KH&CN Việt Nam trước những đòi hỏi mới
Ngày đăng: 17/05/2024 09:32
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 17/05/2024 09:32
Bối cảnh những làn sóng công nghệ và biến đổi khí hậu đang làm thay đổi thế giới nhanh chóng, đòi hỏi những đóng góp đột phá của KH&CN. Để làm được điều đó thì cơ chế chính sách cho KH&CN phải đi trước một bước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tham quan triển lãm các thành tựu của ngành KH&CN. |
Những đóng góp quan trọng trong sáu thập niên
Trong khuôn khổ triển lãm và ngày hội KH&CN Việt Nam 18/5 và kỷ niệm 65 năm Thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ, các gian trưng bày với các thông tin về các công trình KH&CN quan trọng mới chỉ phần nào nói lên những đóng góp của KH&CN cho đất nước trong hơn sáu thập niên qua. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh nhiều lần tại buổi lễ kỷ niệm “ngành KH&CN nước ta đã có những bước phát triển vượt bậc, đạt những thành tựu quan trọng, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Có những kết quả nghiên cứu khoa học thấy ngay được hiệu quả trực tiếp làm thay đổi diện mạo của đất nước (như Nhà máy thủy điện Hòa Bình, Nhà máy thủy điện Sơn La, Đường dây 500 kV Bắc – Nam, các công trình dầu khí, các công trình cầu, đường, sân bay, bến cảng, khai hoang, cải tạo vùng Đồng Tháp Mười, nghiên cứu y học, vaccine, ghép tạng...), hay các nghiên cứu cả trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng, KH&CN và đổi mới sáng tạo đóng góp thực hiện mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh ngày càng rõ nét. Cũng có những kết quả quan trọng trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn giúp hình thành các yếu tố nền tảng về tư tưởng, đường lối phát triển, các chính sách về kinh tế, văn hóa, quốc phòng-an ninh, đối ngoại, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; đúc rút được các bài học kinh nghiệm quý báu.
Có lẽ không lĩnh vực nào nhìn thấy một cách chân thực hơn những đóng góp của ngành KH&CN như ngành nông nghiệp, với gần 2.000 hợp tác xã và nông dân cả nước khởi đi từ một nền sản xuất nhỏ lẻ, giá trị thấp đến chỗ ghi nhận khoa học và công nghệ đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, ngày đêm mong chờ “giá trị gia tăng trong nông nghiệp”. Những điều đó đều khởi nguồn từ những đòi hỏi của cuộc sống thường ngày như lời của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan tại lễ kỷ niệm, “đó là làm sao để nông sản đạt chất lượng và giá trị cao hơn? làm sao để tối ưu hóa giá trị được tạo ra trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp? làm sao để thu nhập và chất lượng sống của người nông dân ngày một tốt hơn?”. Hơn ai hết, người lãnh đạo ngành nông nghiệp đã kinh qua tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở vựa lúa lớn nhất Việt Nam thấm hiểu “giá trị gia tăng đó được tích lũy trên cơ sở gia tăng hàm lượng tri thức và ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ. Giá trị gia tăng trong nông nghiệp bắt đầu từ những nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, chuyển ra các khu thực nghiệm, khảo nghiệm và từng bước được đón nhận tại các trang trại, nông trại...”.
