Nghiên cứu chế tạo thử nghiệm băng tải đọc mã vạch tự động phục vụ phát triển các dịch vụ bưu chính
Ngày đăng: 10/02/2022 15:50
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 10/02/2022 15:50
Hiện nay trên thế giới các thiết bị đọc bar code tự động đã được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực thương mại điện tử, logistic, bưu chính và trong các dây chuyền tại các nhà máy tự động và là thành phần quan trọng không thể thiếu được để thu thập dữ liệu của các sản phẩm trên dây chuyền một cách nhanh chóng cho các hệ thống chia chọn sản phẩm tự động.
Trong những năm gần đây trước xu hướng toàn cầu hóa và thương mại điện tử ngày càng phát triển, nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng lên nhanh chóng dẫn tới số lượng bưu phẩm bưu kiện ngày một tăng, tạo sức ép lớn cho các doanh nghiệp làm dịch vụ bưu chính. Hiện tại các doanh nghiệp Việt nam vẫn chủ yếu dựa trên sức người là chính nên năng suất lao động rất thấp, dẫn tới hiện tượng dồn ứ hàng hóa tại các điểm tiếp nhận cũng như chia chọn tại các bưu cục. Hậu quả là thời gian vận chuyển tăng lên, chất lượng dịch vụ kém và giảm tính cạnh tranh trên thị trường. Để nâng cao được chất lượng của dịch vụ bưu chính, các nhà khai thác đã xây dựng những quy trình khai thác tốt nhất nhằm hạn chế các sai sót do con người gây ra. Nhưng những sai sót này là không tránh khỏi do chủ quan của con người và tập trung chủ yếu ở các nguyên nhân như sau: sự mất tập trung sau thời gian dài khai thác, sức khỏe, ảnh hưởng về tâm lý từ bên ngoài... Đặc biệt trong khâu nhập số liệu đầu vào, nhân viên thường phải nhập liệu bằng tay vào máy tính và quét bar code bằng máy cầm tay, rất dễ dẫn đến mệt mỏi và sai sót dữ liệu. Đứng trước tình hình đó, năm 2017 Tổng công ty Bưu chính Việt Nam VNPost đã đưa vào hệ thống chia chọn tự động tại trung tâm vận chuyển và 7 kho vận phía Nam tại KCN Hiệp Phước TP Hồ Chí Minh.Tuy nhiên việc đầu tư này cũng chỉ giải quyết được một phần của vấn đề bởi vì VN Post hiện có rất nhiều kho vận tập trung tại 63 tỉnh thành trên khắp cả nước. Hơn nữa việc đầu tư dây chuyền chia chọn như Hiệp Phước có chi phí rất lớn và phải nhập khẩu 100% nên VN Post cũng như các đơn vị bưu chính luôn có nhu cầu đối với các hệ thống chia chọn với chi phí thấp được cung cấp bởi các nhà sản xuất Việt Nam để dễ dàng đáp ứng và mở rộng ra nhiều điểm tiếp nhận bưu kiện nhằm nâng cao hiệu suất lao động toàn hệ thống. Qua khảo sát các nhà khai thác Bưu chính thì khâu nhập liệu thủ công thường xuyên xảy ra các vấn đề nhầm lẫn, ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ và năng suất thấp. Việc nâng cao năng suất lao động và chất lượng dịch vụ là một nhu cầu cấp thiết, đặc biệt khi khối lượng bưu phẩm ngày càng tăng lên gây dồn ứ tại các điểm giao nhận và bưu cục.
Từ năm 2011, Công ty Thiết bị Bưu điện đã kết hợp với Tổng công ty Bưu chính Việt Nam nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ không dây có định hướng vào hệ thống khai thác sử dụng mã vạch tại các trung tâm chia chọn bưu chính” để áp dụng các thiết bị đọc mã vạch kết nối không dây trong khai thác. Kết quả của đề tài đã được VN Post áp dụng hiệu quả và các thiết bị đọc mã vạch cầm tay vẫn đang được sử dụng cho tất cả các điểm khai thác của VN Post cũng như các công ty bưu chính khác. Cho đến thời điểm 2019, chưa có công trình nghiên cứu trong nước nào nghiên cứu tiếp tục về các giải pháp đọc mã vạch tự động cho các doanh nghiệp bưu chính của Việt Nam. Để giải quyết thực trạng này, phía VN Post đề xuất cho Công ty cổ phần Thiết bị Bưu điện (POSTEF) do ThS. Trần Hải Vân làm chủ nhiệm thực hiện đề tài: “Nghiên cứu chế tạo thử nghiệm băng tải đọc mã vạch tự động phục vụ phát triển các dịch vụ bưu chính” đưa ra giải pháp để nâng cao năng suất lao động trong khai thác bằng thiết bị băng tải đọc mã vạch tự động. Với đề tài này, công ty POSTEF đã xác định tiếp cận theo hướng học hỏi các giải pháp của các hãng nước ngoài nổi tiếng trong lĩnh vực thiết bị đọc barcode tự động như SICK, KEYENCE, COGNEX… và nội địa hóa tối đa các thiết bị này. Hệ thống băng tải đọc mã vạch tự động có thể được chia thành 2 thiết bị chính: Hệ thống băng tải chuyển hàng bưu chính và Hệ thống thiết bị đọc mã vạch tự động.
