Nghị định 115 thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng KH&CN
Ngày đăng: 09/03/2015 14:49
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 09/03/2015 14:49
PGS.TS Lê Ngọc Tòng - Ủy viên chuyên trách thường trực Hội đồng khoa học – Học viện Chính trị Quốc gia |
Sau mười năm triển khai thực hiện Nghị định số 115 (NĐ 115) của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) công lập, nhiều đơn vị đã chuyển đổi thành công khẳng định được vị thế, thương hiệu của mình trên thị trường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ khoa học. Tuy nhiên, cũng còn không ít tổ chức KH&CN công lập chậm chuyển đổi do các nguyên nhân nội tại và có những nguyên nhân thuộc về cơ chế, chính sách.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lê Ngọc Tòng - Ủy viên chuyên trách thường trực Hội đồng khoa học – Học viện Chính trị Quốc gia HCM.
Nghị định 115/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập đã trải qua 10 năm triển khai thực hiện. Ông đánh giá như thế nào về việc thực hiện Nghị định 115?
PGS.TS Lê Ngọc Tòng: NĐ 115 và Nghị định 80 của Chính phủ là hai giải pháp quan trọng về tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp khoa học, quy định việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao nhất cho các tổ chức KH&CN công lập. NĐ 115 đã mở ra 1 cơ chế mới để các nhà khoa học, các tổ chức khoa học phát huy được năng lực nội sinh của mình để sáng tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ cho nhu cầu trực tiếp của xã hội. Tuy vậy, tình hình thực tiễn ở Việt Nam còn nhiều khó khăn khi chúng ta triển khai nghị định này, cho nên nếu không có chế tài tiếp theo thì việc triển khai nghị đinh này đi vào cuộc sống sẽ chậm hơn rất nhiều so với kỳ vọng mà chúng ta đặt ra.
Ví dụ, như hiện nay chúng ta nói đến quyền tự chủ của các tổ chức khoa học tức là các tự chủ ngoài phần kinh phí nhà nước cấp ra thì chúng ta phải đi khai thác các nguồn kinh phí khác để phục vụ cho sự phát triển hoạt động nghiên cứu KH&CN của mình. Nhưng hiện nay ở Việt Nam, thị trường khoa học đang hình thành và phát triển cho nên người tiêu dùng sản phẩm khoa học còn đang rất ít, ngay cả nghiên cứu triển khai, ứng dụng công nghệ cũng đang ít người mua.
Nghiên cứu cơ bản càng khó khăn hơn bởi người tiêu dùng sản phẩm của các nhà khoa học nghiên cứu cơ bản chính là nhà nước, cho nên hình thức để tạo nên cơ chế tự chủ là rất khó khăn. Do đó, chúng ta cần phải phân loại các tổ chức KH&CN, để từ đó tạo ra mức độ tự chủ khác nhau. Nếu không chúng ta tạo ra các tổ chức KH&CN giống nhau thì việc triển khai rất khó khăn.
Vậy theo ông, chúng ta cần thực hiện những giải pháp cụ thể nào để thúc đẩy việc triển khai NĐ 115?
PGS.TS Lê Ngọc Tòng: Bước đầu chúng ta phải phân nhóm các tổ chức KH&CN ra thành nhóm nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, và nghiên cứu triển khai. Từ đó, nhà nước có chế độ khác nhau cho các nhóm nghiên bởi nghiên cứu lý thuyết cơ bản sẽ phục vụ cho sự phát triển chung của xã hội, và nhà nước cần đặt hàng cho các nghiên cứu.
Còn đối với nghiên cứu ứng dụng, nhà nước bao cấp giảm bớt đi nhưng các nhóm nghiên cứu này cần có sản phẩm nghiên cứu phục vụ cho sự phát triển của các Bộ, ngành.
Riêng nghiên cứu triển khai thì bao cấp sẽ thấp hơn và nên khuyến khích họ đi ra thị trường khai thác tạo ra các sản phẩm KH&CN phục vụ trực tiếp cho thị trường, cho nhân dân, cho nhà nông, cho hộ gia đình để họ sử dụng sản phẩm đó vào sản xuất.
Bên cạnh đó, chúng ta cần dần dần tạo ra thị trường công nghệ để thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu.
Qua thực tế, ông đánh giá như thế nào về cơ chế chính sách của NĐ 115 trong 10 năm qua? Theo ông để Nghị định phát huy hiệu quả cần những yếu tố nào?
PGS.TS Lê Ngọc Tòng: Theo tôi, tư tưởng của NĐ 115 là rất tốt, Nghị định này đã tạo ra sân chơi cho các nhà khoa học phát huy hết nội năng, năng lực, sáng tạo của mình và dần dần gắn các sản phẩm khoa học với người tiêu dùng sản phẩm đó. Các nhà nghiên cứu bán sản phẩm để từ đó lấy kinh phí trang trải cho hoạt động của cơ quan, tổ chức mình, tư tưởng đó là rất tốt.
Nhưng chúng ta đang đứng trước một thực tế nền KH&CN Việt Nam, với đội ngũ các nhà khoa học hiện nay, thị trường công nghệ hiện nay, năng lực quản lý hiện nay thì chúng ta cần phải có những giải pháp trung gian tiếp theo để dần dần một mặt chúng ta cố gắng với sự bao cấp của nhà nước thì chúng ta cần khuyến khích phát triển một thị trường khoa học đồng bộ Bên cạnh đó, chúng ta cần xây dựng đội ngũ các nhà khoa học của chúng ta vừa hồng vừa chuyên.
Ngoài ra, chúng ta cần phải tạo cho các tổ chức KH&CN một quá trình thương mại hóa dần dần từng bước, tức là một mặt chúng ta vẫn bao cấp những điều kiện nhất định để tổ chức đó duy trì tồn tại nhưng mặt khác chúng ta phải tạo ra người đặt hàng để họ sáng tạo ra các mặt hàng phục vụ chung cho nhà nước, cho các cơ sở, doanh nghiệp, Bộ, ngành. Và với cách đó, chúng ta đi dần dần từng bước thì chúng ta sẽ tạo ra thị trường công nghệ mà nó vừa đảm bảo sự phát triển chung của đất nước, đồng thời tạo ra mối quan hệ giữa nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà nông và nhân dân.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này./.
Theo Truyenthongkhoahoc