Cơ chế, chính sách quản lý KH&CN còn nhiều điểm chưa phù hợp, chưa dựa trên đặc thù của hoạt động KH&CN; chưa có đột phát trong chính sách thu hút, sử dụng, trọng dụng nhà khoa học tài năng; trong khi đó cạnh tranh thu hút nhân tài KH&CN đang là một cuộc chạy đua khốc liệt ở nhiều nơi trên thế giới. Thủ tướng Phạm Minh Chính |
Đối với các ngành công nghiệp – “xương sống” của nền kinh tế - có giá trị sản phẩm công nghệ cao, ứng dụng công nghệ tăng từ 26% năm 2010 lên trên 40% năm 2019, KH&CN “chính là đòn bẩy quan trọng, tạo lực đẩy cho hoạt động sản xuất, để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh”, như khẳng định của ông Phạm Văn Tài, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Trường Hải (THACO). Con đường của THACO đi, khởi đầu là doanh nghiệp sửa chữa ô tô đã qua sử dụng, đến chỗ xây dựng được Trung tâm Công nghiệp Cơ khí - ô tô và Logistics tập trung có quy mô lớn nhất cả nước và thuộc Top đầu khu vực ASEAN cũng là con đường mà nhiều doanh nghiệp khác ở một bối cảnh tiềm lực kinh tế, khoa học và công nghệ còn khiêm tốn đều phải tận dụng, cải tiến, nội địa hóa mới đi đến chỗ phát triển được giải pháp công nghệ riêng. Những kết quả đổi mới, cải tiến trong sản xuất hiện nay của đơn vị này cũng đều cho thấy đằng sau đó là bóng dáng của các đề tài nghiên cứu, với sự hỗ trợ của Bộ KH&CN, từ nghiên cứu đổi mới các khâu quan trọng của quá trình sản xuất, nghiên cứu khuôn mẫu linh kiện cho đến thiết kế chế tạo xe hoàn chỉnh.
Có được những thay đổi lớn lao với diện mạo đất nước và các ngành kinh tế ấy là nhờ sự lớn mạnh của đội ngũ nhà khoa học, trí thức. Sức mạnh của một đất nước, một dân tộc gắn liền với KH&CN; vị thế của một đất nước, một quốc gia được khẳng định bằng trình độ KH&CN của đất nước, quốc gia đó. Việt Nam từ một nước chậm phát triển, khó khăn, nghèo nàn về kinh tế, hạn chế về hợp tác quốc tế… đã vươn lên trở thành nước có nền kinh tế trung bình, hội nhập sâu rộng và vị thế không ngừng được khẳng định trên trường quốc tế. Các nhà khoa học Việt Nam đã tạo nên những sản phẩm mang thương hiệu Việt làm rạng danh đất nước, không chỉ rút ngắn khoảng cách với các nước tiên tiến trên thế giới mà còn tạo nên thứ bậc ngày càng cao và có uy tín trên thế giới.
Bối cảnh KH&CN thay đổi thế giới sâu sắc
Sau hơn sáu thập niên xây dựng và trưởng thành, đội ngũ nhà khoa học, trí thức, ngành KH&CN đang đứng trước một ngưỡng cửa mới như Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, dưới tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, KH&CN đã phát triển bùng nổ trên tất cả các lĩnh vực và đang làm “thay đổi sâu sắc thế giới”, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung theo hướng thông minh hơn, hiệu quả hơn “với tốc độ nhanh hơn, biến động khó lường”. Vào thời gian xây dựng Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13, chúng ta cũng không lường trước hết được những điều khó lường như ba năm vừa qua, với những vấn đề điển hình là đại dịch COVID, biến đổi khí hậu nhanh chóng hay trí tuệ nhân tạo phát triển vượt bậc đến mức đáng kinh ngạc như gần đây.
Sự thách thức của bối cảnh mới, đòi hỏi những đột phá về KH&CN cũng đặt ra yêu cầu phải có đột phá về chính sách KH&CN và ĐMST. Đảng và Chính phủ đã đánh giá những khó khăn thách thức cũng như cơ hội từ bối cảnh mới đó và chủ trương “Phát triển và ứng dụng KH&CN là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; là một nội dung cần được ưu tiên tập trung đầu tư trước một bước trong hoạt động của các ngành, các cấp…” cũng như “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 khẳng định, phát triển nguồn nhân lực gắn với KHCN và đổi mới sáng tạo là một trong ba đột phá chiến lược, là quốc sách hàng đầu cho phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới”. Điều mà Thủ tướng nhấn mạnh là “cơ sở chính trị đã có rồi, bây giờ bàn cách xây dựng cơ sở pháp lý”.
