Lò đốt chất thải rắn sinh hoạt BD-ANPHA
Ngày đăng: 14/07/2014 00:10
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 14/07/2014 00:10
Công nhân vận hành lò đốt rác tại Kiến Thụy (Hải Phòng) |
Các nhà nghiên cứu của ĐH Bách khoa (Hà Nội) và Công ty TNHH Đức Minh vừa cho ra đời giải pháp công nghệ mới: Lò đốt chất thải rắn sinh hoạt BD-ANPHA.
Thiết kế nhỏ gọn, vận hành đơn giản
Hiện nay, tại nhiều khu vực nông thôn, thị trấn, thị tứ... trong cả nước, tình trạng rác thải tự phát ngày càng nhiều nhưng không được xử lý, gây tác động xấu tới môi trường và sức khỏe người dân.
Điểm đặc biệt nhất của lò là cơ chế vận hành trên cơ sở đối lưu tự nhiên, không cần sử dụng đến dầu hoặc điện để làm nhiên liệu đốt.
Với thiết kế nhỏ gọn, không chiếm nhiều diện tích, lò đốt rác đã được cấp chứng nhận độc quyền kiểu dáng công nghiệp số 18405 ngày 4/7/2012 của Cục Sở hữu trí tuệ. Cấu tạo lò đốt bao gồm các môđun hợp thành rất tiện lợi cho việc xây dựng và lắp đặt. Trong đó môđun chính là phần thân lò bao gồm buồng đốt sơ cấp, thứ cấp và buồng tách bụi, các môđun còn lại đều áp dụng khoa học công nghệ và vật liệu tốt nhất để đảm bảo độ bền và các chỉ tiêu chất lượng khí thải.
Trong quá trình hoạt động, sau khi rác thải được cấp vào buồng đốt sơ cấp, nhờ ảnh hưởng của nhiệt bức xạ ra từ tường lò, nhiệt độ trong lò đốt được nâng lên dần và xảy ra các quá trình cháy, sấy khô, thoát chất bốc và cháy chất bốc.
Quá trình đốt chất thải rắn trong thiết bị được kiểm soát dễ dàng, duy trì nhiệt độ cao thường xuyên trên 1000OC để giúp cháy kiệt rác thải, giảm trên 90% thể tích cần chôn lấp. Lò cũng được trang bị thêm bộ phận làm lạnh và bộ lọc bụi bảo đảm khí thải luôn có nhiệt độ thấp và sạch trước khi thải ra ngoài.
Chiều cao ống khói được tính toán một cách phù hợp, ít nhất trên 15m tính từ mặt đáy lò. Khí lò đốt trước khi thải ra môi trường đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp QCVN 19:2009/BTNMT và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải công nghiệp QCVN 30:2012 của Bộ Tài nguyên và môi trường.
Tháng 12/2013, lò đốt BD-Anpha cũng được bàn giao thành công tại huyện Kiến Thụy – (Hải Phòng). Thời gian tới, mô hình này sẽ được nhân rộng nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường.
Lò đốt rác có nhiều ưu điểm nổi bật như: chiếm ít diện tích, quy trình lắp đặt nhanh, vận hành đơn giản, dễ bảo trì sửa chữa và giá thành chỉ bằng 50% các sản phẩm nhập ngoại có cùng công suất... Vì thế, lò đốt chất thải rắn BD–ANPHA có thể được sản xuất và lắp đặt với những quy mô khác nhau theo yêu cầu sử dụng, để xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các khu vực thành thị, nông thôn, miền núi, hải đảo và cả các loại rác thải công nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế và môi trường bền vững.
Ứng dụng thành công
Mô hình lò đốt chất thải rắn sinh hoạt BD - ANPHA đã được đưa vào sử dụng thí điểm tại huyện Nga Sơn, Thanh Hóa bước đầu đã cho kết quả khả quan. Với kinh phí đầu tư là 2 tỷ đồng, sau hơn 2 tháng đưa vào vận hành, trung bình lò đốt tiêu hủy khoảng 10 - 12 tấn rác thải/ngày, khả năng xử lý rác thải rất triệt để, không khói, không mùi, không sinh ra nước rỉ rác, không ô nhiễm môi trường. Nồng độ khí thải đạt tiêu chuẩn môi trường QCVN 30 – 2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Bình quân mỗi giờ lò đốt chất thải rắn sinh hoạt BD-Anpha xử lý được 500 kg chất thải rắn (tương đương 2 m3/giờ). Khi vận hành, lò đốt này không tiêu hao năng lượng trong quá trình đốt; khả năng tách bụi đến 99%, khói ra hoàn toàn sạch. Đặc biệt, tro xỉ được cháy kiệt, có thể dùng làm phân bón cho đất nông nghiệp, dùng làm phụ gia đóng gạch không nung, rải đường hoặc đem đi chôn lấp, vận hành đơn giản không cần công nhân có trình độ cao.
Theo Báo Công Thương