Khu Đô thị sáng tạo phải là cái nôi của các công nghệ nguồn mang dấu ấn Việt Nam
Ngày đăng: 09/04/2019 09:13
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 09/04/2019 09:13
TS Nguyễn Chánh Khê, CEO HK Invent cho rằng Viện Công nghệ nguồn là một thành phần không thể thiếu trong khu Đô thị sáng tạo. Viện sẽ tập trung vào những công nghệ chiến lược hiện nay trên thế giới như Graphene, vật liệu chống biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo, Trí tuệ nhân tạo...
Khu Đô thị sáng tạo được xác định sẽ tạo ra sản phẩm là các tri thức mới và ứng dụng tri thức mới |
Khu Đô thị sáng tạo không thể thiếu công nghệ nguồn
Trong những năm gần đây, TP.HCM đã xác định lựa chọn đổi mới sáng tạo là hướng đi chính để giữ vững vị trí dẫn đầu về kinh tế, hướng đến xây dựng thành phố trở thành trung tâm về sáng tạo trong khu vực.
Trong đó, khu Đô thị sáng tạo phía Đông thành phố (nằm trên địa bàn quận 9, quận Thủ Đức và quận 2) tuy chỉ chiếm khoảng 10% diện tích và dân số thành phố nhưng sẽ là nơi tập trung những điều kiện, nguồn lực tốt nhất để trở thành trung tâm về đổi mới sáng tạo.
Tại buổi gặp mặt giữa lãnh đạo thành phố với các chuyên gia kiều bào ngày 6.4 vừa qua, lãnh đạo thành phố và các chuyên gia, trí thức kiều bào cùng chung nhận định khu vực này sẽ là nơi tạo ra sản phẩm là các tri thức mới và ứng dụng tri thức mới. Khu Đô thị sáng tạo phát triển cũng sẽ tạo động lực cho các khu vực khác của thành phố cũng như các địa phương lân cận cùng phát triển.
Theo TS Nguyễn Chánh Khê, ngoài việc chú trọng đến những công nghệ có thể ứng dụng nhanh chóng vào cuộc sống, cho ra ngay các sản phẩm thương mại hóa thì một vai trò khác của khu Đô thị sáng tạo là phải tạo ra được các công nghệ nguồn.
Công nghệ nguồn, theo TS Nguyễn Chánh Khê là những công nghệ tạo ra giá trị kinh tế đột phá thay thế giá trị kinh tế truyền thống, là sản phẩm của sáng tạo từ tư duy và tài nguyên Việt Nam. Những công nghệ này cần lấy được bản quyền quốc tế để đảm bảo tính cạnh tranh và có thể chuyển nhượng mà không thương mại hóa.
TS Nguyễn Chánh Khê lấy ví dụ: “Các máy tính sơ khai đã có từ lâu. Dù thời điểm ban đầu những chiếc máy này rất đơn giản nhưng đến nay đã trở thành ngành công nghiệp trị giá hàng nghìn tỷ đô la”.
Việt Nam có nghiên cứu được công nghệ nguồn?
Câu hỏi đặt ra là liệu Việt Nam có thể làm ra được những công nghệ nguồn hay không bởi thời gian, chi phí, nguồn lực để có thể nghiên cứu các công nghệ nguồn là rất lớn?
TS Nguyễn Chánh Khê cho rằng điều này hoàn toàn có thể bởi hiện tại, ông và các đồng nghiệp đã có những thành công trong lĩnh vực này. Một trong những kết quả đó là sử dụng nông sản Việt Nam để tạo ra Graphene, loại vật liệu không thể thiếu trong các thiết bị điện tử tương lai.
TS Nguyễn Chánh Khê trình bày tại buổi gặp mặt lãnh đạo thành phố với các chuyên gia kiều bào |
TS Khê cho biết từ chính tinh bột làm nên những chiếc bánh bột lọc hay than bồ hóng quen thuộc có thể tạo ra Graphene có tính dẫn nhiệt lên tới 3000 – 5000 W/mK, đảm bảo cho yêu cầu tản nhiệt cực lớn của những điện thoại di động 5G. Ngoài ra, đây cũng là phụ gia cường dẫn quan trọng cho cao su hay sử dụng trong pin mặt trời để tăng khả năng hấp thụ năng lượng của pin gấp nhiều lần.
Một ví dụ khác là sử dụng trấu để sản xuất Nano chống cháy giúp tạo lớp màng ngăn hỏa hoạn cho các công trình. Sản phẩm này còn có tác dụng chống thấm rất cao. TS Khê cho biết những phát minh này đã được đăng ký sáng chế tại Mỹ.
TS Nguyễn Chánh Khê đề xuất phải sớm thành lập Viện Công nghệ nguồn, đây là một thành phần không thể thiếu trong khu Đô thị sáng tạo. Viện sẽ tập trung vào những công nghệ chiến lược hiện nay trên thế giới như Graphene, vật liệu chống biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo, Trí tuệ nhân tạo, các loại vi mạch đặc thù,công nghệ quốc phòng...
Theo Khampha.vn