Nghiên cứu công nghệ điều trị tổn thương nhãn cầu mắt đạt giải Kovalevskaia năm 2014
Ngày đăng: 09/03/2015 15:26
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 09/03/2015 15:26
Các nhà khoa học đoạt giải thưởng Kovalevskaia 2014 tại phòng thí nghiệm |
Những ngày này, tại Bộ môn Mô - Phôi thuộc Trường Đại học Y Hà Nội và Khoa Kết giác mạc thuộc Bệnh viện Mắt Trung ương có thêm niềm vui mới bởi các nhà khoa học nữ vừa đoạt giải thưởng tập thể Kovalevskaia năm 2014 cho đề tài: Nghiên cứu sử dụng công nghệ tế bào để điều trị tổn thương bề mặt nhãn cầu do PGS.TS Nguyễn Thị Bình là đại diện.
Thành công mang tính đột phá
PGS.TS Nguyễn Thị Bình, Nguyên trưởng bộ môn Mô-Phôi (ĐH Y Hà Nội), trưởng nhóm nghiên cứu chia sẻ: Trong thời kỳ đầu, việc nghiên cứu gặp rất nhiều khó khăn vì không có kinh phí. Các thành viên trong tập thể đã cùng nhau đóng góp kinh phí để phục vụ cho sự đam mê nghiên cứu khoa học. Đến năm 2006, tập thể nghiên cứu được phân công thực hiện 02 đề tài: Đề tài cấp Bộ: “Nghiên cứu nuôi cấy tế bào rìa giác mạc và ứng dụng trong điều trị một số tổn thương giác mạc” và Đề tài nhánh thuộc đề tài cấp Nhà nước: “Nghiên cứu qui trình công nghệ tạo tấm biểu mô giác mạc người để điều trị tổn thương bề mặt giác mạc do bỏng” Mã số: KC.04.01.01/06-10.
Với công trình nghiên cứu về công nghệ tế bào trong điều trị tổn thương bề mặt nhãn cầu, PGS.TS Nguyễn Thị Bình và các nhà khoa học của Bộ môn Mô – Phôi, Đại học Y Hà Nội và Khoa Kết giác mạc, Bệnh viện Mắt trung ương đã nghiên cứu tìm ra phương pháp điều trị tổn thương bề mặt nhãn cầu bằng cách nuôi tạo các tấm biểu mô từ các nguồn tế bào gốc khác nhau: nếu bệnh nhân bị tổn thương một bên mắt sẽ lấy tế bào gốc từ vùng rìa giác mạc bên mắt lành, nếu bệnh nhân bị tổn thương cả hai mắt sẽ lấy tế bào gốc từ biểu mô niêm mạc miệng. Sau khi nuôi tạo thành công tấm biểu mô sẽ ghép tự thân vào giác mạc cho bệnh nhân.
Đây là phương pháp mới đang được áp dụng trên thế giới và vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu. Ở Việt Nam, phương pháp này hoàn toàn mới, chưa có đơn vị nào nghiên cứu và áp dụng. Các phương pháp hiện đang được sử dụng ở Việt Nam để điều trị tổn thương bề mặt nhãn cầu là: ghép màng ối (chỉ mang tính tạm thời), ghép củng giác mạc tự thân (chỉ áp dụng cho bệnh nhân bị tổn thương một bên mắt và mảnh mô lấy để ghép phải có kích thước lớn nên sẽ ảnh hưởng tới mắt lành), ghép củng giác mạc dị thân (bệnh nhân phải uống thuốc chống loại thải mảnh ghép suốt đời và mảnh ghép hay bị loại thải).
Sau 4 năm miệt mài nghiên cứu, đến năm 2007, lần đầu tiên tập thể đã nuôi tạo thành công tấm biểu mô từ nguồn tế bào gốc vùng rìa giác mạc của thỏ. Các tấm biểu mô này được ghép lại cho thỏ bị bỏng mắt đã thu về kết quả tốt. Sau khi nuôi tạo và ghép thành công tấm biểu mô nuôi cấy cho thỏ, tập thể tiếp tục nghiên cứu thành công trên người. Bệnh nhân được điều trị tổn thương giác mạc đầu tiên theo phương pháp này vào đầu năm 2008. Sau ghép, bệnh nhân đã trở lại làm việc được cho đến nay. Trong 02 đề tài này, tập thể đã điều trị thử cho 05 bệnh nhân với tỉ lệ thành công 80%.
