Nghiên cứu chọn giống và kỹ thuật trồng cây gỗ lớn mọc nhanh (Thanh thất - Ailanthus triphysa Alston và Chiêu liêu nước - Terminalia calamansanai Rolfe) trên một số vùng sinh thái trọng điểm
Ngày đăng: 06/12/2021 09:10
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 06/12/2021 09:10
Phát triển bền vững nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đề án tái cấu trúc ngành Lâm nghiệp. Trong đó, việc trồng rừng gỗ lớn, nhất là đối với các loài cây bản địa là nhiệm vụ rất quan trọng, tuy nhiên, ở nước ta vẫn còn đang thiếu cả về nguồn giống chất lượng cao đến kỹ thuật tạo rừng và định hướng sử dụng gỗ. Thanh thất (Ailanthus triphysa Alston) và Chiêu liêu nước (Terminalia calamansanai Rolfe) được biết đến là hai loài cây gỗ sinh trưởng nhanh, thích ứng với nhiều vùng sinh thái khác nhau ở Việt Nam, đã được Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Bộ nghiên cứu từ năm 2007 - 2011 cho thấy tiềm năng rất lớn về tạo rừng nguyên liệu cho gỗ xẻ.
Song, những nghiên cứu đó chưa đủ để hoàn thiện công nghệ trồng rừng, nhất là chọn được giống phù hợp, có năng suất cao theo vùng sinh thái, có định hướng sử dụng gỗ... cần phải có thời gian nghiên cứu dài. Do vậy, PGS.TS. Phạm Thế Dũng cùng nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học lâm nghiệp Việt nam đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu chọn giống và kỹ thuật trồng cây gỗ lớn mọc nhanh (Thanh thất - Ailanthus triphysa Alston và Chiêu liêu nước - Terminalia calamansanai Rolfe) trên một số vùng sinh thái trọng điểm” từ năm 2014 đến năm 2018.
Đề tài nhằm thực hiện mục tiêu bổ sung cơ cấu cây trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa, mọc nhanh, có năng suất, cao phục vụ trồng rừng kinh tế.
Một số kết quả nổi bật của đề tài:
Có thể chọn 2 loài cây Thanh thất và Chiêu liêu là cây trồng rừng gỗ lớn bản địa ở các vùng sinh thái đã nghiên cứu trên cơ sở đã chọn được giống tốt, có kỹ thuật trồng rừng và định hướng được sử dụng gỗ khi khai thác. Cụ thể:
a) Về đặc điểm lâm học: Cả 2 loài cây đều có phân bố rộng, có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau, có thể trồng thuần loài hoặc trồng hỗn giao với các loài cây khác và làm giàu rừng.
b) Về giống
Căn cứ kết quả khảo nghiệm trên 3 vùng sinh thái trọng điểm, có thể đề xuất những xuất xứ và gia đình để trồng rừng tại một số khu vực trong cả nước
c) Về kỹ thuật gây trồng
- Cả hai loài cây đều có thể nhân giống bằng kỹ thuật giâm hom.
- Sử dụng phân bón, xác định mật độ trồng, kỹ thuật tỉa thưa, trồng hỗn giao, kỹ thuật chăm sóc rừng... đều có thể làm tăng sinh trưởng rừng trồng Thanh thất, Chiêu liêu.
d) Về khả năng cung cấp gỗ lớn
- Đối với Thanh thất, năng suất rừng trồng bình quân sau 10 năm đều lớn hơn 15 m3/ha/năm.
- Đối với Chiêu liêu nước, tăng trưởng đường kinh bình quân/năm đều > 1,5 cm/năm và chiều cao H > 1,3 m/năm.
- Tỷ lệ cây có đường kính D1.3 > 15 cm tham gia vào tính trữ lượng rừng hơn 88,41% (với cây Thanh thất), còn với cây Chiêu liêu 35,4 - 46,9% cho thấy tiềm năng cung cấp gỗ xẻ của hai loài.
e) Làm giàu rừng Có thể sử dụng Thanh thất và Chiêu liêu để làm giàu rừng, tùy theo mục đích làm giàu. Nên trồng vào các đám trống có diện tích khoảng 500 m2/đám.
f) Sử dụng gỗ Thanh thất.
Có thể sử dụng gỗ Thanh thất và Chiêu liêu nước cho nhiều mục đích khác nhau, từ làm gỗ dán lạng đến đồ gia dụng. Riêng gỗ Chiêu liêu có khả năng chịu lực để đóng tàu thuyền.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16827/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Theo Vista.gov.vn