Với năng lực hiện tại của công ty POSTEF, hệ thống băng tải chuyển hàng cho bưu chính sẽ được nghiên cứu nhắm tới mục tiêu nội địa hóa tối đa. Về hệ thống thiết bị đọc mã vạch tự động, mục tiêu của đề tài là nghiên cứu các giải pháp của các hãng nổi tiếng trên thế giới để tìm ra giải pháp phù hợp nhất với quy trình khai thác hiện tại của VN Post và với chi phí thấp nhất có thể.
Sau một thời gian triển khai thực hiện, đề tài đưa ra các kết luận và kiến nghị sau:
1. Đề tài đã thành công trong việc nghiên cứu chế tạo thử nghiệm băng tải đọc mã vạch tự động phục vụ phát triển các dịch vụ bưu chính. Các mục tiêu chính của đề tài đã được hoàn thành tốt, cụ thể:
- Đề tài đã nghiên cứu chế tạo thành công hệ thống băng tải phục vụ cho nghiệp vụ khai thác của VNPost, có kích thước: dài 6m, rộng 0,8m và có tốc độ từ 0 – 10 m/phút.
- Đề tài đã nghiên cứu sâu các quy trình khai thác của VN Post cũng như những thiết bị đọc barcode tiên tiến trên thế giới để lựa chọn ra thiết bị phù hợp nhất với yêu cầu nghiệp vụ. Kết quả là hệ thống đọc barcode CLV 690 của hãng SICK đã được lựa chọn để lắp đặt vào hệ thống băng tải đọc mã vạch tự động của dự án.
- Hệ thống băng tải đọc mã vạch của đề tài đã được thử nghiệm thành công với các nghiệp vụ khai thác của VN Post với các loại bưu kiện khác nhau và cho kết quả tốt, đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
2. Ngoài các kết quả cụ thể trên, đề tài còn mang lại cơ hội kinh doanh của công ty POSTEF để áp dụng sản phẩm mới này cho các khách hàng bưu chính như VN Post, Viettel Post… Trong quá trình nghiên cứu của đề tài, các cán bộ nghiên cứu của POSTEF và VN Post đã có điều kiện tiếp cận với các thiết bị tân tiến của thế giới, mở rộng tri thức và nâng cao trình độ khoa học công nghệ, góp phần phát triển nghiên cứu ứng dụng cho các công ty chủ trì đề tài.
3. Đề tài cũng góp phần làm hiện đại hóa ngành bưu chính nói riêng và ngành công nghiệp logistic nói chung.
4. Đề tài đã thực hiện đúng chủ trương nội địa hóa và làm chủ công nghệ của Đảng và Nhà nước ta.
5. Để phát triển tiếp các kết quả đã đạt được, đề tài kiến nghị được đầu tư thêm để nghiên cứu sâu hơn nhằm sản xuất chế tạo các thiết bị đọc mã vạch 2D để áp dụng cho ngành bưu chính và logistic của Việt Nam.
Với thiết bị này, năng suất lao động của dây chuyền tiếp nhận hàng hóa sẽ tăng lên gấp nhiều lần bởi vì người lao động chỉ cần đưa hàng hóa lên băng chuyền mà không cần phải nhấc từng gói hàng để đọc mã vạch bằng thiết bị cầm tay. Thiết bị có thể áp dụng trực tiếp tại các điểm giao nhận, trung tâm, bưu cục có chức năng tiếp nhận thông tin bưu phẩm tự động và hỗ trợ nâng cao năng suất lao động tại các dây chuyền chia chọn thư, bưu phẩm và bưu kiện của các nhà khai thác bưu chính.
Như vậy, từ kết quả trên cho thấy, đề tài đã tự chủ và làm chủ công nghệ thiết kế chế tạo hệ thống băng tải đọc mã vạch tự động, tiến tới tích hợp và chế tạo sản phẩm này nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng bưu chính trong nước, thay thế các sản phẩm nhập ngoại. Tận dụng nguồn lực sẵn có như tiềm lực tài chính tốt và vững chắc với đội ngũ kỹ sư có trình độ, năng lực, kinh nghiệm với tay nghề cao để phát triển sản phẩm mới, có giá trị gia tăng ngày một cao. Góp phần thúc đẩy hiện đại hóa ngành bưu chính, tăng năng suất lao động nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển bưu phẩm ngày càng nâng cao trong bối cảnh bùng nổ thương mại điện tử ở Việt Nam và trên thế giới.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 16923/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Theo Vista.gov.vn