Nghiên cứu bệnh dán cao, bệnh thối rễ hại chè và biện pháp quản lý tổng hợp ở các tỉnh miền núi phía Bắc
Ngày đăng: 18/01/2024 09:07
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 18/01/2024 09:07
Cây chè phát triển công nghiệp phục vụ ngành công nghiệp đồ uống. Trên thế giới, có 3 loại sản phẩm chính đó là chè đen, chè xanh và chè Ôlong. Các sản phẩm chè được đều được sản xuất từ chè Camellia sinensis dựa trên các công nghệ chế biến khác nhau.
Tổng sản lượng chè đen chiếm khoảng 70-75% và thương mại trên thị trường chiếm đến 90%. Ở Việt Nam, cây chè rất có ý nghĩa đối với vùng Trung du miền núi phía Bắc, đây là cây xóa đói giảm nghèo, ổn định và phân bố lại vùng dân cư vùng núi và tiến tới làm giàu. Hàng năm, giá trị xuất khẩu chè ở nước ta đạt khoảng 250-350 triệu USD. Trong canh tác chè, bệnh hại là yếu tố gây ra không ít khó khăn cho sản xuất, trong đó có bệnh dán cao và thối rễ hại chè.
Bệnh dán cao hại chè được xác định ban đầu từ năm 2010 tại Mộc Châu, Sơn La, sau đó phát hiện tỉnh Lai Châu. Năm 2015, tổng diện tích chè bị nhiễm bệnh tại 2 tỉnh Sơn La và Lai Châu là 230 ha, trong giai đoạn này có 80 ha bị nhiễm rất nặng, phải trồng thay thế 50 ha chè nhiễm bệnh. Bệnh Thối rễ hại chè (hay còn gọi bệnh chết loang) là một trong những bệnh nguy hiểm nhất đối với chè ở tất cả các vùng trồng chè tại Việt Nam cũng như các nước có diện tích chè lớn như Ấn Độ, Trung Quốc hay Srilan ka…. Năm 2016, trên 4 tỉnh thuộc khu vực Trung du miền núi phía Bắc như Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái và Lai Châu ghi nhận có 279 ha bị nhiễm bệnh trong đó có 8,9% diện tích này bị hại rất nặng, số cây chết hơn 20% số cây, gây khó khăn trong canh tác, cần phải trồng thay thế. Đã có nhiều thí nghiệm nghiên cứu phòng chống bệnh thối rễ triển khai, tuy nhiên hiệu quả không cao. Từ thực tế trên, nhóm nghiên cứu của ThS. Trần Đặng Việt tại Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu bệnh dán cao, bệnh thối rễ hại chè và biện pháp quản lý tổng hợp ở các tỉnh miền núi phía Bắc” trong thời gian từ năm 2016 đến năm 2020.
Đề tài nhằm thực hiện mục tiêu xác định thực trạng gây hại của bệnh dán cao và bệnh thối rễ chè tại vùng miền núi phía Bắc; xác định nguyên nhân gây bệnh chủ yếu đối với bệnh dán cao, bệnh thối rễ và tìm hiểu các nhân tố ảnh hưởng đến phát sinh, gây hại của bệnh dán cao và thối rễ hại chè; xây dựng quy trình quản lý tổng hợp bệnh dán cao và bệnh thối rễ hại chè có hiệu quả kinh tế, thân thiện môi trường, phục vụ sản xuất chè bền vững; và thiết lập mô hình quản lý tổng hợp bệnh dán cao và bệnh thối rễ hại chè đạt hiệu quả kinh tế tăng 10 - 15%, thân thiện với môi trường tại một số vùng sinh thái. (1 mô hình/1 loại bệnh, qui mô 1 ha/1 điểm).
Sau bốn năm nghiên cứu, đề tài đã thu được các kết quả như sau:
- Xác định nguyên nhân gây bệnh dán cao do nấm Septobasidium pseudopedicellatum gây ra. Bệnh thối rễ hại chè là do tổ hợp 2 nấm Rosellinia sp., và nấm Lasiodiplodia theobromae gây ra, trong đó Rosellinia sp., gây hại nhiều hơn Lasiodiplodia theobromae.
