Kỹ thuật quét võng mạc giúp xác định bệnh nhân Alzheimer trước khi các triệu chứng xuất hiện
Ngày đăng: 22/03/2019 09:17
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 22/03/2019 09:17
Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Ophthalmology Retina, các nhà khoa học cho biết có thể xác định nguy cơ mắc bệnh Alzheimer thông qua sự khác biệt mang ý nghĩa thống kê của hình ảnh võng mạc được quét bằng kĩ thuật mới. Phát hiện mới mở đường cho hy vọng phát triển phương pháp chẩn đoán bằng kỹ thuật quét võng mạc đơn giản trước khi các triệu chứng chính của bệnh này xuất hiện.
Nghiên cứu của trường Đại học Duke (Hoa Kỳ) tập trung vào công nghệ hình ảnh không xâm lấn được gọi là chụp cắt lớp quang học (OCTA), cho phép các bác sĩ lâm sàng kiểm tra nhanh lưu lượng máu trong mao mạch nhỏ nằm phía sau võng mạc.
Tác giả của nghiên cứu Sharon Fekrat cho biết: "Công nghệ mới của chúng tôi cho phép bác sĩ kiểm tra các mạch máu thông qua hình ảnh không thể nhìn thấy bằng mắt thường trong quá trình bệnh nhân khám mắt định kì. Đây là công nghệ không xâm lấn tương đối mới, hình ảnh của các mạch máu rất nhỏ trong võng mạc được quét với độ phân giải cao chỉ trong vài phút. Những biểu hiện của sự thay đổi về mật độ mạch máu tại võng mạc phản ánh gián tiếp những gì đang diễn ra trong các mạch máu nhỏ trong não trước khi chúng ta có thể phát hiện bất kỳ thay đổi nào".
Hơn 200 trường hợp bệnh nhân được lựa chọn để tham gia thử nghiệm. Họ được yêu cầu chụp ảnh toàn diện bằng công nghệ OCTA mới. Kết quả cho thấy 133 người có sức khỏe hoàn toàn bình thường, 39 trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer và 37 người được kết luận là mắc chứng suy giảm nhận thức nhẹ (MCI) - được coi là giai đoạn sớm của bệnh Alzheimer và chứng sa sút trí tuệ. Một trong những mục tiêu chính của nghiên cứu là xác định các bệnh thoái hóa võng mạc thường gặp là nguyên nhân trực tiếp gây bệnh Alzheimer, khác với chứng suy giảm nhận thức thể nhẹ liên quan đến vấn đề tuổi tác nói chung.
Các nhà nghiên cứu cho biết kết quả thử nghiệm rất rõ ràng. Ở các trường hợp bệnh nhân bị chẩn đoán Alzheimer, hiển thị mật độ mạch máu và mật độ tưới máu giảm đáng kể so với cả trường hợp khỏe mạnh và MCI. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của kĩ thuật hình ảnh OCTA, nó không chỉ là một phương pháp xét nghiệm chẩn đoán dễ thực hiện giúp phát hiện bệnh Alzheimer mà còn có khả năng xác định các giai đoạn khác nhau của bệnh thoái hóa võng mạc liên quan đến thoái hóa thần kinh, từ đó, bệnh nhân có thể nhanh chóng thực hiện xét nghiệm mắt để có thể phát hiện triệu chứng của bệnh suy giảm nhận thức ngay từ giai đoạn sớm nhất, trước khi các biểu hiện lâm sàng trở nên rõ ràng.
"Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là sử dụng công nghệ này để phát hiện sớm bệnh Alzheimer, trước khi các triệu chứng của bệnh suy giảm trí nhớ trở nên rõ ràng, đồng thời, có thể theo dõi những thay đổi ở các trường hợp bệnh nhân tham gia thử nghiệm lâm sàng nghiên cứu các phương pháp điều trị Alzheimer mới theo thời gian", Fekrat nhấn mạnh.
Kỹ thuật giúp xác định bệnh thoái hóa võng mạc (làm võng mạc mỏng đi) cũng đang được nghiên cứu với vai trò là công cụ giúp phát hiện sớm bệnh Parkinson trước khi bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng chính của bệnh. Nghiên cứu vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, và các nhà khoa học cho biết mặc dù ý tưởng này rất thú vị nhưng trong tương lai, họ cần tiến hành nhiều nghiên cứu sâu rộng hơn trước khi triển khai rộng rãi. Kĩ thuật kiểm tra mắt nhanh chóng, không xâm lấn nên được thực hiện thường xuyên để xác định những trường hợp bệnh nhân có nguy cơ mắc những căn bệnh do thoái hóa thần kinh gây ra, mang lại hy vọng phát triển một loạt các phương pháp điều trị phòng ngừa.
Theo Vista.gov.vn