Nghiên cứu cơ sở khoa học, đề xuất xây dựng và áp dụng chỉ số đánh giá hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tại Việt Nam
Ngày đăng: 13/10/2020 08:37
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 13/10/2020 08:37
Theo số liệu công bố của Tổ chức Khí tượng thế giới, mật độ CO2 trung bình toàn cầu thời gian gần đây luôn vượt ngưỡng giới hạn an toàn. Đó là nguyên nhân của biến đổi khí hậu hiện nay. Báo cáo đánh giá lần thứ 5 (AR5) vào năm 2014 của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC, 2014) chỉ ra rằng để nhiệt độ vào cuối thế kỷ tăng ở mức dưới 2 độ C, tổng lượng phát thải phải KNK được giới hạn ở mức dưới 1000 GtC.
Đứng trước thực trạng đó, sau hơn 20 năm đàm phán kể từ khi Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu được thông qua vào năm 1992, ngày 12/12/2015, lần đầu tiên tại Paris thủ đô của nước Pháp, gần 200 quốc gia đã đồng thuận thông qua Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Đây là Thỏa thuận mang tính lịch sử, vĩnh cửu ràng buộc về pháp lý cho tất cả các nước về biến đổi khí hậu. Vì vậy, việc giảm phát thải khí nhà kính là trách nhiệm chung của toàn cầu không chỉ là trách nhiệm riêng của nước công nghiệp phát triển như trước đây.
Trong giai đoạn 2008-2020, các nước phát triển và các nước có nền kinh tế chuyển đổi đã thực hiện các cam kết về giảm phát thải KNK theo Nghị định thư Kyoto. Trong khi đó, các nước đang phát triển thực hiện giảm phát thải theo hình thức tự nguyện và thời gian gần đây thực hiện dưới hình thức các hành động giảm nhẹ phát thải KNK phù hợp vời điều kiện quốc gia (NAMA). Sau năm 2020, theo quy định tại Thỏa thuận Paris, tất cả các Bên tham gia công ước khung của liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu đều phải thực hiện các mục tiêu giảm phát thải theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).
Việt Nam nói riêng và các nước đang phát triển nói chung, giai đoạn đầu thực hiện các cam kết về giảm phát thải KNK sẽ gặp những khó khăn và thách thức nhất định, đặc biệt là việc hài hòa giữa phát triển triển kinh tế và bảo về môi trường trong đó có giảm nhẹ phát thải KNK. Chính vì vậy, việc đánh giá, giám sát tiến trình thực hiện các mục tiêu về giảm phát thải là cần thiết và quan trọng để kịp thời đưa ra các khuyến nghị, điều chỉnh phù hợp nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra, trong đó đánh giá được những lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường mà hoạt động giảm nhẹ phát thải KNK mang lại sẽ giúp cho việc đầu tư, thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải KNK thuận lợi hơn.
Trong bối cảnh đó, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài ThS. Nguyễn Thị Thu Hà được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao thực hiện nhiệm vụ: “Nghiên cứu cơ sở khoa học, đề xuất xây dựng và áp dụng chỉ số đánh giá hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tại Việt Nam”.
Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu đã có hiệu lực từ ngày mồng 4/11/2016. Là một quốc gia thành viên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về BĐKH, Việt Nam phải tuân thủ các ràng buộc pháp lý của Thỏa thuận. Sau năm 2020, nước ta phải thực hiện giảm phát thải KNK theo các mục tiêu đã cam kết trong NDC và phải tăng cường tính minh bạch trong các hoạt động giảm nhẹ và thích ứng.
Trong giai đoạn chuẩn bị và giai đoạn đầu thực hiện giảm phát thải KNK chuyển từ hình thức từ “tự nguyện” sang “bắt buộc” sẽ gặp những khó khăn và thách thức nhất định. Do đó, cần đánh giá, giám sát tiến trình thực hiện các mục tiêu của các hoạt động giảm nhẹ phát thải KNK để kịp thời đưa ra các khuyến nghị, điều chỉnh phù hợp nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra.
Từ nghiên cứu cơ sở lý luận và kinh nghiệm quốc tế, rà soát thực tiễn thống kê các chỉ tiêu liên quan đến hoạt động giảm nhẹ phát thải KNK, Đề tài đã đạt được kết quả sau:
Thứ nhất, Đề tài đã nghiên cứu cơ sở lý luận và kinh nghiệm quốc tế về đánh giá, giám sát hoạt động giảm nhẹ phát thải KNK, từ đó rút ra những vấn đề cần lưu ý trong việc xây dựng chỉ số đánh giá hoạt động giảm nhẹ phát thải KNK phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Thứ hai, Đề tài đã rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các hệ thống chỉ tiêu thống kê hiện hành, tình hình thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra trong các văn bản chính sách, chiến lược, định hướng phát triển các ngành/lĩnh vực, phát triển bền vững đất nước nhằm đề xuất các chỉ tiêu/chỉ thị đánh giá hoạt động giảm nhẹ phát thải KNK phù hợp với quy định thống kê, có khả năng tiếp cận nguồn số liệu chính thống từ các cơ quan thống kê trung ương và địa phương.
Thứ ba, Đề tài đã đề xuất được bộ chỉ số khung đánh giá hoạt động giảm nhẹ phát thải KNK cho Việt Nam dựa trên 04 nhóm tiêu chí chính: (1) Thân thiện với khí hậu; (2) Thúc đẩy tăng trưởng và phát triển theo hướng các-bon thấp; (3) Thân thiện với môi trường tự nhiên và (4) Cải thiện an sinh xã hội. Bộ khung chỉ số được phát triển theo 29 chỉ thị được phân bổ theo 4 nhóm tiêu chí và 17 tiêu chí cụ thể.
Thứ tư, Đề tài đã thử nghiệm áp dụng bộ chỉ số để đánh giá hoạt động của dự án thủy điện. Kết quả thử nghiệm khá sát với thực tế, các đóng góp tích cực của dự án được ghi nhận, các tác động tiêu cực cũng được chỉ rõ, một số đặc trưng của hoạt động cũng được phản ánh. Kết quả thử nghiệm cho thấy tính khả thi và triển vọng áp dụng của bộ chỉ số.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 15824/2019) tại Cục Thông tin KHCNQG.
Theo Vista.gov.vn