Nền kinh tế số: Việt Nam vượt trội ở nhiều trụ cột
Ngày đăng: 09/04/2025 09:16
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 09/04/2025 09:16
Việt Nam được đánh giá cao ở các yếu tố cơ sở hạ tầng công nghệ phủ internet đến nhà, trường học, phát triển ứng dụng di động, hay băng thông internet quốc tế xếp thứ hạng. Ảnh: Viettel triển khai các trạm thu phát sóng 5G vào năm 2023 và thương mại hóa mạng 5G bằng một phần thiết bị 5G sản xuất trong nước.
Việt Nam được đánh giá cao ở các yếu tố cơ sở hạ tầng công nghệ phủ internet đến nhà, trường học, phát triển ứng dụng di động, hay băng thông internet quốc tế xếp thứ hạng. Ảnh: Viettel triển khai các trạm thu phát sóng 5G vào năm 2023 và thương mại hóa mạng 5G bằng một phần thiết bị 5G sản xuất trong nước. |
Quy mô kinh tế số tăng 5.5 lần sau hơn một thập niên
Các nghiên cứu về quy mô của kinh tế số chủ yếu đo lường các chỉ tiêu về kinh tế số cốt lõi (core digital economy) - được hiểu là lĩnh vực kỹ thuật số, bao gồm sản xuất phần cứng ICT (công nghệ thông tin và truyền thông), dịch vụ ICT, dịch vụ kỹ thuật số như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, blockchain…. Nền kinh tế kỹ thuật số hiểu theo nghĩa hẹp được định nghĩa là lĩnh vực cốt lõi, trực tiếp liên quan đến công nghệ số, và nhờ vào phần nền tảng “lõi” này mà các nền tảng và hoạt động trực tuyến tồn tại và phát triển trên đó. Còn nền kinh tế số hóa bao gồm rộng rãi tất cả các hoạt động sử dụng công nghệ số và trong nền kinh tế hiện đại, nó bao hàm tác động của kinh tế số lên toàn bộ nền kinh tế.
Một nghiên cứu mới xuất bản năm 2024 của các nhà nghiên cứu ở Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, Đại học Kinh tế quốc dân và Bộ Kế hoạch đầu tư đo lường quy mô kinh tế số của Việt Nam cho thấy, tỷ trọng kinh tế số đóng góp vào GDP đã tăng nhanh gần 5.5 lần sau hơn một thập niên1, kể từ năm đầu tiên được đo lường, vào 2007. Nếu như năm 2007, tỷ trọng của nền kinh tế số trong GDP vẫn còn thấp - chỉ là 1,45%, thì vào năm 2020, con số này đã tăng lên 8,05% (và theo tốc độ tăng trưởng trung bình này, thì ở thời điểm hiện nay, quy mô nền kinh tế số đã chiếm tỷ trọng cao hơn nhiều).
Mặc dù tác động của các ngành CNTT trong nước đối với nền kinh tế Việt Nam tăng theo thời gian, nhưng nhìn vào các cấu phần, bao gồm phân ngành sản xuất CNTT đang kích thích nhập khẩu hơn là tạo thêm giá trị cho nền kinh tế trong nước; phân ngành dịch vụ - nội dung số cho thấy sự phát triển đáng kể nhưng hiệu ứng lan tỏa khiêm tốn do quy mô nhỏ. |
Tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm của khu vực kinh tế số trong 13 năm (2007–2020) là 21,76%, cao hơn gấp ba lần tốc độ tăng trưởng trung bình của nền kinh tế - trong cùng giai đoạn là 6,01%. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của nền kinh tế số cốt lõi cao hơn nhiều so với GDP cả nước, cho thấy năng suất lao động của khu vực công nghệ thông tin (CNTT) cao hơn mức trung bình của nền kinh tế. Cụ thể, năng suất lao động bình quân của nền kinh tế giai đoạn 2007–2020 là 50,7 triệu đồng/năm (tính theo giá cố định năm 2010), trong khi con số tương ứng của khu vực số là 140,1 triệu đồng/năm, gần gấp ba lần.
Phân tích sâu hơn, dữ liệu của nền kinh tế số cốt lõi được chia thành hai phân ngành số: sản xuất phần cứng CNTT và dịch vụ và nội dung số CNTT. Từ năm 2007 đến năm 2012, khu vực số chủ yếu dựa vào dịch vụ CNTT và nội dung số. Năm 2007, dịch vụ CNTT và nội dung số chiếm 67%, trong khi ngành công nghiệp phần cứng chiếm 23% giá trị gia tăng của khu vực số. Nhưng kể từ năm 2013 đến năm 2020, khu vực số chủ yếu dựa vào ngành công nghiệp phần cứng CNTT. Năm 2020, ngành phần cứng ICT chiếm 85% giá trị gia tăng của ngành kỹ thuật số, trong khi dịch vụ ICT và nội dung số chiếm 15% giá trị gia tăng của ngành kỹ thuật số.
