Nghiên cứu cơ sở khoa học của phương pháp thiết kế kết cấu mặt đường cứng dựa trên phương pháp cơ học thực nghiệm và đề xuất áp dụng tại Việt Nam
Ngày đăng: 24/12/2024 08:34
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 24/12/2024 08:34
Mặt đường BTXM (mặt đường cứng) cùng với mặt đường bê tông nhựa (mặt đường mềm) là 02 loại hình mặt đường chính được sử dụng cho giao thông đường bộ và sân bay, đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nên mạng lưới giao thông của các khu vực, lãnh thổ và xuyên quốc gia.
Tại Việt Nam từ trước tới nay việc sử dụng mặt đường BTXM chủ yếu vẫn chỉ sử dụng mặt đường BTXM không cốt thép và trong khoảng chục năm gần đây, có sử dụng ở một vài sân bay những tấm mặt đường BTXM lưới thép. Những chuyển biến tích cực về việc sử dụng mặt đường BTXM làm đường ôtô ở nước ta trong thời gian gần đây, đặt ra vấn đề là phải cần tập trung nghiên cứu toàn diện về một số loại mặt đường BTXM có cốt thép và tạo ứng suất trước (để dùng cho các loại mặt đường BTXM làm đường ôtô và sân bay cấp cao) trong đó sẽ tiến hành nghiên cứu nâng cao các đặc trưng cơ lý của các loại vật liệu sử dụng; nghiên cứu các giải pháp cấu tạo; nghiên cứu các phương pháp tính toán thiết kế..; nghiên cứu công nghệ thi công và tuyển chọn các trang thiết bị thi công; nghiên cứu các phương pháp đánh giá chất lượng mặt đường phục vụ cho việc nghiệm thu, khai thác và cả công nghệ duy tu, sửa chữa…
Vì thế, ThS. Phan Văn Chương và nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải thực hiện đề tài: “Nghiên cứu cơ sở khoa học của phương pháp thiết kế kết cấu mặt đường cứng dựa trên phương pháp cơ học thực nghiệm và đề xuất áp dụng tại Việt Nam” từ năm 2020 đến năm 2021.
Thông qua nghiên cứu cơ sở khoa học của phương pháp thiết kế kết cấu mặt đường cứng dựa trên phương pháp cơ học thực nghiệm (ME), nhóm nghiên cứu đã đề xuất phương pháp xây dựng bộ số liệu tải trọng và bộ số liệu tải trọng cho các quốc lộ chính ở Việt Nam; Phân tích, đề xuất việc sử dụng bộ số liệu khí hậu MERRA2 cho 119 trạm trên lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam và 06 trạm điển hình có khí hậu tương đồng ở miền nam nước Mỹ làm căn cứ xác định số liệu Khí hậu trong tính toán thiết kế. Ngoài ra, các tác giả còn đề xuất bộ thông số tính toán điển hình của nền đất và các lớp vật liệu khi phân tích kết cấu mặt đường BTXM phân tấm không cốt thép trong điều kiện Việt Nam; Trong giai đoạn trước mắt, khi chưa có những nghiên cứu hiện trường để hiệu chỉnh các hệ số ở Việt Nam, kiến nghị sử dụng các hệ số mặc định của chương trình, các hiệu chỉnh ở các bang phía nam nước Mỹ. Cần có những kế hoạch dài hạn theo dõi đánh giá hiện trường để điều chỉnh các hệ số ở nước ta khi áp dụng phương pháp cơ học thực nghiệm. Cuối cùng, trên cơ sở đánh giá thực trạng hệ thống trang thiết bị thí nghiệm hiện có của Việt Nam, nhóm nghiên cứu đã đề xuất việc đầu tư trang thiết bị thí nghiệm để triển khai áp dụng phương pháp thiết kế kết cấu mặt đường theo ME; và đề xuất lộ trình áp dụng phương pháp thiết kế mặt đường cứng theo ME tại Việt Nam theo hai giai đoạn 2020-2023 và 2024-2027
Việc triển khai đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học của phương pháp thiết kế kết cấu mặt đường cứng dựa trên phương pháp cơ học thực nghiệm và đề xuất áp dụng tại Việt Nam” để bước đầu tiếp cận công nghệ tiên tiến và đưa ra những định hướng nghiên cứu chuyên sâu sau này tại Việt Nam là cần thiết, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn. Kết quả nghiên cứu nhằm tiêp cận, nắm vững cách thiết kế kết cấu mặt đường cứng theo phương pháp cơ học thực nghiệm để áp dụng phù hợp với điều kiện Việt Nam; nâng cao khả năng tiếp cận về khoa học đường bộ qua nghiên cứu tài liệu chuyên ngành, qua trao đổi kinh nghiệm với các tổ chức khoa học công nghệ nước ngoài.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20406/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Vista.gov.vn