Lập Ban chủ nhiệm chương trình KH&CN cấp quốc gia thúc đẩy kinh tế miền Tây Nam bộ
Ngày đăng: 18/12/2014 08:01
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 18/12/2014 08:01
Ngày 16/12/2014, Bộ KH&CN đã công bố quyết định của Chính phủ thành lập Ban chủ nhiệm chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn 2014-2019 để thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững vùng Tây Nam bộ.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân chúc mừng Ban chủ nhiệm chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn 2014-2019 về phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ. |
Chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn 2014-2019 mà trọng tâm là “KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ” đã được trình bày tại hội thảo “Chương trình KH&CN Tây Nam bộ - tầm nhìn và trách nhiệm” tổ chức hôm nay tại Cần Thơ.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, đồng chủ nhiệm chương trình trên kiêm Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, nói rằng Chính phủ muốn khu vực này phát triển xứng tầm hơn, chuẩn bị tốt cho quá trình hội nhập sâu rộng sắp tới. Trước mắt, Ban chủ nhiệm sẽ rà soát, đánh giá lại toàn diện tất cả các chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ từ trước đến nay ở Tây Nam bộ. “Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ xem có thể kế thừa được cái nào và phát hiện ra những vấn đề gì cho giai đoạn tới, làm luận cứ cho phát triển vùng Tây Nam bộ theo hướng nhanh, bền vững và phát huy được lợi thế của vùng,” ông Thắng cho biết. Về kinh tế, cần rà soát, đánh giá lại những mô hình về dịch chuyển cơ cấu kinh tế; mô hình liên kết sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công, nông nghiệp; dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp; dịch vụ hỗ trợ cho phát triển công nghiệp; phát triển du lịch…
Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, trong quá trình đánh giá, cần đặc biệt lưu ý đến vấn đề liên kết vùng vì khu vực Tây Nam bộ có một vị trí rất quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội của khu vực nói riêng và cả nước nói chúng. “Chúng ta cần phải xem xét để xác định lợi thế của từng địa phương trong vùng, chẳng hạn địa phương nào có lợi thế về lúa gạo thì tập trung cho sản xuất lúa gạo; những địa phương ven biển thì tập trung cho thủy hải sản và những địa phương có thế mạnh về sản xuất cây ăn trái, thì có hướng ưu tiên,” ông Thắng cho biết.
Theo ông Thắng, sau năm 2015, chương trình sẽ đi vào những lĩnh vực rất cụ thể nhằm giúp khu vực Tây Nam bộ phát triển đồng bộ về mọi mặt. Với sản phẩm lúa gạo chẳng hạn, phải cụ thể hóa bằng những giải pháp nâng cao chuỗi giá trị. Tương tự, con tôm hay sản phẩm cây ăn trái cũng phải hình thành chuỗi liên kết, từ cung ứng đầu vào sản xuất, đến chế biến và xuất khẩu.
Ban chủ nhiệm chương trình KH&CN cấp quốc gia 2014-2019 gồm có 7 thành viên, trong đó có 2 người đồng giữ chức chủ nhiệm là ông Nguyễn Xuân Thắng (Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) và ông Phan Thanh Bình (Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM); Phó chủ nhiệm là ông Dương Quốc Xuân (Phó trưởng ban, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ); 4 Ủy viên, gồm ông Trần Việt Thanh (Thứ trưởng Bộ KH&CN), ông Lê Mạnh Hùng (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thủy lợi), ông Châu Trần Vĩnh (Phó cục trưởng Cục quản lý tài nguyên nước) và ông Lê Việt Dũng (Phó hiệu trưởng trường đại học Cần Thơ).
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn