Lễ ra mắt Hội đồng Quản lý Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia
Ngày đăng: 19/12/2014 14:18
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 19/12/2014 14:18
Ngày 12/12/2014, tại Hà Nội đã diễn ra buổi Lễ ra mắt Hội đồng Quản lý Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia (Quỹ).
Toàn cảnh lễ ra mắt |
Tham dự Lễ ra mắt có Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân; ông Hoàng Văn Phong, Phái viên của Thủ tướng Chính phủ về KH&CN, Chủ tịch Hội đồng Chính sách KH&CN Quốc gia, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ; ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ KH&CN; ông Đỗ Văn Lộc, Giám đốc Cơ quan điều hành Quỹ cùng các thành viên Hội đồng Quản lý Quỹ và các đơn vị có liên quan.
Tại lễ ra mắt Hội đồng Quản lý Quỹ, ông Đỗ Văn Lộc, Giám đốc Cơ quan điều hành Quỹ cho biết, trong thời gian qua, Quỹ đã triển khai một số công việc trọng tâm hoàn thiện các văn bản hướng dẫn để Quỹ đi vào hoạt động, xây dựng bộ máy tổ chức và đảm bảo kinh phí cho Quỹ hoạt động.
Năm 2015 là năm đầu tiên Quỹ triển khai các nhiệm vụ với tổng kinh phí tài trợ các nhiệm vụ và hoạt động của Ban điều hành là 300 tỷ đồng. Các nhiệm vụ được Quỹ tài trợ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư liên tịch Bộ Tài chính - Bộ KH&CN, bao gồm:
Dự án: Nghiên cứu phát triển công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao của doanh nghiệp để tạo ra sản phẩm mới, dịch vụ mới; Ươm tạo công nghệ; sản xuất thử nghiệm sản phẩm mới; Đào tạo cán bộ KH&CN phục vụ chuyển giao, ứng dụng công nghệ; Chuyển giao, hoàn thiện, sáng tạo công nghệ để sản xuất sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm, sản phẩm quốc gia;
Đề tài: Nghiên cứu lập dự án nghiên cứu tiền khả thi, dự án khả thi cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân phát triển công nghệ mới, công nghệ tiên tiến; Tìm kiếm, giải mã công nghệ, khai thác sáng chế, cải tiến kỹ thuật cho phát triển công nghệ mới, công nghệ tiên tiến;
Và các hoạt động khác: Nhân rộng, phổ biến, giới thiệu và chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội ở khu vực nông thôn, miền núi; Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, thuê chuyên gia tư vấn trong nước, chuyên gia tư vấn nước ngoài cho phát triển công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.
Ông Hoàng Văn Phong nhấn mạnh: “Các nhiệm vụ được Quỹ xét chọn năm 2015 về cơ bản là các nhiệm vụ đã có nghiên cứu khả thi, có kế hoạch kinh doanh và phù hợp với định hướng ưu tiên của Quỹ để có thể thực hiện được ngay trong năm 2015”.
Trong năm 2015, Quỹ sẽ tập trung vào một số công việc trọng tâm như hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn của Quỹ; Hoàn thiện tổ chức bộ máy của Quỹ; Chỉ đạo việc tổ chức xét chọn và phê duyệt các nhiệm vụ của Quỹ năm 2015; Tổ chức tìm kiếm và xác định các nhiệm vụ thuộc Quỹ; Hợp tác với các đơn vị, tổ chức trong nuớc và nước ngoài.
Do đó, để Quỹ có thể triển khai một cách có hiệu quả ngay trong năm 2015 và đặt nền tảng cho sự phát triển trong những năm tiếp theo, Hội đồng quản lý Quỹ kiến nghị Bộ KH&CN cùng Bộ Tài chính sớm ban hành thông tư mới thay thế các Thông tư cũ liên quan đến chế độ tài chính đối với các nhiệm vụ KH&CN như tính công, khoán chi đối với cán bộ tham gia nhiệm vụ KH&CN, chế độ đối với chuyên gia trong nước và nuớc ngoài, đào tạo cán bộ,….
Bộ KH&CN sớm phê duyệt Đề án tổ chức của Ban điều hành Quỹ. Bộ KH&CN cho phép Quỹ thực hiện thí điểm một số cơ chế nhằm khắc phục những trở ngại cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ như áp dụng cơ chế đấu thầu của doanh nghiệp đối với khoản kinh phí Nhà nước hỗ trợ, hỗ trợ kinh phí sau khi sản phẩm đã được nghiệm thu đối với hợp đồng chuyển giao công nghệ hoặc đối với cả dự án,…
Phát biểu tại lễ ra mắt Hội đồng Quản lý Quỹ, Bộ trưởng Nguyễn Quân vui mừng vì trong một thời gian không dài Quỹ đã đạt được kết quả rất ấn tượng trong việc xây dựng các văn bản tạo hành lang pháp lý để Quỹ sẵn sàng hoạt động vào đầu năm 2015.
Bộ trưởng cho rằng, đối với thế giới thì hình thức tài trợ cho nghiên cứu thông qua quỹ đã có từ lâu nhưng ở Việt Nam còn khá mới mẻ, điều này cho thấy việc Quỹ được hình thành và đi vào hoạt động là một sự kiện quan trọng, đánh dấu sự thay đổi nhận thức tư duy của xã hội với hoạt động nghiên cứu KH&CN. Đứng trước yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế thì việc hỗ trợ cho các nhà khoa học, các viện nghiên cứu và các doanh nghiệp trở thành nhu cầu thiết yếu, điều này cũng được thể hiện cụ thể trong Luật KH&CN sửa đổi năm 2013.
Sự ra đời của loại hình Quỹ KH&CN sẽ thay đổi được tình trạng đề tài chờ tiền mà ngược lại tiền chờ đề tài. Đề tài được khoán đến đầu ra của sản phẩm nghiên cứu, hạn chế tối đa các kết quả nghiên cứu xong không được chuyển giao vào thực tế.
Bộ trưởng kỳ vọng Quỹ đi vào hoạt động cùng với Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia sẽ trở thành một hệ thống quỹ của nhà nước tạo nên một địa chỉ tin cậy cho các nhà khoa học, các viện trường và nhà khoa học trong cả nước. Bộ KH&CN sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành có liên quan để hỗ trợ Quỹ hoàn thiện các văn bản cần thiết đảm bảo Quỹ hoạt động hiệu quả nhất.
Hội đồng Quản lý Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia gồm 9 thành viên, bao gồm: ông Hoàng Văn Phong, Chủ tịch Hội đồng chính sách KH&CN quốc gia - Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ; ông Phan Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia - Phó Chủ tịch; ông Đỗ Hữu Hào, Chủ tịch Hội Năng lượng, Hội Toán ứng dụng- Ủy viên; bà Trần Thị Thu Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính - Ủy viên; ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính - Ủy viên; bà Trần Kim Liên, Chủ tịch HĐQT Công ty giống cây trồng trung ương - Ủy viên; ông Lưu Hoàng Long, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp điện tử - Ủy viên; ông Nguyễn Văn Thọ, Tổng Giám đốc Tổng công ty công nghiệp Sài Gòn - Ủy viên; ông Tạ Cao Minh, Phó Trưởng ban KH&CN, Đại học Bách khoa Hà Nội - Ủy viên.
Theo Truyenthongkhoahoc