Nâng tầm hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ
Ngày đăng: 26/06/2014 18:39
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 26/06/2014 18:39
Hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ (KHCN) thời gian gần đây được đẩy mạnh với nhiều dự án quan trọng được ký kết và triển khai. Đặc biệt, việc Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình hợp tác nghiên cứu song phương và đa phương về KHCN đến năm 2020 hứa hẹn sẽ khiến hoạt động này ngày càng sôi động hơn.
Những dấu mốc
Theo Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ KHCN), hợp tác và hội nhập quốc tế là một kênh quan trọng để huy động bổ sung nguồn lực về tri thức, công nghệ và cả tài chính từ bên ngoài phục vụ cho các trọng tâm phát triển KHCN. Bên cạnh đó, thông qua các diễn đàn đa phương, hợp tác quốc tế còn đóng vai trò chính yếu để đưa KHCN của Việt Nam hội nhập chủ động hơn và sâu rộng hơn với cộng đồng KHCN quốc tế.
Tính đến nay, Việt Nam đã có quan hệ hợp tác KHCN với gần 70 nước như Nga, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đức, Phần Lan..., là thành viên của 100 tổ chức quốc tế về KHCN, ký kết và thực hiện hơn 80 Nghị định thư hợp tác KHCN cấp Chính phủ, cấp Bộ. Mạng lưới cơ quan đại diện KHCN ở nước ngoài đã hoàn thiện việc triển khai nhân sự ở hầu hết các địa bàn quan trọng.
Việt Nam cũng đã đạt được nhiều thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu tiên tiến, công nghệ vũ trụ, năng lượng nguyên tử - năng lượng mới, và các dự án nâng cao năng lực KHCN quốc gia.... Nhiều gói tài trợ từ các dự án lên tới hàng triệu USD như các dự án hợp tác với Phần Lan, Ngân hàng Thế giới, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).... Đây là sự hỗ trợ quý giá trong bối cảnh nguồn lực đầu tư cho KHCN Việt Nam còn khiêm tốn, phần lớn dựa vào ngân sách Nhà nước.
Nhiều dự án hợp tác đã cho thấy hiệu quả rõ rệt: Hợp tác với cơ quan nghiên cứu của Vương quốc Anh, Việt Nam đã giải mã thành công hệ gen của 36 giống lúa bản địa, góp phần cải tạo giống lúa cho năng suất và chất lượng cao; Dự án Đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan (IPP) giúp hơn 60 cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, ứng dụng đổi mới công nghệ.
Thông qua hợp tác với IAEA, Việt Nam đã sản xuất được nhiều giống lúa mới bằng chiếu xạ có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh như giống DT10, VND95-20. IAEA còn hỗ trợ đắc lực Việt Nam trong việc ứng dụng công nghệ hạt nhân vào y tế, nâng cấp các phòng thí nghiệm trong lĩnh vực công nghiệp và sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử.
Cũng trong năm 2013, Việt Nam đã hoàn tất việc đưa 16kg uranium trả về Nga an toàn được quốc tế đánh giá cao, đàm phán thành công với Hoa Kỳ Hiệp định và bản ghi nhớ về hợp tác sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, trong đó bảo lưu được quyền làm giàu và tái chế uranium của Việt Nam.... Đây thực sự là những dấu mốc quan trọng cho thấy hoạt động hợp tác quốc tế về KHCN trong thời gian qua diễn ra hết sức sôi động, phủ sóng nhiều lĩnh vực và đạt được những thành quả đáng ghi nhận.
Mở rộng hợp tác song phương, đa phương
Thủ tướng Chính phủ vừa ra Quyết định số 538/QĐ-TTg ngày 16/4/2014 phê duyệt Chương trình hợp tác nghiên cứu song phương và đa phương về KHCN đến năm 2020. Mục tiêu chung của chương trình này là nâng cao khả năng phối hợp, tiếp thu và làm chủ các thành tựu KHCN tiên tiến, sáng tạo ra công nghệ mới, góp phần phát triển tiềm lực KHCN quốc gia, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ với giá trị gia tăng cao.
Việt Nam đặt mục tiêu tăng nhanh số lượng các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp trực tiếp tham gia hoặc chủ trì các nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu với đối tác nước ngoài. Số lượng các công trình công bố quốc tế được tạo ra từ các nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu tăng trung bình 15-20%/năm; sáng chế được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam và nước ngoài tăng trung bình 20%/năm....
Chương trình sẽ tập trung xây dựng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu có tính chất chiến lược, lâu dài về KHCN, hướng vào các vấn đề quan trọng, cấp thiết, các nhiệm vụ phục vụ các chương trình quốc gia và trọng điểm quốc gia về KHCN. Phát triển các tổ chức, tập thể nghiên cứu mạnh, đạt trình độ tiên tiến trong khu vực....
Để hoàn thành mục tiêu nói trên, chương trình đặt ra các giải pháp gồm: Đẩy mạnh việc thực hiện thỏa thuận quốc tế về hợp tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của các tổ chức nghiên cứu của Việt Nam. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, cụ thể là tập trung rà soát hệ thống cơ chế, chính sách hiện hành, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế làm cơ sở đổi mới và hoàn thiện hành lang pháp lý cần thiết để hỗ trợ cho các hoạt động của chương trình.
Bên cạnh đó, việc xây dựng tiêu chí đánh giá, tuyển chọn nhằm xác định các tổ chức nghiên cứu và tập thể nghiên cứu để giao thực hiện các nhiệm vụ KHCN có tính chiến lược, lâu dài cũng được chương trình hướng tới. Tìm kiếm, khai thác các nguồn lực từ các chương trình hỗ trợ, hợp tác quốc tế của các quốc gia phát triển, các tổ chức quốc tế và khu vực, các tập đoàn đa quốc gia giúp phát triển hạ tầng kỹ thuật, phục vụ công tác nghiên cứu và đào tạo nhân lực trong lĩnh vực KHCN.../.
Theo Ven.vn