Những đặt hàng sửa đổi cơ chế chính sách của lãnh đạo Chính phủ đã được đặt ra trong nhiều phiên gặp mặt đội ngũ nhà quản lý, nhà khoa học vào dịp này cũng như Tổng kết hoạt động hằng năm của Bộ KH&CN suốt khoảng năm năm gần đây. Nhắc lại ví dụ về quá trình đầu tư cho vaccine mRNA hơn ba thập niên để bước từ phòng thí nghiệm cho đến ngày bước ra thị trường, giải quyết dịch bệnh COVID hay những giống lúa thơm ngon cần đến cả một đời nghiên cứu của nhà khoa học như trong nhiều phiên họp khác, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhìn nhận thấy những đặc thù của ngành khoa học và công nghệ là đòi hỏi đầu tư dài hơi, và chấp nhận rủi ro. Giới quản lý khoa học và sở hữu trí tuệ quốc tế cũng đã thống kê, để các nghiên cứu đến được bước có sản phẩm đăng ký bảo hộ bản quyền sáng chế đã cần tới nhiều năm nghiên cứu, rồi cũng chỉ có chừng 5 – 7% số sáng chế đó có thể đến được thị trường nhưng đóng góp rất quan trọng đem lại các đột phá về công nghệ, về kinh tế. Điều đó cho thấy tính rủi ro trong nghiên cứu khoa học, nơi nhà nghiên cứu đi tìm các giải pháp chưa từng có chứ không phải đi trả lời những câu hỏi “ăn chắc” hiển nhiên không cần phải tốn nhiều công mày mò.
Đứng trước một đặc điểm đã trở thành bản chất của khoa học là tìm kiếm giải pháp mới, rủi ro là một hằng số như thế, chúng ta vẫn phải quay lại với những bài toán của ngành KH&CN là cơ chế chính sách nào để tạo đột phá.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ ra “cơ chế, chính sách quản lý KH&CN còn nhiều điểm chưa phù hợp, chưa dựa trên đặc thù của hoạt động KH&CN; chưa có đột phá trong chính sách thu hút, sử dụng, trọng dụng nhà khoa học tài năng; trong khi đó cạnh tranh thu hút nhân tài KH&CN đang là một cuộc chạy đua khốc liệt ở nhiều nơi trên thế giới. Kinh phí đầu tư còn hạn hẹp; cơ sở vật chất kỹ thuật và trang thiết bị phục vụ hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thị trường KH&CN phát triển còn chậm; chưa xây dựng được sàn giao dịch công nghệ hoạt động hiệu quả; kết nối cung cầu về KH&CN, đổi mới sáng tạo còn hạn chế; cơ chế thương mại hóa sản phẩm KH&CN còn chưa đột phá để đáp ứng yêu cầu thực tiễn...”.
Nhưng việc đề xuất cơ chế chính sách như thế nào không nằm ở đâu khác ngoài chính ngành KH&CN, hiểu hơn hết về những vấn đề của ngành, phải nghiên cứu và chủ động đề xuất giải pháp mới, Thủ tướng nhấn mạnh. “Về cơ chế chính sách chúng ta phải nghiên cứu đề xuất, các nhà lãnh đạo lắng nghe. Nhưng chủ yếu là phải chủ động đề xuất, các đề xuất phải thuyết phục, có tính khả thi, có khả năng hiện thực hóa. Về nguồn lực tài chính hạn hẹp nhưng biết cách thì vẫn có thể thu xếp nguồn lực để làm”. Các bộ, ngành, địa phương cần kiên trì, mạnh dạn đề xuất, triển khai các chính sách vượt trội cho KH&CN. “Tại sao tôi nói phải kiên trì, phải thuyết phục nhau, vì những điều mới, đột phá thì bao giờ cũng khó được chấp nhận ngay. Nếu được chấp nhận ngay thì chưa chắc đã phải là đổi mới. Đã là đổi mới, sáng tạo thì không phải ai cũng nhận thức như nhau. Những người đổi mới, sáng tạo là những người vượt trội, dám chấp nhận rủi ro, chấp nhận hi sinh, nên cũng phải chấp nhận là sự đồng thuận chưa cao”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đề xuất những cơ chế mới có tính khả thi là chìa khóa để thúc đẩy các nguồn lực KH&CN trong bối cảnh “các nguồn tài nguyên thiên nhiên hữu hạn ngày càng khan hiếm thì KHCN, đổi mới sáng tạo là nguồn tài nguyên vô tận”.
