Khoa học Việt Nam nằm trong Top các nước dẫn đầu ASEAN
Ngày đăng: 19/05/2014 00:29
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 19/05/2014 00:29
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân |
Với những kết quả mà toàn ngành Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đạt được trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân khẳng định: Đến năm 2020 trình độ phát triển KH&CN của Việt Nam sẽ nằm trong top các nước dẫn đầu của khu vực ASEAN. Phóng viên đã có cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.
- Thưa Bộ trưởng, ông có thể nêu một cách cụ thể những kết quả quan trọng mà ngành khoa KH&CN Việt Nam đã đạt được trong thời gian gần đây?
Sau nhiều năm KH&CN hoạt động trong bối cảnh nền kinh tế kế hoạch hóa, khi Việt Nam hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế thị trường, KH&CN đã có sự thay đổi rất quan trọng. Tiềm lực KH&CN của đất nước tăng lên đáng kể do sự phát triển của nền kinh tế. Đầu tư từ ngân sách Nhà nước (NSNN) cho KH&CN vẫn giữ mức 2% trong hơn 10 năm qua, nhưng giá trị tuyệt đối tăng lên rất nhanh, đến thời điểm này đã tương đương khoảng 1 tỷ USD/năm.
Cơ sở vật chất cho KH&CN của Việt Nam hiện đã đạt được mức độ nhất định với hệ thống gần 600 viện nghiên cứu và trung tâm nghiên cứu của Nhà nước được hình thành, hơn 1 nghìn tổ chức KH&CN của các thành phần kinh tế khác, kể cả các tổ chức nghiên cứu của tư nhân, 03 khu công nghệ cao quốc gia ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đã bắt đầu có các hoạt động đem đến nhiều kết quả tốt.
Việt Nam cũng có cơ sở hạ tầng thông tin tốt trong khu vực ASEAN (kết nối thông tin với mạng Á – Âu, mạng VinaREN thông qua TEIN 2, TEIN 4…). Hệ thống Internet phục vụ cho việc nghiên cứu và đào tạo đáp ứng việc đưa Internet từ các cơ sở đào tạo ở đại học đến tận các trường phổ thông. Mua bản quyền những cơ sở dữ liệu lớn của thế giới về các tạp chí KH&CN, thông qua đó có thể kết nối các nhà khoa học Việt Nam với hơn 6 nghìn viện nghiên cứu, trường đại học lớn của thế giới…
Về nguồn nhân lực, ngành KH&CN Việt Nam hiện nay có đội ngũ cán bộ khoa học tương đối đông đảo khoảng trên 62 nghìn người làm nghiên cứu chuyên nghiệp, hơn 3 triệu người trình độ Đại học và cao đẳng có thể tham gia vào các hoạt động KH&CN của cả nước. Giáo sư và cán bộ trình độ cao khoảng gần 10 nghìn người, 24 nghìn tiến sĩ, trên 36 nghìn thạc sĩ. Tuy chất lượng nguồn nhân lực KH&CN chưa cao nhưng đã hình thành một đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ nhất định được giới khoa học trong khu vực và thế giới biết đến.
Về xếp hạng đổi mới sáng tạo, năm 2013 theo bảng xếp hạng của WIPO Việt Nam đứng thứ 76/142. So với thứ hạng về kinh tế thì thứ hạng về KH&CN của Việt Nam cao hơn rất nhiều. Đặc biệt trong khu vực ASEAN, Việt Nam được xếp hạng thứ 4 về đổi mới sáng tạo. Như vậy, có thể đánh giá trình độ KH&CN Việt Nam có những tiến bộ nhất định.
Vài năm gần đây, chúng tôi đã hoàn thiện được nền tảng pháp lý cho hoạt động KH&CN thông qua việc xây dựng các văn bản rất quan trọng cả về mặt chính trị và pháp luật, xây dựng hàng loạt các văn bản dưới Luật. Trong năm 2014, khi hoàn thành xong toàn bộ các văn bản pháp quy sẽ có được hệ thống các cơ chế chính sách hoàn chỉnh để phát triển KH&CN toàn diện, kể cả chính sách đầu tư, cơ chế tài chính, đào tạo nguồn nhân lực, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ KH&CN. Đó là những chính sách đột phá mang tính chất của nền kinh tế thị trường và đặc thù của hoạt động KH&CN.
Nét nổi bật thứ 3 trong giai đoạn gần đây, đó là việc chăm lo tiềm lực KH&CN của đất nước. Bên cạnh việc Nhà nước vẫn tiếp tục duy trì 2% tổng chi ngân sách cần tích cực huy động nguồn kinh phí từ xã hội, chủ yếu từ doanh nghiệp (DN), bằng việc Luật KH&CN quy định bắt buộc các DN phải dành một tỉ lệ nhất định trong thu nhập trước thuế để đầu tư cho KH&CN. Như vậy, nguồn tài chính cho KH&CN trong thời gian tới có thể sẽ tăng đột biến, và sẽ lớn hơn nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước.
Với 3 vấn đề được coi là trọng tâm của giai đoạn gần đây, hy vọng sắp tới KH&CN Việt Nam sẽ có những thay đổi, đóng góp quan trọng cho nền kinh tế của đất nước.
- Liên quan đến công tác nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực có tính cạnh tranh cao ở khu vực và quốc tế, Bộ KH&CN đã có những biện pháp nào nhằm thúc đẩy và phát triển KH&CN?
