Nghiên cứu biện pháp phòng chống rệp sáp giả (Pseudococcidae) gây hại một số loại cây ăn quả quan trọng theo hướng sinh học
Ngày đăng: 10/02/2025 10:28
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 10/02/2025 10:28
Phát triển cây ăn quả phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu đang là thế mạnh của sản xuất nông nghiệp ở nước ta. Tuy nhiên, vấn đề về sâu hại là yếu tố cản trở việc tăng diện tích và hình thành các vùng sản xuất tập trung, thâm canh cao. Vì vậy, bảo vệ thực vật (BVTV) là một trong những mối quan tâm của người sản xuất, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý ở trung ương và địa phương.
![]() |
Trong các nhóm sâu hại chính trên cây ăn quả thì các loài rệp sáp giả (RSG) thuộc họ Pseudococcidae, bộ Hemiptera, rất phổ biến và gây thiệt hại nghiêm trọng. RSG gây hại làm cho các đọt non bị xoăn lại, lá bị rụng, cây phát triển chậm, năng suất và chất lượng giảm. Biện pháp hóa học phòng chống rệp sáp giả trên cây ăn quả vẫn đang được áp dụng phổ biến trong sản xuất ở nước ta mặc dù mang lại hiệu quả phòng trừ không cao do cơ thể RSG được bao phủ bởi lớp sáp, cùng với việc phân bố và gây hại ở các khe kẽ của thân cây, lá, hoa và trên quả. Thêm vào đó, việc sử dụng thuốc hóa học thường xuyên, đặc biệt là giai đoạn quả phát triển dẫn đến sự tồn tại dư lượng thuốc trong sản phẩm quả.
Từ thực tế trên, nhóm nghiên cứu của TS. Đào Thị Hằng tại Viện Bảo vệ thực vật đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu biện pháp phòng chống rệp sáp giả (Pseudococcidae) gây hại một số loại cây ăn quả quan trọng theo hướng sinh học” trong thời gian từ năm 2020 đến năm 2023.
Đề tài nhằm thực hiện các mục tiêu sau: xác định được thành phần rệp sáp giả và thiên địch của chúng hại cây ăn quả quan trọng (na, thanh long, cây ăn quả có múi và xoài); xác định được đặc điểm sinh học, sinh thái của một số loài rệp sáp giả chính hại cây ăn quả quan trọng (na, thanh long, cây ăn quả có múi và xoài); xây dựng quy trình phòng trừ tổng hợp rệp sáp giả hại cây ăn quả quan trọng (na, cây cam, xoài, thanh long) theo hướng sinh học; và xây dựng điểm trình diễn áp dụng biện pháp phòng trừ rệp sáp giả hại cây ăn quả quan trọng (na, cây cam, thanh long) theo hướng sinh học, quy mô 01–02 ha/điểm/loại cây trồng, hiệu quả phòng trừ > 80% và đảm bảo an toàn thực phẩm.
Trong nghiên cứu, các tác giả đã xác định được 5 loài rệp sáp giả hại na ở vùng nghiên cứu (Hà Nam, Lạng Sơn) và các vùng điều tra bổ sung. Trong đó 2 loài phổ biến và gây hại quan trọng trên na ở vùng nghiên cứu là rệp sáp giả cam P. citri, sau đó đến rệp sáp giả dứa D. neovebripes; xác định được 04 loài rệp sáp giả hại thanh long tại Bình Thuận. Trong đó 2 loài phổ biến và gây hại quan trọng là rệp sáp giả sọc Ferrisia sp. và loài rệp sáp giả jack beardsley Pseudococcus jackbeardsleyi; xác định được 06 loài rệp sáp giả hại cây cam tại Hòa Bình, Tuyên Quang và các vùng điều tra bổ sung. Trong đó các loài phổ biến là rệp sáp giả cryptus (Pseudococcus cryptus), rệp sáp giả cao cao (Planococcus lilacinus), rệp sáp giả hình cầu (Nipaecoccus viridis). Trên xoài ghi nhận 8 loài Planococcus lilacinus, Planococcus citri, Ferrisia sp., Rastrococcus spinosus, Pseudococcus cryptus, Dysmicoccus sp. và Pseudococcus jackbeardsley.
Nhóm nghiên cứu đã xây dựng được các quy trình quản lý rệp sáp giả hại cam, na, thanh long và giải pháp quản lý rệp sáp giả hại xoài theo hướng sinh học. Quy trình là sự kết hợp đồng bộ các biện pháp như biện pháp canh tác (cắt, đốn, tỉa cành, tạo tán) và vệ sinh đồng ruộng; biện pháp sinh học gồm có khích lệ thiên địch, nhân nuôi và phóng thả OKS (L. dactylopii) và BRHCVBM (Scymnus bipunctatus).
Kết quả đánh giá mô hình trình diễn áp dụng quy trình phòng chống rệp sáp giả theo hướng sinh học trên na cho thấy cây sinh trưởng tốt, mẫu mã quả đẹp, quả ngọt, không phát hiện dư lượng thuốc hóa học BVTV trong quả. Mật độ rệp sáp giả và tỷ lệ quả bị nhiễm rệp thấp hơn hẳn so với vườn đối chứng. Hiệu quả phòng trừ đạt trên 90%. Tỷ lệ quả loại 1 cao hơn so với vườn đối chứng. Hiệu quả kinh tế của mô hình tăng lên 34,2% so với vườn đối chứng.
Kết quả đánh giá mô hình trình diễn áp dụng quy trình phòng chống rệp sáp giả theo hướng sinh học trên thanh long cho thấy cây sinh trưởng tốt, tỷ lệ quả loại 1 đạt cao, quả ngọt, không phát hiện dư lượng thuốc hóa học BVTV trong quả. Mật độ rệp sáp giả và tỷ lệ quả bị nhiễm rệp thấp hơn so với vườn đối chứng. Hiệu quả phòng trừ trên 80%. Hiệu quả kinh tế của mô hình tăng lên từ 23,73% ở vườn thời kỳ kiến thiết cơ bản và 30,32% vườn kinh doanh so với vườn đối chứng.
Kết quả đánh giá mô hình trình diễn áp dụng quy trình phòng chống rệp sáp giả theo hướng sinh học trên cam cho thấy cây sinh trưởng tốt, tỷ lệ quả loại 1 đạt cao, quả ngọt, không phát hiện dư lượng thuốc hóa học BVTV trong quả. Mật độ rệp sáp giả và tỷ lệ quả nhiễm rệp thấp hơn so với vườn đối chứng. Tỷ lệ quả cam loại 1 cao hơn, giá bán tăng cao hơn so với vườn đối chứng. Hiệu quả phòng trừ đạt trên 90%. Hiệu quả kinh tế của mô hình tăng lên 20% so với vườn đối chứng.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 23345/2023) tại Cục thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Vista.gov.vn