- Đối với nấm Septobasidium pseudopedicellatum gây bệnh dán cao phát triển thuận lợi trên môi trường PDA, PDB với pH môi trường 6-6,5; nhiệt độ 25oC. Bệnh dán cao phát sinh gây hại vùng có điều kiện mát, độ ẩm cao (Sơn La và Lai Châu), bệnh phát triển mạnh ở nương chè đã khép tán, có trồng xen, có cây che bóng và tập trung hại năng từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau. Đối với hai loài nấm gây ra bệnh thối rễ chè, có đặc điểm khá tương đồng về sinh trưởng nhanh trong nuôi cấy invitro, phát triển thuận lợi nhất ở điều kiện nhiệt độ 25- 30oC, môi trường PDA, PDB và pH môi trường 5,5-6,5. Diễn biến bệnh phức tạp, bệnh gây hại chủ yếu từ tháng 4 đến tháng 11, hại nhiều trên các giống chè tuổi lớn như PH1 hơn là giống LDP2, LDP1 tuổi nhỏ.
- Biện pháp quản lý bệnh dán cao theo qui trình quản lý tổng hợp bệnh dán cao (QĐ số 543/QĐ-BVTV-KH, ngày 26 tháng 3 năm 2020): Nương chè chưa nhiễm bệnh dán cao tiến hành chăm cây khỏe, áp dụng phòng bệnh bằng phun Boóc đô 1% hoặc vãi 1.500 kg vôi bột trên tán ngay sau đốn. Đối với nương chè bị bệnh dán cao, thực hiện đốn đau kết hợp hái kỹ hoặc hái bằng cơ giới giảm tác hại của bệnh. Khi cần thiết trừ bệnh dán cao dùng một trong nhóm thuốc như Propineb (Antracol 70WP lượng 2kg/ha); hoặc Chlorothalonil (Daconil 75WP lượng 0,75kg/ha); hoặc Imibenconazole (Manage 5WP lượng 1,25kg/ha). Biện pháp quản lý bệnh thối rễ hại chè theo qui trình quản lý tổng hợp bệnh thối rễ hại chè (QĐ số 2833/QĐ-BVTV-KH, ngày 31 tháng 12 năm 2020): Chăm sóc cây khỏe, ngăn chặn kịp thời nguy cơ lây nhiễm bệnh thối rễ do mưa, thường xuyên cung cấp chất hữu cơ và vi sinh vật có ích cho đất, quản lý các loại sâu bệnh khác kịp thời. Nương chè bị bệnh hại nhẹ (khi bắt đầu có ổ dịch đến 30% số cây bị nhiễm bệnh), đánh giá phát hiện bệnh thối rễ kịp thời, càng sớm càng tốt, thực hiện xử lý bao vây ổ dịch bằng một trong nhóm thuốc Propineb (Antracol 70WP) hoặc Imibenconazole (Manage 5WP) 1-2 lần, bón bổ sung phân hữu cơ hoai mục và nấm Trichoderma spp., trồng dặm cây chè bầu lớn tại chỗ mất khoảng do bệnh để lại. Nương chè bị hại nặng (>30% số cây chè bị nhiễm bệnh), thực hiện tái canh hoàn toàn, xử lý tàn dư, làm đất, bón bổ sung phân hữu cơ, cung cấp thêm vi sinh vật có ích cho đất (nấm Trichoderma spp.) và trồng tái canh.
- Kết quả xây dựng mô hình: Một là triển khai 2 mô hình quản lý tổng hợp bệnh dán cao tại Sơn La, tổng diện tích 1,4ha. Kết quả giảm chỉ số bệnh hại 41,36% - 51,39%, tăng năng suất chè 12,15-30,64%, tăng hiệu quả 12,36-34,96% so với mô hình đối chứng. Hai là xây dựng được 1 mô hình quản lý bệnh thối rễ hại chè với 1,4 ha diện tích. Kết quả cây chè sinh trưởng tốt, hạn chế được bệnh thối rễ phát triển và tăng hiệu quả sản xuất 18,28% đối với mô hình áp dụng quản lý bệnh đối với nương chè đang sản xuất.
Kết quả nghiên cứu không chỉ góp phần nâng cao năng suất cây trồng nhờ giảm đáng kể tỷ lệ cây chè bị chết do bệnh dán cao và bệnh thối rễ chè, mà còn giúp tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19572/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Vista.gov.vn