Nâng giá trị Cam Cao phong bằng Chỉ dẫn địa lý
Ngày đăng: 18/11/2014 09:06
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 18/11/2014 09:06
Bộ trưởng Nguyễn Quân tham quan các gian hàng trưng bày cam Cao Phong |
Ngày 16/11/2014, tại Hòa Bình, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Hòa Bình đã tổ chức lễ đón nhận Chỉ dẫn địa lý Cao Phong cho sản phẩm cam của huyện Cao Phong.
Tham dự buổi lễ, về phía đại biểu Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Quân, Ủy viên trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; Tạ Quang Minh - Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ; lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện trực thuộc Bộ KH&CN; lãnh đạo một số tỉnh, thành phố.
Về phía tỉnh Hòa Bình có các đồng chí: Bùi Văn Tỉnh, ủy viên trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Quang - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; cùng đại diện các doanh nghiệp, hộ trồng cam tiêu tiểu trên địa bàn huyện Cao Phong.
Chỉ dẫn địa lý Cao Phong cho sản phẩm cam của huyện Cao Phong được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý vào tháng 11/2014. Bước đầu chứng nhận bảo hộ Chỉ dẫn địa lý Cam cho 4 giống cam của huyện Cao Phong gồm: CS1, Xã Đoài lùn, Xã Đoài cao và Cam Canh. Đây vốn là những giống cam được di thực ở các địa phương khác về huyện Cao Phong từ những năm 1960. Đây cũng là chỉ dẫn địa lý đầu tiên được cấp cho tỉnh Hòa Bình.
Theo đó, những hộ nằm trong vùng sử dụng chỉ dẫn địa lý tại thị trấn Cao Phong và các xã Tây Phong, Bắc Phong, Dũng Phong và Thu Phong sẽ có sản phẩm cam mang tên gọi chung.Việc sản phẩm cam của huyện Cao Phong được bảo hộ chỉ dẫn địa lý là bước ngoặt mang tính chiến lược, là kết quả quan trọng trong chiến lược phát triển KT-XH của huyện và là tiền đề quan trọng để tiếp tục xây dựng và phát triển thương hiệu Cam Cao Phong.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Việc Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KH&CN cấp văn bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý Cao Phong cho sản phẩm cam của huyện Cao Phong là một bước đột phá mở ra nhiều cơ hội cho người trồng cam của huyện Cao Phong. Đến nay, cam Cao Phong là sản phẩm đầu tiên và duy nhất của tỉnh được cấp văn bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý. Đây là bước đột phá trong công tác phát triển tài sản trí tuệ cũng như góp phần phát triển KT-XH địa phương bởi đây là hình thức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cao nhất dùng cho các sản phẩm có chất lượng đặc thù do các điều kiện địa lý của khu vực đó quyết định.
Bộ trưởng Nguyễn Quân tham quan các gian hàng trưng bày cam Cao Phong |
Qua đánh giá bình quân một hécta cam, quýt cho thu nhập khoảng 600 triệu đồng, trừ chi phí người nông dân còn lãi 400 triệu đồng/vụ. Đến nay, huyện Cao Phong có 50 hộ trồng cam có thu nhập từ 1 tỷ đến 10 tỷ đồng/năm.
Nhân sự kiện này, đồng chí Nguyễn Quân, Ủy viên trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hoà Bình nói chung, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Cao Phong nói riêng. Đây cũng là sản phẩm thứ 43 trong cả nước được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chỉ dẫn và bảo hộ địa lý. Đồng thời nhấn mạnh việc bảo hộ thành công Chỉ dẫn địa lý cam Cao Phong là kết quả quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu. Nhiệm vụ quan trọng hơn là phải duy trì và phát triển thương hiệu Cam Cao Phong để đưa thương hiệu này xứng đáng là thương hiệu mạnh của quốc gia.
Bộ trưởng yêu cầu Cục SHTT và các đơn vị liên quan của Bộ KH&CN có trách nhiệm tư vấn, hỗ trợ giúp đỡ cho các cơ quan có liên quan của tỉnh Hòa Bình, huyện Cao Phong trong việc bảo vệ nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam Cao Phong. Bộ trưởng cũng đề nghị lãnh đạo Huyện Cao Phong thông qua việc xây dựng các nhiệm vụ của những người trồng cam trên địa bàn phải có những giải pháp nâng cao bảo vệ giá trị và chất lượng của quả cam, thành lập một Hiệp hội mạnh những người trồng cam tránh để các doanh và các tổ chức cá nhân khác lợi dụng nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý cũng như xâm phạm quyền của những người trồng cam trên địa bàn tỉnh Cao Phong.
Tại buổi lễ, đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Ủy viên trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ phát biểu nhấn mạnh: Với những giá trị riêng có của mình, việc cam Cao Phong được cấp Giấy chứng nhận Chỉ dẫn đại lý là một bước tiến hết sức quan trọng. Từ chỗ chỉ là sản phẩm được ưa chuộng ở địa phương, cam Cao Phong sẽ được người tiêu dùng cả nước biết đến, trở thành thương hiệu nông sản mang tầm vóc quốc gia có sức vươn bền bỉ ra thị trường trong nước và quốc tế. Với việc chỉ dẫn địa lý Cao Phong được đăng ký bảo hộ thành công, tỉnh Hoà Bình cũng đang tích cực chung tay, góp sức vào công cuộc đó. Từ thành công bước đầu trong công cuộc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản của tỉnh Hoà Bình, hy vọng sắp tới sẽ còn có nhiều sản phẩm mang địa danh của tỉnh Hoà Bình đi xa, vươn ra thị trường trong nước và quốc tế.
Kế hoạch đến năm 2017, huyện Cao Phong duy trì diện tích cam vào khoảng 1.500 ha, sản lượng hàng năm đạt hơn 20.000 tấn, thu nhập bình quân đạt hơn 500 triệu đồng/ha. Để làm được điều đó huyện Cao Phong sẽ thực hiện tốt công tác quy hoạch vùng cam, có cơ cấu giống hợp lý; thực hiện chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất; tuyên truyền, quảng bá sản phẩm cam, quýt Cao Phong đến với người dân cả nước; vươn tới thị trường ngoài nước.
Theo Truyenthongkhoahoc