành trên địa bàn một số tỉnh phía Bắc Việt Nam bằng kỹ thuật sinh học phân tử, phân tích hệ gen của Parvovirus và xác định một số đặc điểm bệnh lý trên thủy cầm bệnh.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
Kết quả chẩn đoán bệnh Derzsy's ở thủy cầm bằng phản ứng PCR với tỷ lệ 52/120 mẫu dương tính chiếm 43,33%.
Chủng Parvovirus gây bệnh ngắn mỏ trên thủy cầm đang lưu hành tại một số tỉnh miền Bắc có tương đồng cao với DuPV-BAFU được phân lập từ thủy cầm bị bệnh luôn được xếp vào nhóm với DuPV và GPV hon MDPV.
Phân lập bước đầu thành công 2 chủng Parvovirus gây bệnh ngắn mỏ ở thủy cầm tại một số tỉnh miền Bắc Việt Nam trên phôi trứng ngan.
Tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong do parvovirus ở thủy cầm có sự khác nhau giữa các địa phương, tuổi, mùa và loài thủy cầm khác nhau.
Các biểu hiện triệu chứng chủ yếu ở thủy cầm mắc bệnh do parvovirus gồm: mỏ ngắn, còi cọc, lưỡi nhô khỏi mỏ, chảy nước mắt, sưng mí mắt, giảm ăn.
Kích thước mỏ của thủy cầm khi mắc bệnh do parvovirus có hiện tượng ngắn hơn so với thủy cầm khỏe mạnh.
Các tổn thương đại thể ở thủy cầm mắc bệnh do parvovirus Niêm mạc ruột bong tróc và thành ruột non mỏng, niêm mạc ruột non phủ fibrin, luỡi và xoang miệng phủ lớp màng giả dạng fibrin; Viêm màng ngoài gan, gan sưng và có những điểm tụ huyết; Lách sưng và có điểm tụ huyết; Thận viêm sưng, Não xuất huyết
Các tổn thương vi thể thấy lông nhung ruột bị đứt, và tế bào biểu mô ruột thoài hóa, hoại tử, niêm mạc ruột bị xuất huyết, thành tim dày, các sợi cơ tim bị hoại tử, thoái hóa và có sự thâm nhiễm tế bào viêm và tế bào Lympho, tế bào gan thoái hóa và hoại tử, tế bào biểu mô ống thận thoái hóa, hoại tử, mô kẽ thận bị tắc nghẽn, não và tiểu não xuất huyết và thoái hóa tế bào, lách bị xuất huyết và nhồi huyết, phế quản viêm, xuất huyết, các tế bào biều mô bị phá hủy.
Với những kết quả trên cần triển khai nghiên cứu trên quy mô rộng hơn, theo dõi với thời gian dài hơn để có thể cơ sở dữ liệu về đặc điểm dịch tễ bệnh Derzsy’s tại các tỉnh phía Bắc. Cần tiến hành phân lập nhiều mẫu từ các tỉnh với các giai đoạn khác nhau, triển khai thí nghiệm phân lập trên xơ phôi để đánh giá toàn diện các thông tin sinh học của các chủng Parvovirus này.
Cần có những nghiên cứu sâu kháng thể và vaccine phòng bệnh Derzsy's ở thủy cầm trên cơ sở các kết quả nghiên cứu đặc tính sinh học và dịch tễ bệnh Derzsy's.
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 21019/2022) tại Cục Thông tin, Thống kê.
Vista.gov.vn