Kỳ họp thứ Ba, HĐND tỉnh khóa X: Sôi nổi thảo luận các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội
Ngày đăng: 10/12/2021 09:21
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 10/12/2021 09:21
Chiều 9/12, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ Ba, HĐND tỉnh khóa X, dưới sự chủ trì của Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND tỉnh Y Vinh Tơr, các đại biểu HĐND tỉnh tiến hành bầu bổ sung Ủy viên UBND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 và chia tổ thảo luận các nội dung quan trọng.
Đại biểu bỏ phiếu bầu bổ sung Ủy viên UBND tỉnh, khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026. |
Với số phiếu thống nhất cao, Kỳ họp đã bầu bổ sung Ủy viên UBND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Trương Hoài Anh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông.
Các đại biểu cũng đã tiến hành chia 3 tổ thảo luận tập trung vào các nhóm vấn đề về đầu tư công, kinh tế - xã hội (KT-XH), tài nguyên và môi trường, điều hành thu chi ngân sách, chế độ chính sách và nội dung dự thảo Nghị quyết.
Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản thống nhất với báo cáo kết quả, nhiệm vụ năm 2021, đồng thời nêu lên một số ý kiến góp vào dự thảo Nghị quyết phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 như: cần tiếp tục đẩy mạnh các nhóm giải pháp về tăng thu ngân sách nhà nước; cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư; giải quyết những điểm nghẽn trong thực hiện các dự án đầu tư công thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát; tập trung các giải pháp dài hạn, tái cơ cấu nền kinh tế, nhằm hướng tới tăng trưởng cao và bền vững; quan tâm đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại; phát huy các nguồn lực, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, gắn kết hài hoà, hợp lý giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; giữ gìn, phát huy giá trị bản sắc văn hoá dân tộc…
Để tạo bước đột phá trong phát triển KT-XH địa phương, đại biểu Nguyễn Tuấn Hà (Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh) nhấn mạnh đến phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao trên từng lĩnh vực, từng địa phương và việc phát triển nguồn nhân lực cần phải được chú trọng hơn nữa và thực hiện ngay từ năm 2022 để chuẩn bị cho cả nhiệm kỳ cũng như các giai đoạn tiếp theo.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Hà (Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh) đóng góp ý kiến thảo luận tại Tổ số 1. |
Liên quan đến tăng trưởng kinh tế, đại biểu Nguyễn Thiên Văn (Bí thư Huyện ủy Ea Súp) nhận định: Năm 2021, dưới tác động của dịch COVID-19, tốc độ tăng trưởng của tỉnh chỉ đạt 5,1% và dự kiến năm 2022 đạt 7,27%. Để thực hiện được chỉ tiêu này, đại biểu Nguyễn Thiên Văn đề nghị UBND tỉnh phải tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn để thu hút huy động vốn đầu tư toàn xã hội, tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo để thực hiện tốt công tác quy hoạch sử dụng đất của từng giai đoạn và hằng năm. Đây là cơ sở để triển khai thực hiện các dự án và thu hút đầu tư trên địa bàn.
Các đại biểu thảo luận tại Tổ số 3. |
Đối với công tác an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho các lao động của địa phương trở về từ vùng dịch, đại biểu Lại Thị Loan (Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh) cho biết: Vừa qua Hội Nông dân tỉnh đã khảo sát hơn 1.000 lao động trở về địa phương trong thời gian qua, có gần 24% trường hợp muốn ở lại địa phương lập nghiệp và mong muốn được vay vốn từ 20 đến 80 triệu đồng để phát triển kinh tế. Do vậy, đại biểu đề nghị tỉnh cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ về vay vốn ưu đãi tạo sinh kế cho số lao động ở lại địa phương.
Đối với công tác dạy và học thời gian qua, các đại biểu cho rằng để phù hợp với tình hình phòng chống dịch bệnh COVID-19, nhiều địa phương đã phải lựa chọn hình thức học trực tuyến để duy trì tiến độ học tập. Tuy nhiên việc học trực tuyến kéo dài chưa đảm bảo chất lượng giáo dục, việc tổ chức dạy và học còn nhiều bất cập, khó khăn, nhất là ở các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Do vậy, đại biểu đề nghị cần có giải pháp, kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao chất lượng học tập cho học sinh khi kiểm soát được dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn, đồng thời xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết nhằm ứng phó dịch bệnh khi học sinh quay trở lại trường. Đại biểu Vũ Văn Hưng, Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột (Tổ đại biểu TP. Buôn Ma Thuột) cho rằng ngành GD-ĐT nên xem xét, tính toán lại việc quyết định thời gian kết thúc năm học chứ không nên ấn định vào ngày 30/6/2021 do không phù hợp với điều kiện thực tế và diễn biến dịch của từng địa phương…
* Ngày 10/12, các đại biểu tiến hành thảo luận tại hội trường và thông qua các Nghị quyết trình tại Kỳ họp.
Theo Báo Đắk Lắk