Lưu trữ thành công mẫu máu dây rốn thứ 100
Ngày đăng: 30/06/2014 19:40
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 30/06/2014 19:40
100 mẫu máu dây rốn đầu tiên được thu thập, xử lý và lưu trữ tại ngân hàng tế bào gốc của Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương đã mở ra cơ hội ghép cho nhiều bệnh nhân điều trị các bệnh về máu.
Sau khi xử lý xong, khối tế bào gốc được lưu trữ thành công trong nitơ lỏng ở nhiệt độ âm 150 đến âm 196 độ C. |
Sau hơn 1 tháng kể từ lễ ký kết hợp tác thu thập máu dây rốn cộng đồng giữa Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương với Bệnh viện phụ sản Hà Nội, Trung tâm Tế bào gốc của Viện đã thu thập và lưu trữ thành công mẫu máu dây rốn thứ 100 do các sản phụ tự nguyện hiến tặng.
Với đội ngũ kỹ thuật được đào tạo bài bản từ Nhật Bản và các nước có nền y học tiên tiến trên thế giới, bình quân mỗi ngày các kỹ thuật viên của Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương đã tiếp nhận và xử lý khoảng 4 đến 5 mẫu máu dây rốn.
Mỗi mẫu máu dây rốn từ lúc được lấy ra đến khi hoàn thành và đưa vào ngân hàng tế bào gốc phải trải qua 22 bước xử lý nghiêm ngặt và mất thời gian là 6 giờ.
Trong quá trình xử lý, mẫu máu dây rốn được thực hiện rất nhiều xét nghiệm để đảm bảo chất lượng cho khối tế bào gốc. Cuối cùng, mẫu được đưa vào lưu trữ tại ngân hàng tế bào gốc của Viện ở điều kiện nitơ lỏng âm 150 đến âm 196 độ C.
Với tốc độ thu thập và xử lý máu dây rốn như hiện nay, chắc chắn trong một thời gian ngắn, chúng ta đã có cả một ngân hàng tế bào gốc vô cùng giá trị và chất lượng để tiến hành ghép cho bệnh nhân.
Máu dây rốn trong cộng đồng là nguồn nguyên liệu vô cùng dồi dào và nếu biết tận dụng, sẽ trở thành một “thần dược” quý giá, là nguồn tế bào gốc phong phú để phục vụ việc cấy ghép tế bào gốc cho bệnh nhân mắc các bệnh máu nói riêng và nhiều bệnh khác nói chung.
Thạc sĩ Bạch Quốc Khánh, Phó Viện trưởng, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, cho biết hiện nay, mỗi ca ghép tế bào gốc tự thân có tổng chi phí 200 triệu đồng. Trừ chi phí bảo hiểm thì người bệnh phải chi trả khoảng 100 triệu đồng.
Đối với ghép tế bào gốc đồng loại, tổng chi phí khoảng 600 triệu đồng, người bệnh phải trả 200 đến 300 triệu đồng.
Kỹ thuật ghép tế bào gốc của Việt Nam không thua kém so với nhiều nước trên thế giới. Không ít bệnh nhân từng điều trị ở Singapore nhưng chi phí quá đắt lại về Việt Nam thực hiện ghép tế bào gốc.
Với kỹ thuật ghép tế bào gốc hiện nay, nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo sẽ có cơ hội được cứu sống.
Thạc sĩ Bạch Quốc Khánh cũng cho biết, từ tháng 7/2010, khi Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương chuyển sang cơ sở mới với trang thiết bị hiện đại, phù hợp, việc ghép tế bào gốc thực sự bùng nổ.
Tính đến nay, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương đã ghép được 107 ca, trong đó 66 trường hợp ghép đồng loại, 41 ca tự thân. Tỷ lệ thành công 70-80% .
Theo Chinhphu.vn