Morus - Sản xuất protein thay thế từ tằm
Ngày đăng: 15/08/2024 14:22
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 15/08/2024 14:22
Morus có trụ sở tại Tokyo, Nhật Bản, đang sử dụng tằm (kaiko) để cung cấp nguyên liệu thô cho các ngành công nghiệp khác nhau như thực phẩm và thức ăn chăn nuôi.
Tằm được dùng như một nguồn protein thay thế cho thực phẩm. |
Protein thay thế
Người ta dự đoán rằng sự cân bằng giữa cung và cầu protein toàn cầu sẽ sụp đổ vào năm 2030 do dân số toàn cầu tăng lên. Việc tăng số lượng gia súc để đáp ứng nhu cầu này là không có lợi khi xét đến tác động môi trường. Do vậy, một số công ty trên thế giới đã tính đến việc phát triển các protein thay thế có nguồn gốc từ côn trùng.
Côn trùng là nguồn dinh dưỡng bền vững hơn so với gia súc truyền thống. Tuy nhiên, có một số vấn đề cần được giải quyết để biến nó thành một loại thực phẩm tương lai. Chẳng hạn, côn trùng vẫn đang đắt hơn các nguồn protein hiện có vì chúng chưa được sản xuất hàng loạt. Hơn nữa, việc tiêu thụ côn trùng cũng chưa được chấp nhận rộng rãi ở tất cả các nền văn hóa, mặc dù một số nước đã có thói quen ăn côn trùng. Nói chung, giá cả và thị hiếu của người tiêu dùng sẽ là rào cản lớn nhất để quyết định độ phổ biến của các loại thực phẩm mới này.
Tằm tự nhiên ít chất béo và giàu protein, bao gồm các axit amin thiết yếu mà cơ thể con người không thể tự tổng hợp được. Chế độ ăn độc đáo của chúng trên lá dâu tằm cũng truyền cho ấu trùng các chất dinh dưỡng đặc biệt như 1-deoxynojirimycin (DNJ) có đặc tính chống tăng đường huyết sau ăn.
“Tằm đã được thuần hóa trong suốt lịch sử lâu dài của nhân loại và khá thích hợp để sản xuất hàng loạt vì chúng nằm im một chỗ, không chạy trốn, không ăn thịt lẫn nhau và đã được nghiên cứu từ lâu trong số các loài côn trùng”, Ryo Sato, đồng sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành của Morus, giải thích.
Hơn nữa, dệt lụa và nuôi tằm là những ngành công nghiệp chủ chốt đã hỗ trợ phát triển kinh tế của Nhật Bản, chiếm hơn một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu của đất nước. Với bối cảnh lịch sử này, Nhật Bản hiện đang là một trong những quốc gia dẫn đầu về công nghệ lai tạo và kỹ thuật di truyền trên tằm.
Morus đã hợp tác với Đại học Shinshu để đưa công trình nghiên cứu nhân giống tằm nhanh vào trong thực tế, đáp ứng nhu cầu sản xuất tằm số lượng lớn. Họ đã thiết lập được một hệ thống nuôi tằm quy mô công nghiệp đầu tiên trên thế giới, dưới sự dẫn dắt của giáo sư Shiomi Kunihiro, đồng sáng lập kiêm cố vấn công nghệ của Morus. Giáo sư Shiomi đã dành nhiều năm nghiên cứu về các gene và hormonesinh học điều chỉnh thời kỳ đình dục của tằm, cũng như các điều kiện (nhiệt độ, ánh sáng, v.v) có thể ảnh hưởng tới trạng thái ngủ đông và phát triển của ấu trùng.
Sau khi thu hoạch tằm, họ sấy khô và nghiền chúng thành dạng bột màu trắng, gọi là MorSilk. Sato cho biết công ty có kế hoạch xuất khẩu và bán bột tằm làm nguyên liệu cho các nhà sản xuất thực phẩm và nhà hàng theo mô hình B2B.
Bản thân Morus cũng tự mình phát triển các dòng sản phẩm bột, viên nang và thanh protein sử dụng MorSilk nhưng có màu sắc và mùi vị như matcha để thu hút người tiêu dùng quan tâm đến loại sản phẩm mới có nguồn gốc côn trùng này. Họ tính đến việc cung cấp các dòng sản phẩm đó dưới dạng B2C cho một số phân khúc khách hàng đặc thù, chẳng hạn như các phòng tập gym.
Trong buổi giới thiệu sản phẩm ở Singapore, đại diện của Morus nói rằng việc biến tằm thành dạng bột có hàm lượng dinh dưỡng sẽ giúp những người e ngại với côn trùng có thể chấp nhận được chúng, và vị matcha là một vị đặc trưng của Nhật Bản làm nên thương hiệu quốc gia.
