Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong xây dựng mô hình để dự báo nhu cầu sử dụng đất phục vụ công tác quy hoạch đất đai
Ngày đăng: 04/07/2022 16:40
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 04/07/2022 16:40
Công tác dự báo nhu cầu sử dụng đất (NCSDĐ) có vai trò trong việc định hướng, lập các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nói riêng và công tác quản lý đất đai nói chung; góp phần sử dụng đất một cách có hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí. Kết quả dự báo là xuất phát điểm, là luận chứng trong quá trình xây dựng các quy hoạch, kế hoạch sử dụng tài nguyên đất đai. Công tác dự báo NCSDĐ tuy đã cơ bản đáp ứng cho việc lập các phương án quy hoạch sử dụng đất (QHSDĐ) trong những năm qua được kịp thời, đạt những hiệu quả kinh tế - xã hội nhất định tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế. Phương pháp dự báo NCSDĐ chủ yếu là tính toán thủ công dựa vào các số liệu về điều kiện và yêu cầu phát triển của từng ngành và phát triển tổng hợp kinh tế - xã hội, chưa có các phương pháp, mô hình tính toán tổng hợp một cách đầy đủ, toàn diện, khoa học và tin cậy. Chất lượng dự báo còn hạn chế, chưa sát với yêu cầu thực tế của các ngành, chưa phù hợp với các điều kiện chung, nhất là điều kiện về quỹ đất của địa phương lập quy hoạch.
Đồng thời, khả năng ứng dụng công nghệ trong dự báo NCSDĐ chưa được chú trọng. Vì thế, nhóm nghiên cứu của ThS. Vũ Thị Minh Huệ tại Viện nghiên cứu quản lý đất đai đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong xây dựng mô hình để dự báo nhu cầu sử dụng đất phục vụ công tác quy hoạch đất đai” từ năm 2016 đến năm 2019.
Đề tài nhằm thực hiện các mục tiêu sau: Nâng cao chất lượng dự báo NCSDĐ; nâng cao tính định hướng, tính dự báo của QHSDĐ nhằm bảo đảm tính hiệu quả, tính khả thi của các phương án QHSDĐ; và đề xuất các giải pháp ứng dụng công nghệ và áp dụng mô hình phù hợp trong công tác dự báo NCSDĐ nhằm phục vụ lập QHSDĐ cấp huyện, cấp tỉnh.
Căn cứ theo mục tiêu, nội dung nghiên cứu và các kết quả đạt được của đề tài, có thể đưa ra một số kết luận như sau:
(1) Đề tài đã hệ thống hóa được những vấn đề lý luận về dự báo NCSDĐ phục vụ công tác QHSDĐ bao gồm: các khái niệm, đặc điểm vai trò, nguyên tắc, phân loại dự báo NCSDĐ; các yếu tố ảnh hưởng đến việc dự báo NCSDĐ; Phân tích, đánh giá các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan đến dự báo NCSDĐ để từ đó làm rõ hơn cơ sở pháp lý và chỉ ra những vấn đề cần hoàn thiện của pháp luật về dự báo NCSDĐ trong công tác QHSDĐ.
(2) Đặc điểm thực trạng dự báo NCSDĐ và ứng dụng công nghệ trong dự báo NCSDĐ phục vụ công tác QH SDĐ trong thời gian qua cho thấy công tác dự báo nhu cầu SDĐ còn một số hạn chế.
(3) Mô hình dự báo NCSDĐ cấp tỉnh, cấp huyện được đề xuất bao gồm các bước:
Bước 1: Điều tra, thu thập thông tin, tài liệu, bản đồ;
Bước 2: Phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và môi trường tác động đến việc sử dụng đất;
Bước 3: Phân tích, đánh giá tình hình quản lý, SDĐ, kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch SDĐ kỳ trước và tiềm năng đất đai;
Bước 4: Xác định định hướng sử dụng đất;
Bước 5: Tính toán số liệu dự báo NCSDĐ;
Bước 6: Ứng dụng GIS để xây dựng bản đồ dự báo NCSDĐ (Hợp phần 2) : đề tài lựa chọn phương pháp chồng xếp các lớp dữ liệu của bản đồ hiện trạng SDĐ, bản đồ QHSDĐ cấp trên và bản đồ tiềm năng kết hợp với nguyên tắc lựa chọn vị trí không gian (lựa chọn xung quanh các điểm mốc định và lựa chọn theo vùng đệm mở rộng).
(4) Đề tài đã xây dựng phần mềm dự báo NCSDĐ với ứng dụng WebGIS có ưu thế trong việc tổng hợp, xử lý các số liệu, dữ liệu với khối lượng lớn và có thể kết hợp xử lý cả phần dữ liệu thuộc tính và dữ liệu không gian trong quá trình tính toán NCSDĐ tổng hợp, NCSDĐ của các ngành..
(5) Qua việc thử nghiệm ứng dụng phần mềm dự báo NCSDĐ phục vụ công tác QHSDĐ tại huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên cho thấy:
- Việc ứng dụng công nghệ có ưu thế trong việc tổng hợp, xử lý các số liệu, dữ liệu với khối lượng lớn và có thể kết hợp xử lý cả phần dữ liệu thuộc tính và dữ liệu không gian trong quá trình tính toán NCSDĐ tổng hợp, NCSDĐ của các ngành.
- Ứng dụng dựa trên công nghệ WEBGIS tạo ra một kênh tương tác giữa các cơ quan quản lý và người dân nhằm tăng cường công khai, minh bạch để thực hiện dân chủ trong cung cấp thông tin về đất đai, đặc biệt là thông tin về dự báo NCSDĐ.
- Kết quả thử nghiệm ứng dụng mô hình và phần mềm dự báo NCSDĐ tại địa bàn huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên cho thấy những đề xuất của đề tài có giá trị nhất định về góc độ khoa học và lý luận. Tính khả thi và thực tiễn của nghiên cứu là có thể tham khảo để định hướng sử dụng đất của địa phương đến năm 2020
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17313/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Theo Vista.gov.vn