Khó hoàn thiện cơ chế quản lý, tiêu hủy PCB?
Ngày đăng: 19/08/2014 18:13
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 19/08/2014 18:13
Theo số liệu thống kê của Bộ TN&MT, đã có xấp xỉ 30.000 tấn dầu chứa PCB được nhập khẩu vào Việt Nam từ những năm trước đây. Trước ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người của chất PCB, các cơ quan chức năng đã nỗ lực phát hiện, thống kê, thu gom và xử lý hợp chất này. Tuy nhiên, công tác này đang gặp khó!
Các thiết bị điện có chứa PCB chưa được tiêu hủy được lưu giữ tại kho của Công ty điện lực Quảng Ninh |
PCB (Polychlorinated Biphenyls) là hợp chất thơm của halogen, thuộc nhóm hóa chất hữu cơ độc hại bền vững trong môi trường với 4 đặc tính chính là độc tính cao (chỉ sau dioxin), khó phân hủy trong môi trường tự nhiên, khả năng di chuyển và phát tán xa, khả năng tích tụ sinh học cao. PCB có thể gây ngộ độc cấp tính như nổi mụn, cháy da, bỏng mắt. Về lâu dài, PCB dù ở nồng độ nhỏ cũng phá hủy gan, rối loạn sinh sản, biến đổi gene, gây ung thư, quái thai, dị dạng, tác động đến sự phát triển của trẻ nhỏ. |
Kết quả thống kê của Tổng cục Môi trường cho thấy, cả nước có khoảng 11.800 thiết bị điện chứa PCB. Hoạt động kiểm kê PCB tại Việt Nam trong khuôn khổ dự án Quản lý PCB tại Việt Nam đang được tiến hành trong và ngoài ngành điện nhằm có cơ sở để xây dựng kế hoạch quốc gia quản lý an toàn và tiêu hủy triệt để hóa chất độc hại này. Kết quả kiểm kê sơ bộ cho thấy, còn rất nhiều thiết bị và dầu có PCB đang tồn tại trên khắp lãnh thổ nước ta, cần sớm có hướng dẫn cụ thể để bảo quản và tiêu hủy.
Vụ việc được phát hiện gần đây nhất là một lô hàng gồm các thiết bị nhiệt điện cũ vẫn nằm trên mặt cảng Cái Lân (Quảng Ninh). Trong lô thiết bị cũ nhập từ Hàn Quốc của Công ty Cửu Long Vinashin này có chứa 7.000 lít dầu có chứa thành phần PCB vượt quá ngưỡng 500 ppm trong các biến thế vài chục tấn. Điều đáng quan ngại là sau 7 năm dầm mưa dãi nắng nguy cơ khiến lượng dầu chứa PCB trong các lô thiết bị này tràn xuống vịnh Hạ Long là hoàn toàn có thể xảy ra.
Hiện các cơ quan môi trường của tỉnh Quảng Ninh đã cố gắng xử lý khối thiết bị chứa hiểm họa chết người này. Theo Phó giám đốc Sở TN&MT Quảng Ninh - Hoàng Danh Sơn việc quản lý các thiết bị, chất thải có chứa PCB còn phức tạp và chậm được hướng dẫn rõ ràng, đặc biệt với khối lượng lớn. Điều kiện, quy trình để bảo quản, vận chuyển, tiêu hủy các thiết bị có chứa PCB như thế nào cần phải được hướng dẫn cụ thể, đặc biệt là với những lô hàng lớn, cách khắc phục sự cố trong các quy trình.
Từ thực tế xử lý lô thiết bị chứa chất PCB nằm trên cảng Cái Lân, ông Hoàng Danh Sơn đề nghị cần phải có hướng dẫn để có cách quản lý, thu gom, tiêu hủy một cách an toàn. Cùng với đó, quá trình tiêu hủy, xử lý các chất PCB thường rất tốn kém, vì vậy cần phải nghiên cứu cơ chế chính sách bắt buộc các chủ nguồn chất thải này phải có trách nhiệm bỏ tiền ra tiêu hủy các chất thải độc hại. Trong trường hợp các nguồn hóa chất không phát hiện ra chủ nguồn chất thải thì Nhà nước đứng ra xử lý thế nào, cần phải quy định rõ.
Nhằm thực hiện Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy, Bộ TN&MT đã phê duyệt "Dự án Quản lý PCB tại Việt Nam” và giao Tổng cục Môi trường là cơ quan chủ trì thực hiện Dự án. Từ tháng 3-2010 đến nay, dự án đã xây dựng và đề xuất hoàn thiện khung pháp lý quản lý PCB và kế hoạch hành động quốc gia quản lý PCB. Tiến hành kiểm kê PCB quốc gia nhằm đánh giá tổng thể hiện trạng về quản lý, sử dụng, thải bỏ PCB tại Việt Nam. Dự án cũng đã xây dựng và trình diễn điển hình các hoạt động quản lý PCB hợp lý, an toàn.
Quản đốc dự án Quản lý PCB tại Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Mạnh Hoài cho biết, dự án đang hỗ trợ các đơn vị chức năng xây dựng thông tư về quản lý các thiết bị, sản phẩm và vật liệu có PCB. Dự kiến thông tư này sẽ được ban hành cuối năm nay, kèm theo các hướng dẫn chi tiết về nhận diện, quản lý, sửa chữa, súc nạp, đóng gói, dán nhãn, lưu trữ, vận chuyển, xử lý, tiêu hủy, ứng phó sự cố môi trường đối với dầu, thiết bị, vật liệu và chất thải có chứa PCB. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng và hoàn thiện kế hoạch hành động quốc gia về quản lý PCB.
Mặc dù đã có những kết quả nhất định nhưng từ câu chuyện của hơn 7.000 lít dầu có chứa PCB nằm ở cảng Cái Lân đã bộc lộ những hạn chế trong quản lý và vướng mắc trong công tác thu gom, quản lý và tiêu hủy loại dầu chứa hóa chất độc hại này. Và, việc sớm ban hành thông tư hướng dẫn, các quy trình quản lý an toàn và tiêu hủy PCB là rất cần thiết, sẽ góp phần làm giảm nguy cơ phát thải PCB ra môi trường cũng như nguy cơ phơi nhiễm PCB đối với người dân.
Theo Daidoanket.vn