Làm gì để triển khai có hiệu quả các dự án phát triển nông nghiệp công nghệ cao?
Ngày đăng: 05/03/2015 07:59
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 05/03/2015 07:59
Năm 2015 là năm cuối trong việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2011 - 2015, năm tiến hành đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XII.
Mục tiêu phát triển KT-XH năm 2015 đã được Quốc hội thông qua là "Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn và vững chắc hơn năm 2014...”. Trên tinh thần đó, ngày 3/1/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP, xác định tiếp tục tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Công việc phải làm là tái cơ cấu các ngành và các vùng cần đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ, phát triển kinh tế xanh; trước hết tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, có khả năng tạo đột phá như nông nghiệp xanh, du lịch, công nghệ thông tin và công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ... Có thể nói, lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục được xác định là một trong những lĩnh vực trọng điểm trong năm 2015 với định hướng tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu trên mọi lĩnh vực của ngành nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, đổi mới tổ chức sản xuất và tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp...
Tìm lối đi lên
Điều này không có gì là khó hiểu vì hiện nay, nông nghiệp vẫn đang giữ một vai trò vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế nước ta. Năm 2014, nông nghiệp chiếm tỷ trọng khoảng 17% GDP cả nước; giải quyết việc làm cho 48% lao động cả nước. 70% dân số Việt Nam hiện đang sống ở vùng nông thôn. Kim ngạch xuất khẩu của nông nghiệp hàng năm chiếm trên 20% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Tuy nhiên, ngay ở thời điểm hiện tại, nông nghiệp Việt Nam vẫn bộc lộ nhiều hạn chế và tồn tại cần khắc phục. Mô hình phát triển theo chiều rộng, thâm dụng tài nguyên. Nông nghiệp đang chiếm tới 80% diện tích tài nguyên đất nhưng năng suất thấp, chưa hiệu quả. Trình độ sản xuất và năng lực cạnh tranh kém. Phương thức canh tác, sản xuất chủ yếu là thủ công với trình độ công nghệ thấp. Lợi nhuận thấp, phân bổ không đều. Người nông dân là lực lượng tham gia chính nhưng thu nhập rất thấp, chỉ khoảng 20 triệu đồng/người/năm. Ngành có rủi ro cao, khó thu hút vốn đầu tư. Nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp vẫn chủ yếu từ nguồn ngân sách và vốn tín dụng ưu đãi.
Rõ ràng là nông nghiệp vẫn chưa phát huy hết được lợi thế vốn có mà một trong những nút thắt chính là việc ứng dụng khoa học công nghệ cao trong lĩnh vực này còn chậm và yếu dẫn đến năng suất và giá trị của các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam rất thấp so với các đối thủ cạnh tranh. Chính vì vậy, tập trung phát triển ứng dụng khoa học công nghệ cho sản xuất nông nghiệp cần được nhìn nhận như một giải pháp đột phá nhằm thúc đẩy tăng trưởng của ngành.
Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC)
Việc phát triển NNCNC trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả ở một số mô hình và nếu triển khai tốt sẽ góp phần giải quyết các tồn tại của ngành nông nghiệp hiện nay. NNCNC có thể giúp khắc phục việc thâm dụng tài nguyên do phát triển theo chiều rộng, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, thu hút thêm nguồn vốn đầu tư.
Với vai trò là Ngân hàng luôn đi đầu trong việc thực hiện các chính sách của Đảng và Chính phủ, trong thời gian qua, BIDV đã rất tích cực tham gia tài trợ cho phát triển nông nghiệp và nông thôn; dư nợ cho nông nghiệp nông thôn luôn tăng trưởng và chiếm tỷ trọng lớn. Đến 31/12/2014 dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn đạt 61.050 tỷ đồng, chiếm gần 15% tổng dư nợ tại BIDV. BIDV cũng đã giữ vai trò đầu mối thực hiện chuỗi dự án tài chính nông thôn 1,2,3 (TCNT) do WB tài trợ: tổng số vốn 548 triệu USD, đóng góp lượng vốn lên tới 44 nghìn tỷ đồng (2,1 tỷ USD) cho 1,6 triệu khoản vay nông nghiệp nông thôn tại 63 tỉnh thành trong cả nước.
Thời gian tới, BIDV sẽ tiếp tục phát triển các chính sách hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp, đặc biệt là NNCNC. Hiện tại BIDV đang đề xuất với NHNN xây dựng dự án hỗ trợ hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn với tổng vốn lên tới 284 triệu USD tập trung đầu tư cho ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, phát triển mô hình hợp tác liên kết trong nông nghiệp theo chuỗi giá trị, ngành hàng. BIDV sẽ tích cực tham gia trong việc hình thành các quỹ khuyến khích đầu tư cho nông nghiệp. Trước mắt, BIDV sẽ tài trợ 100 tỷ đồng cho quỹ đổi mới doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp. BIDV cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chính sách tín dụng hỗ trợ cho nông nghiệp như tập trung cho vay nông nghiệp, nông thôn với lãi suất ưu đãi, phấn đấu đạt tỷ trọng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn tối thiểu 20%, tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân hàng năm cao hơn mức tăng bình quân của các ngành và lĩnh vực; Xây dựng và triển khai các sản phẩm/gói tín dụng đặc thù cho phát triển nông nghiệp, nông thôn phù hợp với các sản phẩm nông sản gắn với đặc thù của các địa phương; các dự án phát triển nông nghiệp công nghệ cao, có liên kết chặt chẽ trong chuỗi sản xuất; các dự án hạ tầng nông thôn… BIDV sẽ tăng cường hoạt động tư vấn, tiếp xúc với khách hàng, định hướng cho các doanh nghiệp tăng cường đầu tư cho nông nghiệp; thường xuyên tham gia tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm về phát triển nông nghiệp nông thôn để tăng cường mối liên kết giữa các khách hàng trong chuỗi giá trị sản xuất ngành hàng, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, đồng thời làm cơ sở kiến nghị Chính phủ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các chính sách cho nông nghiệp…
Gia tăng thu hút nguồn vốn
Trong cách nhìn nhận của BIDV, để thu hút nguồn vốn cho phát triển nông nghiệp và NNCND cần phải thực hiện những biện pháp sau đây:
Xúc tiến hình thành các quỹ khuyến khích cho các dự án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với nguồn vốn từ cả ngân sách, tài trợ của các doanh nghiệp và các tổ chức tài chính;
Nghiên cứu và điều chỉnh các chính sách hỗ trợ như miễn giảm thuế, phí theo hướng ưu đãi hơn cho các dự án ứng dụng công nghệ cao thay vì các ưu đãi áp dụng chung cho hoạt động nông nghiệp như hiện nay.
Xây dựng các cơ chế hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi với các dự án nông nghiệp có ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học;
Xây dựng định hướng chính sách thu hút đầu tư tập trung vào các hoạt động nghiên cứu ứng dụng KHCN cho sản xuất nông nghiệp.
Tập trung ưu tiên nguồn vốn lãi suất thấp cho các dự án nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ các TCTD tích cực cho vay NN thông qua các hình thức như tái cấp vốn với lãi suất thấp hoặc cấp bù lãi suất. Ðối với phương thức cho vay không có tài sản bảo đảm nên để TCTD chủ động xem xét. Có cơ chế tháo gỡ đối với quy định giải ngân qua tài khoản ngân hàng đối với các đối tượng nông nghiệp nông thôn để phù hợp với đặc thù hoạt động.
Cụ thể, trong thời gian tới cần phải tìm ra những giải pháp khả thi để thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp như nghiên cứu khả năng tài trợ cho chống ngập mặn tại TP HCM và Đồng bằng Sông Cửu Long; thúc đẩy nhanh các chương trình hợp tác về khoa học công nghệ cho nông nghiệp ở cấp quốc gia với các nước có nền nông nghiệp phát triển như Nhật Bản, Isarel, Hà Lan; có chính sách thu hút các dự án FDI gắn với hoạt động chuyển giao công nghệ từ các quốc gia này nhằm đi tắt đón đầu, thúc đẩy quá trình hiện đại hoá nông nghiệp. Chúng ta cần phải thúc đẩy nhanh quá trình hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn, các cụm sản xuất nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao khép kín từ nuôi trồng tới thu hoạch, chế biến, nhân rộng các mô hình, phương thức sản xuất đã thành công như cánh đồng lúa mẫu lớn tại An Giang, trại bò sữa công nghệ cao tại Nghệ An, vườn hoa và rau công nghệ cao tại Lâm Đồng… Cần xây dựng các chính sách hỗ trợ xác lập và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ để tạo nguồn thu hấp dẫn cho người sáng chế, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu trong nông nghiệp.
Để phát triển nguồn nhân lực, cần xây dựng các chương trình phát triển nguồn nhân lực mang tính dài hạn, xây dựng một đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ và sẵn sàng tiếp nhận được những thành tựu khoa học công nghệ hàng đầu trên thế giới. Cần xây dựng các chính sách định hướng các doanh nghiệp, các dự án tăng cường hoạt động đào tạo, hướng dẫn, chuyển giao công nghệ cho nông dân, người lao động trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao…
Theo Daidoanket.vn