Kinh phí R&D: Thuyết phục tư nhân tham gia
Ngày đăng: 12/05/2025 10:14
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 12/05/2025 10:14
Việt Nam hướng đến mục tiêu đến năm 2030 sẽ dành khoảng 2% GDP cho nghiên cứu và phát triển (R&D) - tức gần 10-15 tỷ USD mỗi năm. Nhưng đây không chỉ là bài toán tiền bạc. Điều then chốt là cách dòng tiền R&D được phân bổ và liệu có những cơ chế đủ tinh tế để "gắn kết" doanh nghiệp ở từng nấc thang của độ chín công nghệ.
Kỷ nguyên vươn mình đòi hỏi đột phá về kinh phí R&D từ khu vực tư nhân. Ảnh minh họa: Intel |
Mục tiêu lớn mới
Sau nhiều năm tích lũy động lực, giờ đây Việt Nam đang đứng trước kế hoạch nghiêm túc để tăng chi cho nghiên cứu và phát triển (R&D) lên mức 2% GDP nhằm tạo đột phá trong đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững.[1] Cho đến khoảng những năm 2016, không có nhiều công ty tại Việt Nam tham vọng lớn với hoạt động R&D. Đa số doanh nghiệp là vừa và nhỏ hoặc muốn gia công xuất khẩu, điều này khiến họ gặp khó khăn khi triển khai các dự án công nghệ phức tạp hơn.
Sau đó, khái niệm về “khởi nghiệp sáng tạo”, và tiếp theo là “chuyên môn hóa thông minh” bắt đầu được áp dụng. Hiện tại, đã có một số lĩnh vực công nghệ được chọn để ưu tiên hỗ trợ, bao gồm công nghệ nông nghiệp (agritech), công nghệ giáo dục (edtech), y tế và chăm sóc sức khỏe, công nghệ sinh học, công nghệ năng lượng, chuyển đổi số, v.v và mới nhất là công nghệ bán dẫn (semiconductor) và trí tuệ nhân tạo (AI).
Sự thay đổi này tạo ra một nhu cầu mới về đầu tư cho R&D: Tăng mức chi cho R&D lên gấp bốn lần, từ khoảng 0,4-0,5% GDP hiện nay lên gần 2% GDP vào năm 2030. Điều này đi kèm với áp lực phải thực hiện trong thời gian ngắn, trong vòng năm năm tới [1].
“Thách thức 2%” cần phải có sự tham gia tích cực của khối doanh nghiệp – vì chỉ dựa vào ngân sách nhà nước thì không đủ. Chính quyền đã đặt mục tiêu chia sẻ kinh phí khổng lồ này giữa khối công và khối tư, trong đó nhà nước có thể gánh vác 40%, trong khi xã hội/tư nhân sẽ chịu trách nhiệm cho 60% còn lại [1]. (Thực tế con số có thể tham vọng hơn, khi Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng nêu trong một báo cáo trước Quốc hội hồi tháng hai rằng đầu tư từ doanh nghiệp có thể sẽ chiếm 70-80% tổng chi cho R&D vào năm 2030).
Mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ làm sao để khu vực tư nhân chịu rút hầu bao mạnh tay hơn cho R&D – bởi hiện tại, ‘bầu sữa’ nuôi dưỡng các dự án R&D và đổi mới sáng tạo vẫn chủ yếu đến từ ngân sách nhà nước.
Khu vực công có khả năng tăng chi tiêu khá linh hoạt – miễn là có đủ ý chí chính trị. Cả chính quyền Trung ương và địa phương đều có thể chủ động phân bổ thêm ngân sách và điều chỉnh hằng năm cho ba nhóm chương trình trọng điểm: phát triển hệ thống nghiên cứu, thúc đẩy chuyển giao tri thức giữa đại học và doanh nghiệp, và cải thiện môi trường kinh doanh.
Nhưng thuyết phục doanh nghiệp đầu tư cho R&D chưa bao giờ là chuyện dễ. Ở đây, chính phủ cần sử dụng nguồn lực của mình một cách chiến lược để kích thích doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực này. Nói cách khác, tiền của nhà nước phải được dùng để “đẩy” ngành công nghiệp cùng tham gia và chia sẻ rủi ro, và cùng nhau đẩy cỗ xe đổi mới sáng tạo đi xa hơn.
