Nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị và cộng đồng về sản phẩm OCOP
Ngày đăng: 14/10/2022 08:16
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 14/10/2022 08:16
Sáng 12/10, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới của tỉnh đã tổ chức Hội nghị tuyên truyền nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị và cộng đồng về Chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) năm 2022.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Y Biêr Niê phát biểu tại hội nghị. |
Tham dự có Phó Bí thư Tỉnh ủy Y Biêr Niê; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Hoài Dương; PGS.TS Trần Văn Ơn, chuyên gia Chương trình OCOP quốc gia; cùng đông đảo các chủ thể sản phẩm OCOP của các địa phương.
Sau hơn 4 năm triển khai, Chương trình OCOP đã tạo sự lan toả mạnh mẽ, được triển khai thực hiện một cách chủ động, bảo đảm đồng bộ, rộng khắp tại các địa phương. Đến hết tháng 8/2022, Đắk Lắk đã có 72 sản phẩm OCOP đạt từ 3 – 4 sao (8 sản phẩm đạt 4 sao, 64 sản phẩm đạt 3 sao) được công nhận. Các sản phẩm OCOP đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận tích cực, giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới… Qua Chương trình OCOP, phát hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.
Gian hàng OCOP của các địa phương được trưng bày tại hội nghị. |
Tuy nhiên, qua thời gian triển khai cho thấy, những giải pháp hỗ trợ đối với chủ thể của các sản phẩm OCOP vẫn chưa thực sự được quan tâm, đặc biệt là để nâng cao về năng lực quản trị, chế biến và thương mại sản phẩm. Ngoài ra, quy mô sản phẩm OCOP của các chủ thể còn khiêm tốn, công tác xúc tiến thương mại còn manh mún, thiếu tính đồng bộ, chưa tạo được điểm nhấn nổi trội, đặc sắc để tạo dựng hình ảnh, giá trị thương mại, thay đổi nhận thức của người tiêu dùng đối với sản phẩm và thương hiệu OCOP của tỉnh.
Tại hội nghị, PGS.TS Trần Văn Ơn, chuyên gia Chương trình OCOP quốc gia đã có những phân tích, nhìn nhận, đánh giá kết quả đạt được giai đoạn 2018 - 2020 và một số lưu ý, chủ đề trọng tâm khi triển khai Chương trình OCOP tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm triển khai thực hiện Chương trình OCOP của các tỉnh đã làm tốt, từ đó để tỉnh học tập, rút kinh nghiệm và vận dụng vào công tác chỉ đạo, quản lý triển khai Chương trình OCOP trong thời gian tới đạt hiệu quả.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy Y Bier Niê nhấn mạnh: Việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP tỉnh Đắk Lắk có ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và khu vực nông thôn nói riêng. Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.
Gian hàng OCOP của các địa phương được trưng bày tại hội nghị. |
Với phương châm “Chất lượng làm nên thương hiệu”, chương trình cần đến sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc quan tâm đầu tư nhân lực, cơ sở vật chất; sự tự nguyện tham gia của các thành phần kinh tế, đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyên nghiệp hóa và gia tăng giá trị sản phẩm OCOP, gia tăng lợi ích cộng đồng và nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả.
Nhân dịp này, UBND tỉnh trao quyết định công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh cho 46 chủ thể, với 61 sản phẩm, trong đó có 7 sản phẩm đạt 4 sao và 54 sản phẩm đạt 3 sao.
Theo Báo Đắk Lắk