6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm Thủ tướng Phạm Minh Chính xác định cần phát huy hơn nữa vai trò của KH&CN, đổi mới sáng tạo trên tất cả các lĩnh vực, coi đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp, các ngành, các địa phương, với phương châm “hạ tầng thông suốt, cơ chế thông thoáng, quản trị thông minh”, trong đó tập trung vào sáu nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: 1. Các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế, trước mắt tập trung vào ba nội dung: Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển bao trùm, toàn diện; đầu tư thích đáng về hạ tầng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực khoa học xã hội và nhân văn. 2. Tăng cường thu hút, đa dạng hóa các nguồn lực cho KH&CN và đổi mới sáng tạo; phát triển mạnh nhân lực KH&CN, khuyến khích khu vực tư nhân, các doanh nghiệp, tăng cường các hình thức hợp tác công tư tham gia đào tạo nhân lực KH&CN. Tập trung phát triển mạnh thị trường KH&CN để góp phần tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. 3. Các bộ, ngành, địa phương cần kiên trì, mạnh dạn đề xuất, triển khai các chính sách vượt trội cho KH&CN về thể chế, cơ sở vật chất, nhân lực, trong đó có các chính sách ưu đãi, trọng dụng, tôn vinh, khen thưởng cho người làm công tác KH&CN và đổi mới sáng tạo nhằm khơi dậy niềm đam mê, khuyến khích sự dấn thân trong thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, nhất là nhà khoa học trẻ, các nhà khoa học đang hoạt động trong điều kiện khó khăn như ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo... 4. Đối với các doanh nghiệp, cần coi hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng KH&CN và đổi mới sáng tạo là một trong các yếu tố quan trọng nâng cao năng lực năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và sự phát triển của doanh nghiệp, nhất là tập trung vào các lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, khắc phục cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân... 5.Có chính sách phù hợp tăng cường thu hút các nhà khoa học Việt Nam, quốc tế có uy tín đang làm việc ở các nước có thể đóng góp phù hợp vào sự phát triển khoa học trong nước thông qua các cơ chế hợp tác đa dạng (như: tham gia giảng dạy, nghiên cứu, nhận hướng dẫn nghiên cứu sinh Việt Nam...) để đào tạo đội ngũ nghiên cứu trong nước tiếp cận với KH&CN tiên tiến, hội nhập thế giới. 6. Các nhà khoa học cần đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Các nhà khoa học cần nhận thức sứ mệnh của mình, trọng trách lớn lao đối với đất nước, dám dấn thân, dám hy sinh, dám chấp nhận rủi ro và cống hiến hết mình cho KH&CN. Lịch sử đã ghi nhận nhiều tấm gương cống hiến của các nhà khoa học đối với vận mệnh quốc gia. Đất nước ta đang rất cần sự dấn thân của các nhà khoa học để thực hiện thành công các nhiệm vụ KH&CN và đổi mới sáng tạo góp phần phụng sự tổ quốc, phụng sự nhân dân, mang lại niềm vinh dự, tự hào cho cá nhân, cho gia đình, cho cộng đồng, cho dân tộc. Trích phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Lễ kỷ niệm ngày KH&CN Việt Nam 18/5 và 65 năm ngày Thành lập Bộ KH&CN |
Khoahocphattrien