Sẵn sàng theo từng giai đoạn
Vậy tiền của nhà nước có thể cấu trúc thế nào để lôi kéo tư nhân tốt hơn? Như đã nói ở trên, có ba trụ cột chính mà nhà nước đang chi cho R&D.
Thứ nhất là các chương trình phát triển hệ thống nghiên cứu. Nguồn lực này thường dùng để trả lương cho các nhà khoa học và các nhóm nghiên cứu xuất sắc, tài trợ cho các nghiên cứu cơ bản lẫn nghiên cứu ứng dụng thông qua cơ chế tài trợ cạnh tranh, đầu tư nâng cấp cho cơ sở hạ tầng và các phòng thí nghiệm trọng điểm v.v.
Thứ hai là các chương trình thúc đẩy chuyển giao tri thức giữa đại học và doanh nghiệp. Điều này có thể thực hiện thông qua tài trợ các chương trình R&D có sự tham gia từ doanh nghiệp, hoặc các chương trình ứng dụng công nghệ theo mô hình đối tác công – tư (PPP), nhằm kéo gần khoảng cách giữa nghiên cứu và thị trường. Nó cũng bao gồm việc nới lỏng các quy định về quyền tài sản trí tuệ, thậm chí là các cơ chế khuyến khích nhà nghiên cứu tự mình lập công ty spin-off (đang được xem xét trong khuôn khổ Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo hiện hành)
Thứ ba là các chương trình cải thiện môi trường kinh doanh cho đổi mới sáng tạo. Các hành động cụ thể bao gồm: cắt giảm thủ tục hành chính, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp, ưu đãi thuế cho các hoạt động đổi mới, giải ngân hiệu quả cho các vườn ươm và chương trình tăng tốc khởi nghiệp công lập. Ngoài ra, trong tương lai, nhà nước có thể tạo ra các quỹ đầu tư mạo hiểm (Ventures Fund hoặc Fund-by-Fund) và chủ động ưu tiên mua sắm công cho các giải pháp công nghệ mới do doanh nghiệp trong nước phát triển (đang được xem xét trong khuôn khổ Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo).
Cả ba nhóm chương trình này đều rất quan trọng - vì nếu một trong ba mắt xích không được hỗ trợ tốt, thì toàn bộ hệ thống “đẩy” của khu vực công sẽ không vận hành hiệu quả. Nhìn chung, sự có mặt (hoặc thiếu vắng) các chương trình con trong ba trụ cột, việc sắp xếp các chương trình theo một trật tự thích hợp, tỷ lệ chi đối ứng, và hiệu quả triển khai chương trình sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến việc tư nhân có động lực tham gia vào tiến trình R&D và đổi mới sáng tạo hay không.
Các chương trình hỗ trợ sắp xếp theo mức độ sẵn sàng của công nghệ (TRL 1-9) của Estonia theo khung chung của Liên minh Châu Âu (EU). Trong đó, các chương trình được thiết kế riêng cho khối học thuật (xanh lá) và doanh nghiệp/ngành công nghiệp (xanh dương). Ảnh: Karel Lember, Bộ Kinh tế & Truyền thông Estonia [2].
Trong một buổi chia sẻ kinh nghiệm gần đây với các chuyên gia chính sách đổi mới sáng tạo đến từ Phần Lan và Estonia - hai quốc gia có hệ thống đổi mới sáng tạo phát triển, đồng thời đang nỗ lực mở rộng vai trò của khu vực tư nhân để đạt mục tiêu chi 3-4% GDP cho R&D - các chuyên gia nước ngoài đã đề xuất một khuôn khổ đang được áp dụng tại nhiều nước châu Âu mà Việt Nam có thể tham khảo: Sắp xếp các chương trình hỗ trợ - và theo đó là các khoản chi - theo các mức độ sẵn sàng công nghệ (Technology Readiness Level - TRL) [2].
