Lần đầu tiên có bộ số liệu đồng bộ về đới đứt gãy sông Hồng
Ngày đăng: 08/12/2020 08:38
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 08/12/2020 08:38
Bộ số liệu giúp các nhà khoa học xác định chính xác được các nguy cơ tiềm ẩn về động đất do đới đứt gãy sông Hồng có thể gây ra.
Cột ăng-ten thu tín hiệu GPS trạm Chi Lăng (trái) và Trạm Tân Lạc (phải). |
Kết quả do các nhà khoa học thuộc Viện Vật lý địa cầu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thực hiện qua nhiệm vụ nghiên cứu theo Nghị định thư Việt Nam – Đài Loan (Trung Quốc) do Bộ Khoa học và Công nghệ điều phối.
Bắt đầu nghiên cứu từ năm 2016, các nhà khoa học Việt Nam và Đài Loan sử dụng bộ số liệu địa chấn dải rộng và tín hiệu GPS liên tục thu thập trong nhiều năm ở khu vực miền Bắc Việt Nam và thiết lập bổ sung 10 trạm đo tín hiệu GPS liên tục theo tuyến trên cơ sở 25 trạm địa chấn đã có.
Đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, sau ba năm thực hiện, lần đầu tiên Việt Nam có được một bộ số liệu kết hợp đồng thời cả số liệu động đất và số liệu GPS liên tục trên một tuyến quan trắc 25 trạm đo cắt ngang đới đứt gãy sông Hồng – đới đứt gãy lớn và đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kiến tạo ở Việt Nam và khu vực. Việc nghiên cứu chi tiết về cấu trúc sâu và dịch chuyển hiện đại vỏ trái đất miền Bắc Việt Nam giúp hiểu rõ hơn về quá trình tiến hóa vỏ trái đất, các hoạt động địa chấn kiến tạo cho miền Bắc Việt Nam và khu vực lân cận, là cơ sở quan trọng trong các nghiên cứu về tai biến địa chất như: động đất, sóng thần, trượt lở đất.
Trước đó các nghiên cứu về chuyển động hiện đại ở Việt Nam được thực hiện với việc thiết lập một mạng lưới đo tam giác gồm 12 điểm đo phân bố trên hệ thống đứt gãy Sông Hồng. Tuy nhiên, do những hạn chế về mặt kỹ thuật nên chưa có được bộ số liệu đồng bộ. Nay nhóm nghiên cứu áp dụng các phương pháp và kỹ thuật tiên tiến, tìm hiểu đặc điểm cấu trúc sâu và chuyển động hiện đại vỏ Trái đất miền Bắc Việt Nam bằng số liệu địa chấn dải rộng và hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu liên tục. Hiện đã xác định được mô hình chuyển động hiện đại vỏ Trái đất vùng Tây Bắc Việt Nam (dọc đứt gãy Lai Châu, Sơn La, Sông Hồng).
Các kết quả cấu trúc sâu như vận tốc sóng P, vận tốc sóng S cho khu vực miền Bắc Việt Nam, mặt cắt phân lớp cấu trúc phía đông nam đứt gãy sông Hồng và mô hình dịch chuyển hiện đại vỏ trái đất khu vực Tây Bắc và phía đông nam đứt gãy sông Hồng, danh mục cơ cấu chấn tiêu động đất khu vực miền Bắc Việt Nam... được thực hiện. Cơ cấu chấn tiêu động đất góp phần làm sáng tỏ cơ chế nguồn phát sinh ra các trận động đất khu vực miền Bắc Việt Nam.
"Đó là những thông tin rất cần thiết, phục vụ cho các nghiên cứu liên quan đến việc đánh giá độ nguy hiểm động đất phục vụ việc thiết kế kháng chấn cho công trình xây dựng hay đánh giá rủi ro do động đất gây ra", đại diện nhóm nghiên cứu cho biết.
Đặc biệt, mạng lưới trạm động đất và GPS cung cấp những số liệu mới cho Viện Vật lý địa cầu, góp phần làm giàu thêm cơ sở dữ liệu Vật lý địa cầu, là cơ sở để triển khai các nghiên cứu khác về động đất và các lĩnh vực khác có liên quan. Số liệu mạng lưới quan trắc này sẽ góp phần vào việc xác định chính xác hơn thông tin các trận động đất xảy ra trên miền Bắc phục vụ công tác báo tin động đất và cảnh báo sóng thần.
Theo Vnexpress