Mô hình kinh tế nông nghiệp”3 trong 1” trên triền đất núi
Ngày đăng: 03/08/2014 21:20
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 03/08/2014 21:20
![]() |
Ông Mai Nhựt Tồn ở ấp Tân Long, xã Tân Lợi, huyện Tịnh Biên là tấm gương tiêu biểu Nhà nông làm kinh tế giỏi vùng đất núi. Ông là điển hình của sự chí thú làm ăn, vượt qua khó khăn, vươn lên khá giàu từ sức lao động. Cách đây 10 năm, ông đã bỏ nghề buôn bán và gom hết vốn ở quê nhà tận huyện Thốt Nốt, TP. Cần Thơ để mua lại 5ha đất triền núi dưới chân Núi Cấm. Bước đầu cuộc sống mới của gia đình ông nơi miền núi thật sự rất khó khăn. Đất thì bạc màu do địa hình dốc, khu vực lại ít dân cư, vừa thiếu nước, vừa không có điện thấp sáng và sinh hoạt.
Ông Mai Nhựt Tồn đã mạnh dạn đầu tư ao trữ nước để tưới cây, khoan giếng để có nước sử dụng và tự kéo điện về đến nơi ở. Với số vốn vài trăm triệu đồng thời đó thật sự rất lớn đối với hộ gia đình làm kinh tế quy mô nhỏ. Nhờ học tập kinh nghiệm nhiều nơi và tìm tòi học hỏi ở tài liệu, sách, báo, ông Tồn đã biến mãnh đất của mình dần dần trở nên mô hình kinh tế có hiệu quả.
Ông đã thử nghiệm trồng đủ thứ các giống cây ăn trái để tìm hướng đi cho loại cây trồng phù hợp với vùng đất và cho kinh tế cao. Trong thời gian trồng cây, cải tạo đất, ông đã kết hợp trồng cỏ nuôi thêm bò để phát triển kinh tế gia đình. Từ 1 cặp bò giống ban đầu, gia đình ông đã phát triển dần thành đàn. Qua nhiều năm trồng cây thử nghiệm, ông đã tìm được hướng đi vững chắc trong phát triển kinh tế vườn ở vùng triền núi. Đó là đầu tư trồng xoài và xen quýt đường trong vườn.
Nhờ mảnh vườn mà hằng năm, ông đã có nguồn thu đến vài trăm triệu đồng. Có bao nhiêu vốn, ông tiếp tục đầu tư cho chăn nuôi và cải tạo vườn, biến mảnh đất thành mô hình khép kín “3 trong 1”. Vừa trồng cây ăn trái, vừa trồng cỏ giữ ẩm cho vườn cây và làm thức ăn cho bò. Những khu vực đất đá, đất xấu thì xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Ông cũng đã thử nghiệm nuôi rất nhiều loại gia súc, gia cầm và động vật hoang dã nhưng hướng đi thành công cuối cùng là nuôi bò, heo rừng và gà ta thả vườn.
Có thể nói, mô hình kinh tế của gia đình ông Tồn hiện nay thật sự là một trang trại quy mô vừa. ông đã dành trên 1ha đất để đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Số vốn hiện có mà ông đã đầu tư vào con giống và chuồng trại chăn nuôi khoảng vài tỉ đồng, trong đó có 80 con bò, gần 100 con heo rừng và trên 7.000 con gà ta thả vườn.
Theo ông Tồn, làm kinh tế trên đất triền núi rất khó, nếu biết chịu cực, chịu khó và nghiên cứu kỹ những loại cây, con phù hợp để đầu tư thì mới thành công. Điều quan trọng hơn hết là phải biết tận dụng những gì sẵn có, ví dụ như việc đi thu gom những phế phẩm rau cải, trái cây ở chợ, chất cặn thừa từ hàng quán, đừng ngại, đừng mắc cỡ, biết tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp ở địa phương để sử dụng trong chăn nuôi. Ông Tồn chia sẻ về những bí quyết thành công của mình trên vùng đất này.
Chưa dừng lại với những gì đã có, ông Tồn đang tiếp tục mua thêm đất và thuê đất của những hộ lân cận để trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi. Ông đang đầu tư xây dựng thêm các khu trại để phát triển mạnh đàn bò lên vài trăm con, nuôi thêm dê và hưu. Mô hình kinh tế trang trại “3 trong 1” của ông Mai Nhựt Tồn là hướng đi bền vững trên vùng đất núi. Thành công của ông đã mở ra nhiều điều hứa hẹn trong cách thức làm kinh tế gia đình của người dân ở địa phương.
Theo Sở Nông nghiệp An Giang