Nói về các biện pháp để đẩy mạnh hoạt động KH&CN để cạnh tranh được trong khu vực và quốc tế, chúng tôi đang tập trung cho các sản phẩm quốc gia, tức là những sản phẩm có hàm lượng KH&CN cao, có giá trị gia tăng cao, là những sản phẩm Việt Nam có thế mạnh. Hoặc là những sản phẩm cơ khí siêu trường siêu trọng, nếu phụ thuộc vào nhập khẩu sẽ làm chậm tốc độ của các dự án công nghiệp trong nước.
Bên cạnh việc đẩy mạnh các chương trình quốc gia về KH&CN vẫn cần duy trì một số chương trình trọng điểm cấp Nhà nước về Khoa học quản lý, chương trình trọng điểm cấp Nhà nước mang tính đặc thù như Chương trình Năng lượng (trung phát triển năng lượng nguyên tử, năng lượng mới và năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng). Chương trình về y tế và dược để nghiên cứu và đưa vào những công nghệ mới, những kỹ thuật hiện đại nhất trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân: sản xuất vắc xin, thuốc chống bệnh hiểm nghèo, nâng cao trình độ về phẫu thuật (phẫu thuật nội soi, ghép tạng), chữa bỏng, sử dụng tế bào gốc trong tái tạo các bộ phận cơ thể...
Ngành KH&CN đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong thời gian qua |
- Theo ông, trong 5 năm tới, tình hình nghiên cứu, phát triển KH&CN sẽ diễn ra như thế nào? Những động lực cụ thể nào sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành trong tương lai, cả trong khu vực Nhà nước và tư nhân?
Dự báo trong 5 năm tới, đó chính là mục tiêu của chiến lược phát triển KH&CN đến năm 2020. Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 trình độ phát triển KH&CN của Việt Nam nằm trong tốp các nước dẫn đầu của khu vực ASEAN. Hiện nay theo đánh giá của WIPO Việt Nam đứng thứ 4 trong khu vực nên cần phải phấn đấu rất nhiều để trở thành tốp dẫn đầu, hoặc một số lĩnh vực có thể vươn lên cao hơn trong khu vực. Phấn đấu để nâng cao giá trị, hàm lượng KH&CN trong GDP Quốc gia bằng việc để KH&CN đóng góp thông qua chỉ số TFP chiếm 35% trong giá trị gia tăng của nền kinh tế. Sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao chiếm tỷ trọng khoảng 40 % giá trị sản xuất công nghiệp, tốc độ đổi mới công nghệ từ 15 – 17 %/năm, tốc độ công bố quốc tế trên các tạp chí quốc tế có uy tín tăng 20%, tốc độ tăng về sáng chế, đăng kí và bảo hộ.
Có hệ thống khoảng 5000 doanh nghiệp, trong đó những doanh nghiệp vừa và nhỏ đi đầu trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ để sản xuất tạo ra giá trị hàng hóa có năng suất cao, chất lượng tốt.
Bên cạnh đó, đã xây dựng khoảng 60 tổ chức KH&CN, viện, trung tâm nghiên cứu có trình độ cao, 60 khu ươm tạo doanh nghiệp trong cả nước, tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh đối với khu vực và thế giới. Xây dựng được đội ngũ cán bộ KH&CN với số lượng khoảng 11 – 12 người/ 1 vạn dân, có nhiều chuyên gia đầu ngành, nhiều nhà khoa học có trình độ cao. Đây cũng là mục tiêu của chiến lược phát triển KH&CN đến năm 2020.
Động lực thứ 2 chính là đội ngũ nhân lực về KH&CN, có số lượng đông đảo, tuy chất lượng còn hạn chế, nhưng tiềm năng rất lớn nhưng do bị rào cản về cơ chế chính sách nên không phát huy được hết tiềm năng, nếu có chính sách phù hợp sẽ có nhiều nhà khoa học có trình độ cao đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Động lực thứ 3 thông qua hợp tác quốc tế có sự trợ giúp về quản lý cũng như nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất từ các nước phát triển ở Châu Âu để nâng cao năng lực nghiên cứu triển khai tại Việt Nam, xây dựng được những mô hình tiên tiến, học tập kinh nghiệm của các nước đi trước, sẽ có được những mô hình tốt hơn.
- Để đạt được những mục tiêu trên, những thách thức phải đối mặt là gì thưa ông?
Có 3 thách thức lớn đới với Việt Nam đang phải đối mặt: thứ nhất về thể chế tuy đã xây dựng được nhiều Nghị định, Thông tư, nền tảng pháp lý hoàn thiện nhưng chưa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế thị trường.
Thách thức thứ hai về nguồn lực còn khó khăn, hạn chế. Đầu tư của nhà nước cho KH&CN còn ít, không đủ nguồn lực để thực hiện được những mục tiêu quan trọng của chiến lược. Đội ngũ đông về số lượng, nhưng chất lượng còn bị hạn chế, đặc biệt hiện nay rất thiếu các nhà khoa học đầu ngành, thiếu các tổng công trình sư.
Thách thức thứ 3 chính là việc đổi mới tư duy của hệ thống quản lý đối với vai trò của hoạt động KH&CN, trong các văn kiện KH&CN luôn được đặt ở vị trí quan trọng, nhưng do khó khăn của nền kinh tế, giới quản lý nói chung chỉ quan tâm đến những mục đích trước mắt, chưa quan tâm đến mục tiêu lâu dài nên nhiều nơi nguồn kinh phí cho KH&CN sử dụng không đúng mục đích.
Vì vậy, để thay đổi tư duy đòi hỏi phải có thời gian tương đối dài, trong đó có vai trò của giới truyền thông để nâng cao nhận thức của giới quản lý từ các cơ sở. Đặc biệt trong bối cảnh thế giới phát triển rất nhanh chóng, vấn đề nhận thức của giới quản lý là một trong những thách thức quan trọng nhất.
-Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Theo Truyenthongkhoahoc