Lần đầu tiên trong lịch sử, các nhà khoa học tạo thành công một cẳng chân sinh học
Ngày đăng: 08/06/2015 08:33
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 08/06/2015 08:33
Bạn đã bao giờ tưởng tượng ra cảnh người ta chữa bệnh bằng cách hỏng bộ phận nào thì thay luôn bộ phận đó, giống máy tính hay đồ điện tử vậy không? Vâng, chúng ta có quyền hy vọng nhìn thấy điều ấy khi chúng ta vẫn còn sống.
Hình một cánh tay linh trưởng đang được nhóm nghiên cứu thử nghiệm nuôi lớn |
Mới đây, một nhóm nghiên cứu tại bệnh viện Massachusetts General Hospital được dẫn dắt bởi chuyên gia Harold Ott đã lần đầu tiên trên thế giới nuôi thành công phần cẳng chân trước của chuột với cả bàn chân từ các tế bào sống bằng cách sử dụng một kỹ thuật có tên decel/recel (decellularization/recellularization - tạm dịch là giải tế bào hoá/tái tế bào hoá). Nhóm nghiên cứu cho biết có thể kỹ thuật này hoàn toàn có thể được áp dụng cho các phần khác của tay và chân và họ cũng đang thử nghiệm nuôi lớn một cánh tay linh trưởng. Tất nhiên, mục tiêu lâu dài là nuôi thành công chân tay sinh học của người. Trong tương lai, lịch sử có thể sẽ ghi nhận nghiên cứu này là nghiên cứu đầu tiên mở ra thời kỳ nuôi cấy chi cho những người bị cụt tay chân.
Cụ thể về phương pháp decel/recel trong nghiên cứu này, thay vì tạo mới một cẳng chân trước, các nhà khoa học lấy phần cẳng chân trước của một con chuột đã chết sau đó loại bỏ tất cả các tế bào sống của con chuột trước đó khỏi bộ phận này. Quá trình này chỉ để lại phần khung các protein collagen để giúp định hình các mạch máu, xương, hay là các phần cơ. Bạn có thể hình dung quá trình này như việc tạo khung làm bánh vậy, bạn rửa bỏ phần bánh hỏng đi, giữ lại khuôn, và làm bánh mới.
Sau khi đã có phần khung, các nhà khoa học sẽ đưa các tế bào của cá thể chuột sẽ được cấy ghép vào và nuôi chúng. Sau 3 tuần nuôi, các mạch máu và cơ được hình thành và các nhà khoa học chỉ việc ghép da cho phần cẳng tay này. Quá trình kết thúc.
Có lẽ đến đây mọi người sẽ hỏi tại sao lại phải lằng nhằng như vậy? Tại sao lại không cấy ghép thẳng phần cẳng chân trước của chú chuột đã chết vào chú chuột mới mà lại làm vậy? Lý do là khi cấy ghép một bộ phận từ một cá thể khác vào một cá thể, cơ thể sẽ luôn có phản ứng đào thải bộ phận mới này do không tương hợp. Vì lý do đó, thường cá thể được cấy ghép sẽ phải dùng thuốc chống đào thải suốt đời. Nuôi cấy một bộ phận được phát triển từ chính tế bào của cá thể nhận cấy ghép được cho là sẽ ngăn chặn phản ứng đào thải này bởi vì chúng hoàn toàn tương hợp với cá thể nhận.
Quay trở lại với phần cẳng tay trước của chuột, sau khi nuôi thành công phần cơ quan này, các nhà khoa học đã thử nghiệm phản ứng của cơ quan này với tín hiệu điện. Kết quả cho thấy nó có thể gập lại cũng như di chuyển. Sau đó, phần cẳng tay này được cấy vào chú chuột đang sống (đã cho tế bào trước đó) và người ta quan sát thấy các máu chảy qua phần cấy ghép này, cho phép phần này tiếp tục sống. Do hiện tại nhóm nghiên cứu chưa thử nghiệm phản ứng đào thải và khả năng điều khiển phần cẳng tay này nên họ vẫn chưa rõ các cơ có thể tự hoạt động được hay không hay theo thời gian cơ thể có đào thải không. Tuy nhiên nhóm nghiên cứu kỳ vọng rằng sẽ không có đào thải cũng như theo thời gian các dây thần kinh sẽ được phát triển thêm ở phần này và kết nối với não bộ chuột, cho phép điều khiển như thông thường.
Được biết trước đó thì kỹ thuật decel/recel cũng đã được dùng để nuôi tim, phổi, hay các cấu trúc đơn giản hơn như khí quản đã được dùng trong các cấy ghép cho người. Tuy nhiên theo các nhà khoa học, nuôi một cánh tay khó hơn rất nhiều các loại trước đó do tay có rất nhiều loại tế bào và dây thần kinh.
Theo Harold Ott, trưởng nhóm nghiên cứu, ước tính thì cũng phải mất ít nhất 1 thập niên trước khi các chân tay sinh học nhân tạo kiểu này nhưng của người sẵn sàng cho việc thử nghiệm. Tuy nhiên, triển vọng tương lai là rất sáng sủa.
Theo Tinhte.vn