Nhờ sự gia tăng của nền kinh tế cốt lõi, quy mô nền kinh tế số hóa của Việt Nam tăng trưởng đáng kể từ năm 2007 đến năm 2019. Trong giai đoạn 2007–2011, nền kinh tế số hóa chiếm 4,90% GDP. Con số này tăng lên 11,56% trong giai đoạn 2016–2019. Điều này cho thấy mức độ ứng dụng CNTT ngày càng tăng cũng như tác động đến hiệu quả kinh tế quốc gia.
Source: www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0308596123001945?via%3Dihub |
Hiệu suất vượt trội trên nhiều trụ cột
Các đánh giá độc lập khác, chẳng hạn như của Diễn đàn kinh tế thế giới, thông qua báo cáo Chỉ số Sẵn sàng công nghệ (NRI), đo lường khả năng của các quốc gia trong việc tận dụng các cơ hội kinh tế do ICT mang lại cũng cho thấy Việt Nam có hiệu suất vượt trội về kỹ thuật số. Báo cáo NRI thường niên, đánh giá mức độ sẵn sàng công nghệ của Việt Nam dựa trên bốn nhóm thành phần, bao gồm (1) Mức độ sẵn sàng về công nghệ, (2) Sẵn sàng về con người cho nền kinh tế số, (3) Mức độ sẵn sàng về quản trị và (4) Tác động của kinh tế số đến nền kinh tế.
Cả bốn trụ cột đều cho thấy Việt Nam có sự chuẩn bị nhanh chóng, tích cực, đặc biệt là chuẩn bị về “mức độ sẵn sàng về công nghệ” cho kinh tế số. Chỉ số sẵn sàng công nghệ số theo dõi thường niên kể từ 2006 – 2007 cho thấy sự chuẩn bị, nỗ lực vượt bậc của Việt Nam, từ vị trí rất khiêm tốn – thứ 81 toàn cầu vào 2007 đã vươn lên 45 toàn cầu vào 2024. Nhóm thực hiện báo cáo NRI đánh giá, nền kinh tế số của Việt Nam nổi bật, tiêu biểu trong khối các nước có thu nhập trung bình thấp, đặc biệt là về tác động của công nghệ kỹ thuật số đến nền kinh tế và chất lượng cuộc sống. Về tổng điểm mức độ sẵn sàng cho nền kinh tế số, Việt Nam được đánh giá xếp thứ 45 toàn cầu, nhưng nhiều chỉ số điểm thành phần còn có thứ hạng cao hơn (các trụ cột “Sự chuẩn bị về công nghệ” đứng thứ 41, “Sự sẵn sàng về con người” thứ 38 và “Tác động của kinh tế số lên nền kinh tế” xếp thứ 31).
Về trụ cột công nghệ, Việt Nam được đánh giá cao ở độ sẵn sàng về công nghệ dựa vào nhiều yếu tố như khả năng chi trả để kết nối di động, khả năng tiếp cận internet thông qua cáp quang đến tận nhà, tận trường học, tỉ lệ dân số được phủ sóng 3G, băng thông internet quốc tế; phát triển ứng dụng di động, cho đến mức độ chuẩn bị cho các công nghệ của tương lai như áp dụng công nghệ mới nổi như xử lý thông tin AI, dữ liệu lớn, robot; số lượng ấn phẩm công bố về trí tuệ nhân tạo… Thậm chí, một số chỉ tiêu thành phần thuộc về trụ cột công nghệ như cơ sở hạ tầng công nghệ phủ internet đến nhà, trường học, Phát triển ứng dụng di động, hay Băng thông internet quốc tế xếp thứ hạng rất cao (lần lượt xếp thứ 4, thứ 7 và thứ 12 toàn cầu).
Nhóm thực hiện báo cáo NRI đánh giá, nền kinh tế số của Việt Nam nổi bật, tiêu biểu trong khối các nước có thu nhập trung bình thấp, đặc biệt là về tác động của công nghệ kỹ thuật số đến nền kinh tế và chất lượng cuộc sống. |
Về trụ cột tác động của kinh tế số đến nền kinh tế, đáng chú ý là Việt Nam không chỉ được đánh giá cao ở chỉ số tổng mà còn ấn tượng ở các chỉ số thành phần liên quan đến hoạt động nghiên cứu, sáng chế, ứng dụng sáng chế. Chỉ tiêu thành phần về Kinh tế (đánh giá chủ yếu thông qua số lượng đơn đăng ký sáng chế được nộp) và tác động của kinh tế số đến chất lượng cuộc sống người dân đều lần lượt xếp thứ 20 và 27 toàn cầu.