PGS.TS Nguyễn Thị Bình chia sẻ thêm: Những ngày đầu nghiên cứu, nguồn kinh phí rất hạn hẹp cùng với nhiều loại hóa chất, môi trường, vật liệu không thể có được ở Việt Nam. Tuy vậy, các thành viên trong nhóm vẫn rất say mê, quyết tâm vượt khó, mày mò nghiên cứu, thậm chí còn tự đóng góp kinh phí để triển khai công việc.
Mở ra triển vọng mới
Với sự thành công của 02 đề tài trên, năm 2010, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục cấp kinh phí để tập thể nghiên cứu thực hiện đề tài độc lập cấp Nhà nước “Nghiên cứu quy trình sử dụng tế bào gốc để điều trị một số bệnh của bề mặt nhã cầu”. Trong đề tài này, tập thể nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện các qui trình nuôi tạo và ghép tấm biểu mô nuôi cấy từ tế bào gốc vùng rìa giác mạc để điều trị cho những bệnh nhân bị tổn thương một bên mắt, tỉ lệ ghép thành công 80%. Đồng thời, tập thể cũng nghiên cứu qui trình trình nuôi tạo và ghép tấm biểu mô nuôi cấy từ tế bào gốc biểu mô niêm mạc miệng để điều trị cho những bệnh nhân bị tổn thương hai mắt, tỉ lệ thành công 70%. Tập thể đã nghiên cứu thành công qui trình nuôi tạo tấm biểu mô hoàn toàn mới so với các tác giả trên thế giới, qui trình đơn giản, rẻ tiền và không sử dụng vật liệu có nguồn gốc động vật (nỗi lo của các nhà nghiên cứu trên thế giới), qui trình đang được đề nghị công nhận quyền sở hữu trí tuệ.
Đặc biệt hơn, nhóm đã thành công trong nghiên cứu quy trình nuôi tạo tấm biểu mô hoàn toàn mới so với các phương pháp đang áp dụng trên thế giới với quy trình đơn giản, rẻ tiền và không sử dụng vật liệu có nguồn gốc động vật. Đây cũng là nỗi lo của các nhà nghiên cứu trên thế giới. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Bình, thời gian để nuôi cấy một tấm biểu mô mất khoảng trên 20 ngày, với chi phí gốc khoảng trên 10 triệu, rẻ hơn nhiều lần so với một số nước trên thế giới. Hiện nay, quy trình này đang được đề nghị công nhận quyền sở hữu trí tuệ.
Ngoài ra, các thành viên trong tập thể còn nghiên cứu trong các lĩnh vực khác: Hỗ trợ sinh sản, bảo quản mô, vật liệu sinh học, hướng dẫn nhiều luận văn cao học, luận án tiến sĩ với các đề tài khác nhau, giảng dạy cho các đối tượng đại học và sau đại học, khám và điều trị cho bệnh nhân. Một số thành viên đảm nhiệm công tác quản lý đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và đạt được nhiều danh hiệu thi đua các cấp.
Hiện tại, nhóm nghiên cứu đang nghiên cứu quy trình nuôi cấy tế bào gốc để điều trị bệnh Parkinson, bước đầu có kết quả tốt mang lại niềm hy vọng cho các bệnh nhân bị bệnh Parkinson ở Việt Nam. Nhóm sẽ không ngừng tiến hành các công trình nghiên cứu để đưa các phương pháp điều trị bệnh hiện đại vào điều trị cho người bệnh Việt Nam, đóng góp tích cực vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân; đồng thời đào tạo đội ngũ các nhà khoa học trẻ để kế cận duy trì lâu dài hướng nghiên cứu của nhóm.
Theo Truyenthongkhoahoc