Các mức độ sẵn sàng công nghệ càng thấp thì càng gắn bó với nghiên cứu cơ bản và được nhà nước tài trợ hoàn toàn. Trong khi, càng đi lên mức độ sẵn sàng công nghệ cao hơn thì càng có sự tham gia sâu rộng của các công ty, ngành công nghiệp và tài trợ tư nhân.
Về cơ bản, chính phủ sẽ đồng hành cùng tiến trình công nghệ và các doanh nghiệp khởi nghiệp trong suốt quá trình, nhưng sự tham gia sẽ trở nên ít quan trọng hơn khi công ty phát triển. Tỷ lệ đối ứng giữa khu vực công-tư theo đó cũng sẽ thay đổi theo giai đoạn. Có nghĩa là sẽ không thể có một mức mức hỗ trợ chi phí R&D cố định cho tất cả doanh nghiệp - như Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đang đề xuất.
“Có một sự đảm bảo khi nhà nước đi theo lâu dài”, giáo sư Arho Suominen tại Trung tâm Nghiên cứu Kỹ thuật Phần Lan VTT, một trong những tổ chức nghiên cứu ứng dụng công lớn nhất châu Âu, đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển giao tri thức giữa nghiên cứu và công nghiệp, nhận xét. “Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không gắn các cấp TRL với một công nghệ cụ thể. Chúng tôi không đánh giá dựa trên công nghệ cụ thể, ngay cả khi nói đến công nghệ mang tính chiến lược. Chúng tôi chỉ đơn giản nói rằng: với mỗi cấp TRL, sẽ có một chương trình tài trợ phù hợp, và khu vực tư nhân có thể đề xuất bất kỳ công nghệ nào. Sau đó, họ phải giải thích vì sao công nghệ đó phù hợp với công cụ tài trợ mà họ chọn, và nhà nước sẽ quyết định xem có đối ứng với họ hay không.”
Nếu các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam nhìn thấy có thể tiếp cận một chuỗi các chương trình hỗ trợ trải dài qua các cấp độ TRL để đưa công nghệ từ phòng thí nghiệm ra thị trường, họ sẽ cảm thấy hành trình R&D của mình dễ dàng hơn. Điều này cũng giúp doanh nghiệp và ngành công nghiệp có niềm tin đầu tư nhiều hơn vào R&D, đặc biệt ở giai đoạn sau, khi rủi ro thấp và tiềm năng thị trường đã rõ ràng. Cần lưu ý rằng chi phí cho R&D ở các giai đoạn TRL sau càng đắt đỏ, do đó tổng chi cho R&D của các doanh nghiệp tư nhân sẽ vượt quá chi của nhà nước. Điều này góp phần quan trọng vào việc đạt mục tiêu chi cho R&D lên 2% GDP.
Có lẽ việc cung cấp hỗ trợ theo tiến trình công nghệ đã xuất hiện trong một số chương trình ở Việt Nam, nhưng chưa thực sự rõ nét đối với các doanh nghiệp như trong bối cảnh EU. Các chương trình hiện tại dường như chủ yếu tập trung vào bản thân công nghệ hoặc lĩnh vực ứng dụng, thay vì chú trọng đến mức độ sẵn sàng của công nghệ để cung cấp nguồn lực ‘bắc cầu’ sang các giai đoạn phát triển tiếp theo.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn e dè khi hợp tác R&D với khu vực công, phần vì hoài nghi vào khả năng giải quyết các bài toán thực tiễn, phần vì khu vực này thường thiếu nguồn lực tài chính để triển khai các dự án ở mức TRL cao – nơi nhu cầu của doanh nghiệp đặt ra. Trong khi đó, nếu tự đầu tư cho R&D, khu vực tư lại gặp không ít rào cản: thiếu nhân lực chuyên sâu, hạ tầng nghiên cứu, kinh nghiệm triển khai và hệ tri thức nền mà khu vực công đang nắm giữ. Nếu có một “đường chạy” phù hợp – nghĩa là một cơ chế, lộ trình rõ ràng để cả hai bên cùng phát huy thế mạnh – thì sự hợp tác giữa hai khu vực sẽ trở thành điều tất yếu.
Khoahocphattrien