Cuối năm ngoái, Morus tiếp tục củng cố đội ngũ chuyên gia của mình bằng việc tuyển dụng thêm hai nhà khoa học mới là Ayu Fujii - người chuyên nghiên cứu về phân tích dinh dưỡng và cấu trúc-chức năng của các loại thực phẩm, từng làm việc cho công ty thịt chay nổi tiếng Beyond Meat có trụ sở tại Mỹ, và Seiji Aoyagi - một chuyên gia dinh dưỡng giàu kinh nghiệm với nhiều năm làm việc tại vị trí R&D của các tập đoàn đa quốc gia như Abbott Nutrition, GSK, Danone Japan và DNS.
Sato nói rằng những nhà khoa học này sẽ mang đến các công cụ khoa học thực phẩm và chuyên môn quản lý kinh doanh, giúp Morus “đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng toàn cầu và phát triển sản phẩm”.
Mở rộng thị trường
Hồi tháng hai năm nay, Morus đã thành lập công ty con ở Singapore nhằm đưa việc kinh doanh thâm nhập vào Đông Nam Á. Lý do chọn nơi đây làm điểm đặt chân vìSingapore là quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt việc bán thịt nuôi cấy nhân tạo và đang tích cực hỗ trợ các công ty khởi nghiệp về protein thay thế và công nghệ thực phẩm khác.
Do phải phụ thuộc vào nguồn cung thực phẩm từ bên ngoài nên quốc gia này luôn lo ngại về tình trạng thiếu lương thực trong tương lai. Năm ngoái, Cơ quan Thực phẩm Singapore tuyên bố sẽ cho phép bán hoặc nhập khẩu 16 loại côn trùng làm thực phẩm cho con người, bao gồm cả dế, châu chấu, sâu bột và tằm. Quy định này yêu cầu các loại côn trùng phải được nuôi trong các cơ sở được quản lý, không được thu hoạch từ tự nhiên, để ngăn ngừa ô nhiễm và mầm bệnh.
Khi thông tin được đưa ra, các nhà sản xuất côn trùng ở khắp nơi tại châu Á, bao gồm cả Morus (Nhật Bản) và Cricket One (Việt Nam) đã bày tỏ sự quan tâm. Morus nói rằng việc mở một công ty con ở Singapore không chỉ giúp đẩy nhanh việc bán hàng quốc tết mà còn liên quan đến các hoạt động R&D và thu hút nhân tài tại Singapore.
Trong khi đó, Morus cũng nhắm tới thị trường Mỹ bằng việc mở một dự án hợp tác với Đại học Illinois ở Urbana Champaign để nghiên cứu về các chất dinh dưỡng chức năng có trong bột protein tằm.
“Bột tằm có những đặc tính độc đáo làm cho nó khác biệt với các loài côn trùng khác”, GS. Carl Parsons, Đại học Illinois, nhấn mạnh trong một thông cáo chung của hai bên.
Chưa có nhiều thông tin công khai về sản phẩm mà họ cùng phát triển, nhưng GS. Carl Parson được biết dưới tư cách là Trưởng phòng thí nghiệm nghiên cứu chuyên về tiêu hóa, hấp thụ và sử dụng các thành phần dinh dưỡng làm thức ăn cho gia cầm và một số loài chăn nuôi khác như bò, lợn, cá.v.v
Trên thế giới, thức ăn chăn nuôi thay thếcũng đang là một mối quan tâm lớn, bởi việc mở rộng các dạng thức ăn chăn nuôi truyền thống như đậu tương, ngô, lúa mì sẽ gây khí thải nhà kính khổng lồ và dẫn đến những hậu quả môi trường tiêu cực. Mỹ hiện đang là quốc gia đứng đầu thế giới về đầu tư kinh doanh và tài trợ cho các nghiên cứu học thuật sử dụng các dạng protein thay thế để làm nguồn dinh dưỡng mới cho động vật.
Morus đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư trong nước. Tính đến giữa năm 2024, startup này đã huy động được tổng cộng 2,14 triệu USD trong các vòng gọi vốn đến pre-Series A. Số tiền được sử dụng chủ yếu để đưa công ty ra thị trường, đẩy nhanh tiến độ R&D và mở rộng đội ngũ của mình.
Các nhà đầu tư chính đánh giá cao việc đây là một công ty công nghệ sâu của Nhật Bản có khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Trong khi đó, một số nhà đầu tư khác quan tâm đến tầm nhìn của Morus có khả năng tác động đến ngành công nghiệp tơ lụa và nuôi tằm ở các tỉnh như Gunma, Nagano, và Yamanashi.
Khoahocphattrien