Khởi công Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1
Ngày đăng: 19/06/2023 08:42
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 19/06/2023 08:42
Sáng 18/6, UBND TP. Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức Lễ khởi công đồng loạt 3 dự án trọng điểm Quốc gia.
Đại biểu dự Lễ khởi công Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk. |
Cụ thể, Dự án Đầu tư xây dựng đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 và Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1 (Dự án).
Lễ khởi công được kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính tại TP. Hồ Chí Minh với các điểm cầu tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và tỉnh Đắk Lắk.
Tham dự Lễ khởi công tại điểm cầu chính TP. Hồ Chí Minh có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; tại điểm cầu tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có Ủy viên Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, lãnh đạo các địa phương qua các thời kỳ.
Đến dự Lễ khởi công tại điểm cầu Đắk Lắk (nút giao cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột với đường Trường Sơn Đông đoạn qua xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông), về phía đại biểu Quốc hội, các bộ, ngành Trung ương có các đồng chí: Bùi Văn Cường, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT; Y Vinh Tơr, Ủy viên Dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.
Về phía lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk có các đồng chí: Nguyễn Đình Trung, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Minh Tấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Phạm Ngọc Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Huỳnh Thị Chiến Hòa, Chủ tịch HĐND tỉnh.
Về phía lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân.
Tại buổi Lễ khởi công, Bộ GTVT thông tin, Dự án Đầu tư xây dựng đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh có chiều dài 76,3 km, đi qua 4 địa phương gồm: TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Long An, được chia làm 8 dự án thành phần. Dự án có quy mô giai đoạn hoàn chỉnh 8 làn xe cao tốc, vận tốc thiết kế 100 km/giờ, tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương.
Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1 có chiều dài 53,7 km, đi qua tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu, tổng mức đầu tư 17.837 tỷ đồng, được chia làm 3 dự án thành phần. Giai đoạn 1 Dự án có quy mô 4-6 làn xe theo từng đoạn tuyến.
Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 có tổng chiều dài 117,5 km, tổng mức đầu tư 21.935 tỷ đồng, đi qua tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Khánh Hòa, được chia làm 3 dự án thành phần. Trong đó, Dự án thành phần 1 do UBND tỉnh Khánh Hòa làm cơ quan chủ quản, Dự án thành phần 2 do Ban Quản lý dự án 6 (Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản) và Dự án thành phần 3 do UBND tỉnh Đắk Lắk làm cơ quan chủ quản. Giai đoạn 1 của Dự án được đầu tư theo quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 mét, giai đoạn hoàn chỉnh được đầu tư theo quy mô đường ô tô cao tốc, tốc độ thiết kế 80-100 km/giờ.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị phát biểu tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk. |
Phát biểu tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị khẳng định, Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột là công trình có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đánh thức và phát huy mạnh mẽ các tiềm năng, thế mạnh của hai tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa. Dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, gắn với tăng cường đảm bảo quốc phòng - an ninh của hai tỉnh và khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên...
Với trách nhiệm là cơ quan chủ quản của Dự án thành phần 3, tỉnh Đắk Lắk xin cam kết với Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chủ đầu tư cùng các cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh, khẩn trương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng phần còn lại, đảm bảo bàn giao 100% mặt bằng sạch và các điều kiện cần thiết cho đơn vị thi công trước ngày 31/12/2023. Đồng thời giám sát, đôn đốc, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các đơn vị thi công, tư vấn thực hiện Dự án thành phần 3 đảm bảo tiến độ, chất lượng, tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo trong buổi Lễ khởi công 3 dự án trọng điểm quốc gia. (Ảnh: Báo NLĐ) |
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ khởi công, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc tổ chức khởi công đồng loạt các dự án trọng điểm này là cột mốc quan trọng trong tiến trình triển khai các dự án, là kết quả của sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của các cấp lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ và sự hỗ trợ tích cực của bộ, ngành Trung ương, sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo các tỉnh có dự án đi qua. Đặc biệt, đó là sự đồng thuận của người dân trong việc bàn giao mặt bằng để triển khai các dự án.
Đặc biệt, cả 3 dự án này đều được áp dụng cơ chế đặc thù, như: đẩy mạnh phân cấp phân quyền, giao cho các địa phương; áp dụng cơ chế huy động tổng lực các nguồn lực, trong đó có nguồn vốn phân bổ từ Trung ương và địa phương...
Thời gian tới, khối lượng công việc còn lớn, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, tỉnh, thành, chủ đầu tư, nhà thầu phải xây dựng kế hoạch, phương án thi công khoa học, chi tiết, kịp thời, hiệu quả, đảm bảo tiến độ dự án thông suốt, an toàn, chất lượng; không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong quá trình thực hiện. Kêu gọi bà con nhân dân có đất thuộc diện thu hồi thực hiện dự án đồng tình, ủng hộ, sớm bàn giao mặt bằng để các đơn vị liên quan triển khai thi công công trình bảo đảm tiến độ, kế hoạch đề ra, góp phần phát huy hiệu quả dự án.
Các đại biểu bấm nút khởi công Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. |
Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ 6 yêu cầu đối với các đơn vị, địa phương liên trong quá trình triển khai dự án cần đặc biệt lưu ý, phải nghiêm túc quán triệt, đó là: phải bảo đảm chất lượng; phải bảo đảm tiến độ; phải bảo đảm an toàn, kỹ thuật, mỹ thuật, môi trường sinh thái; không được đội vốn bất hợp lý, không chia nhỏ gói thầu; chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lãng phí ở tất cả các khâu; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân, doanh nghiệp, kịp thời khen thưởng khi làm tốt và xử lý nghiêm nếu để xảy ra sai phạm.
Báo Đắk Lắk