Để đạt được các kết quả này, theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, có tác động rất lớn từ điều hướng chính sách của nhà nước. Trước 2007, chiến lược đầu tư và phát triển của chính phủ đã dẫn đến sự phát triển nhanh chóng của ngành dịch vụ kỹ thuật số ICT và nội dung số trong giai đoạn 2007–2012. Kể từ giai đoạn 2013–2020, khi đầu tư của chính phủ vào nhóm ngành dịch vụ ICT giảm, đồng thời chính sách ưu đãi đối với đầu tư nước ngoài (FDI) đã giúp nguồn vốn FDI đổ mạnh vào sản xuất linh kiện và thiết bị điện tử, làm tăng giá trị của ngành phần cứng ICT. Đặc biệt, các đầu tư về hạ tầng công nghệ thông tin đã làm thay đổi diện mạo kinh tế số, đóng góp phần lớn vào các chỉ tiêu về mức độ sẵn sàng về hạ tầng, công nghệ.
Những điểm cần cải thiện
Tuy nhiên, các báo cáo, nghiên cứu mới cũng chỉ ra những điểm cần cải thiện trong nền kinh tế số ở Việt Nam.
Công bố của các nhà nghiên cứu Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông và đồng sự đánh giá, tăng trưởng của nền kinh tế số hóa chủ yếu dựa trên sự tăng trưởng của nền kinh tế số cốt lõi. Hiệu ứng lan tỏa (spillover effect) của khu vực kỹ thuật số đối với GDP quốc gia tăng khiêm tốn. Trong giai đoạn 2007–2011, tác động lan tỏa của tài sản kỹ thuật số trong nền kinh tế chiếm 4,31% GDP, trong giai đoạn 2016–2019 là 5,41%.
Một số nghiên cứu khác2 cũng chỉ ra rằng mặc dù tác động của các ngành CNTT trong nước đối với nền kinh tế Việt Nam tăng theo thời gian, nhưng nhìn vào các cấu phần, bao gồm phân ngành sản xuất CNTT đang kích thích nhập khẩu hơn là tạo thêm giá trị cho nền kinh tế trong nước; phân ngành dịch vụ - nội dung số cho thấy sự phát triển đáng kể nhưng hiệu ứng lan tỏa khiêm tốn do quy mô nhỏ. Nói cách khác, ngành CNTT của Việt Nam đang phát triển nhanh, nhưng dịch vụ cho sản xuất trong nước còn hạn chế. Chẳng hạn, các doanh nghiệp FDI chiếm 95% giá trị của ngành sản xuất này và 97% doanh thu xuất khẩu này (năm 2020, kim ngạch xuất khẩu máy tính, điện thoại và linh kiện dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu của cả nước, chiếm 34% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa). Nhưng các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực này chủ yếu là gia công, nhập khẩu linh kiện, lắp ráp rồi tái xuất.
![]() |
Biểu đồ 2: Các trụ cột về đo lường khả năng của quốc gia trong việc tận dụng các cơ hội kinh tế số mang lại cho thấy Việt Nam có sự chuẩn bị nhanh chóng, tích cực, vượt trội hơn so với nhóm các nước cùng nhóm thu nhập, đặc biệt là chuẩn bị về “hạ tầng công nghệ”. Tuy nhiên, chỉ số về quản trị vẫn còn thấp. Nguồn biểu đồ: Số liệu từ báo cáo NRI. |
Về nguyên tắc, nếu ngành CNTT trong nước không đáp ứng được nhu cầu trong nước về sản phẩm và dịch vụ CNTT, hàng nhập khẩu có thể thay thế, và các doanh nghiệp vẫn có thể thực hiện chuyển đổi số. Tuy nhiên, Việt Nam vấp phải một thực tế là mức độ ứng dụng CNTT tại các doanh nghiệp (chủ yếu là nhỏ và vừa) còn thấp, điều này dự báo mức độ và tác động của chuyển đổi số còn thấp. Công bố vào năm 2022 cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp áp dụng các dịch vụ CNTT cơ bản như máy tính, email, mạng và trang web. Chỉ có 6%3 doanh nghiệp sử dụng các hệ thống phần mềm phức tạp để hỗ trợ sản xuất và kinh doanh.
Báo cáo Chỉ số Sẵn sàng công nghệ cũng đánh giá, mặc dù Việt Nam đang tiến rất nhanh về cơ sở hạ tầng số, nhưng các hành lang bảo vệ dữ liệu còn chưa theo kịp. Trong khi các chỉ số liên quan đến hạ tầng, kinh tế vượt trội thì các chỉ số về quản trị chưa tương xứng, đặc biệt là các chỉ số thành phần về “Bảo vệ quyền riêng tư theo luật”, về “Quy định”, và “Môi trường quản lý CNTT” còn rất thấp (lần lượt xếp thứ 127, 101 và 102). Có thể, tới đây khi các luật, quy định về công nghiệp công nghệ số, bảo vệ dữ liệu trên môi trường số được đưa vào thực hiện và mang lại hiệu quả trong thực tế, các chỉ số này sẽ có thay đổi.
(1) https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0308596123001945?via%3Dihub
(2) https://www.sciedu.ca/journal/index.php/rwe/article/view/18821/11556
(3) https://csdlkhoahoc.hueuni.edu.vn/data/2022/7/JED_Special_Issue_2022_final.pdf
Khoahocphattrien