Nghiên cứu công nghệ hydrogen - Năng lượng sạch cho phát triển xanh
Ngày đăng: 09/12/2022 08:53
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 09/12/2022 08:53
Nhiều nhà nghiên cứu đã xem Việt Nam là một trong những quốc gia giàu tiềm năng về sản xuất Hydrogen. Hydrogen sạch có thể được trộn với các nhiên liệu truyền thống như khí ga để giảm khí thải và được ứng dụng trong nhiều ngành khác nhau như thép, hóa chất, phân bón và công nghiệp vận tải.
Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM phối hợp với Sở Công thương TP.HCM và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), thông qua Dự án An ninh Năng lượng Đô thị Việt Nam, vừa tổ chức hội thảo với chủ đề “Hydrogen, Ứng dụng, Công nghệ và Phát triển”. |
Ngày 1/12/2022, Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM phối hợp với Sở Công thương TP.HCM và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), thông qua Dự án An ninh Năng lượng Đô thị Việt Nam, tổ chức hội thảo với chủ đề “Hydrogen, Ứng dụng, Công nghệ và Phát triển”.
Trong hội thảo, các chuyên gia sẽ thảo luận về vai trò của hydrogen trong việc thúc đẩy chuyển đổi sang năng lượng sạch và phát triển xanh, giảm phát thải khí nhà kính.
Việt Nam dẫn đầu về năng lượng tái tạo tại Đông Nam Á
Việt Nam hiện đang là một trong những quốc gia dẫn đầu về thành tựu năng lượng tái tạo ở Đông Nam Á. Theo bà Susan Burns, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ, năng lượng mặt trời và năng lượng gió hiện chiếm hơn một phần tư tại Việt Nam.
Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Đan Mạch, Việt Nam có tiềm năng gió ngoài khơi từ 160 - 310 gigawatt, lớn nhất trong số bất kỳ quốc gia ASEAN nào. Con số này cao hơn gấp đôi so với tổng nhu cầu năng lượng hiện tại của Việt Nam.
Giờ đây, Việt Nam có cơ hội vươn lên dẫn đầu hơn nữa trong khu vực với việc sản xuất hydro sạch. Rất ít quốc gia có vị trí thuận lợi với nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào cho năng lượng sạch như Việt Nam.
“Và đó mới chỉ là con số ước tính về gió ngoài khơi thôi. Việt Nam đang ở một vị trí rất đáng ghen tị, nơi có thể phát triển hơn nữa các nguồn năng lượng gió và mặt trời, thậm chí sử dụng năng lượng này để sản xuất hydro xanh. Và với giá năng lượng đang tăng cao trên toàn cầu, việc cấp bách đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng xanh ngay từ bây giờ,” bà Susan Burns cho biết.
Nằm trong xu hướng toàn cầu giảm phát thải khí nhà kính, Việt Nam có tiềm năng sản xuất hydrogen trong việc chuyển đổi năng lượng xanh từ năng lượng tái tạo.
Ông Lê Việt Cường, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công thương), cũng đã cung cấp thông tin các điểm chính về tiềm năng, cơ hội và thách thức phát triển năng lượng hydrogen tại Việt Nam.
“Nhu cầu kim ngạch thương mại đối với năng lượng hydrogen của Việt Nam trong tương lai rất lớn. Sơ bộ ban đầu cho thấy, tiềm năng sản xuất hydro xanh sạch của Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh được với nhiều quốc gia phát triển khác,” ông Cường cho biết.
Các ý kiến tại hội thảo đã nêu bật các ứng dụng hydrogen trong nhiều ngành khác nhau, các trang thiết bị và công nghệ hydrogen và các chính sách nhằm khuyến khích phát triển hydrogen.
Do hydrogen là một trong những nguồn nhiên liệu thay thế sạch nhất khi được sản xuất ra từ năng lượng gió và mặt trời nên đây được coi là công nghệ hàng đầu trong các nỗ lực giảm khí thải cacbon trên phạm vi toàn cầu.
Theo các chuyên gia, hydrogen cũng có thể được sử dụng cho mục đích tích lũy năng lượng, cung cấp năng lượng sạch thay thế. Như một phần trong xu hướng toàn cầu tập trung vào tiềm năng của hydrogen trong việc giảm phát thải khí nhà kính, Việt Nam đang chủ động tìm kiếm các phương thức mới nhằm giảm phát thải khí cacbon.
Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam đang đối diện với thách thức về việc hoàn thiện cơ chế chính sách. Theo các diễn giả, để tận dụng tiềm năng của hydrogen xanh, Việt Nam cần các chính sách đột phá, thí điểm nghiên cứu ứng dụng công nghệ và các giải pháp khuyến khích phù hợp và đồng bộ nhằm hình thành chuỗi cung ứng hydrogen xanh hoàn chỉnh cho quốc gia.
Phát triển xanh thông qua năng lượng tái tạo
“Chúng tôi tự hào hợp tác cùng Việt Nam và TP.HCM nói riêng nhằm thúc đẩy phát triển xanh thông qua các nguồn năng lượng tái tạo. Cùng nhau, chúng ta sẽ thu hút các đầu tư xanh có thể đem lại một môi trường trong lành hơn cho người dân và giúp thúc đẩy vai trò của TP.HCM như đầu tàu của nền kinh tế xanh của Việt Nam,” Bà Susan Burns, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ, phát biểu tại hội thảo.
USAID thông qua Dự án An ninh Năng lượng Đô thị Việt Nam phối hợp chặt chẽ với TP. Đà Nẵng và TP.HCM cùng các đối tác khu vực tư nhân nhằm cải thiện luật pháp, môi trường chính sách liên quan đến năng lượng sạch. Đồng thời huy động nguồn lực đầu tư, cũng như đẩy mạnh ứng dụng và triển khai các giải pháp năng lượng đổi mới sáng tạo.
Theo bà Susan Burns, trong một khu vực mà nhu cầu năng lượng được dự báo sẽ duy trì mức tăng trưởng cao trong nhiều thập kỷ tới, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã công bố tham vọng táo bạo là Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Trong bối cảnh đó, hội thảo này đã cung cấp nền tảng quan trọng để Việt Nam khảo sát hydrogen như một phương tiện nhằm đạt được các cam kết của COP26 là đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Trong đó, Hoa Kỳ đi đầu trong việc hỗ trợ Việt Nam chuyển dịch sang ngành năng lượng sạch, an toàn và định hướng thị trường.
Hơn thế nữa, với các vùng đồng bằng và ven biển trũng thấp đặc biệt dễ bị lũ lụt, Việt Nam luôn nằm trong top 6 quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu. Nhận thức được những rủi ro này, Hoa Kỳ là một đối tác cam kết với Việt Nam trong cuộc chiến toàn cầu chống lại biến đổi khí hậu và sự nóng lên toàn cầu.
Hoa Kỳ đã cam kết tài trợ 36 triệu đô la thông qua Chương trình Phát thải Năng lượng Thấp của Việt Nam và USAID. Ngoài ra, từ nhiều dự án khác của USAID về Phát triển rừng bền vững, Đa dạng sinh học và An ninh Năng lượng Đô thị, Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ hơn 90 triệu USD để giảm phát thải, duy trì đa dạng sinh học của Việt Nam và huy động năng lượng sạch.
Theo Khoahocphattrien