KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2020
Ngày đăng: 25/04/2017 09:28
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 25/04/2017 09:28
Đó là chủ đề Hội nghị giao ban KH&CN các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng lần thứ XI được tổ chức tại thành phố Ninh bình ngày 22/4/2017. Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Ninh Bình Đinh Chung Phụng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Bạch Ngọc Chiến, đại diện 11 sở KH&CN trong Vùng Đồng bằng sông Hồng cùng một số Sở KH&CN trên cả nước.
Thứ trưởng Phạm Công Tạc phát biểu Khai mạc Hội nghị |
Hội nghị tập trung đánh giá những đóng góp của KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của địa phương và Vùng giai đoạn 2015-2017, xác định những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ và những định hướng cơ bản để hoạt động KH&CN của các địa phương và của vùng trong giai đoạn tới đạt hiệu quả hơn.
Khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cho biết, nhiệm vụ trọng tâm của KH&CN trong hai năm 2017-2018 tới đây là đóng góp nhiều hơn vào việc đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của doanh nghiệp, nền kinh tế. Trong bối cảnh này, Bộ KH&CN đặc biệt chú trọng việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật để thúc đẩy KH&CN phát triển, triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 và Đề án Tái cơ cấu ngành KH&CN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 gắn với phục vụ chuyển đổi mô hình tăng trưởng; tăng cường ứng dụng tiến bộ KH&CN để tăng chất lượng và sức cạnh tranh của hàng hóa theo chuỗi giá trị…
Phát biểu chào mừng Hội nghị, đồng chí Đinh Chung Phụng đã nhiệt liệt chào mừng các đại biểu về dự Hội nghị, đồng thời thông báo tóm tắt về lịch sử, địa lý, đất và người Ninh Bình cũng như những thành tựu nổi bật về KH&CN của tỉnh đạt được trong những năm gần đây. Công tác nghiên cứu KH&CN của tỉnh đã gắn với thực tiễn phục vụ sản xuất và đời sống, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, y tế. Nhiều đề tài dự án do Bộ KH&CN hỗ trợ đã được ứng dụng rộng rãi, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Ông Đinh Chung Phụng - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Ninh Bình phát biểu ý kiến |
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã được nghe Báo cáo tổng hợp tình hình hoạt động KH&CN Vùng Đồng bằng sông Hồng giai đoạn 2015-2017 do ông Trần Văn Quang - Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương (Bộ KH&CN) trình bày, trong đó nêu rõ những kết quả đạt được cũng như những tồn tại hạn chế cần khắc phục. Theo đó, trong giai đoạn 2015-2017, KH&CN đã bám sát cơ cấu kinh tế của vùng, địa phương để xác định nội dung trọng tâm về hoạt động KH&CN; các nhiệm vụ KH&CN được đặt hàng, đề xuất từ thực tiễn, nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh và quản lý. Một số địa phương đã chủ động tham mưu, đề xuất và được tỉnh/thành phố ban hành các Chương trình riêng cho KH&CN (như Hà Nội có Quyết định số 3096/QĐ-UBND ngày 03/7/2015 phê duyệt chương trình KH&CN trọng điểm của Thủ đô giai đoạn 2015-2020; Hải Phòng, Thái Bình đã ban hành và triển khai 06 Chương trình KH&CN trọng điểm theo từng lĩnh vực…). Về cơ bản, hoạt động KH&CN của các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng đã có những đóng góp quan trọng trên tất cả các lĩnh vực an ninh, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và ngày càng khẳng định vai trò là động lực thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương.
Các đại biểu tham dự Hội nghị cũng đã tập trung thảo luận các giải pháp phát triển công nghiệp địa phương của các tỉnh trong vùng theo hướng ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ, xử lý môi trường để phát triển bền vững. Các giải pháp KH&CN thúc đẩy liên kết “3 nhà”, “4 nhà”, “5 nhà” theo chuỗi giá trị mà hạt nhân là “doanh nghiệp” trong phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế của vùng mà Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2020.
Toàn cảnh Hội nghị |
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Công Tạc nhận định, trong suốt 31 năm đổi mới, sản xuất nông nghiệp đạt nhiều thành tựu lớn, tuy nhiên đồ thị tăng trưởng của nước ta trong vài năm gần đây đã có dấu hiệu chững lại. Qua đó cho thấy, muốn phát triển nông nghiệp bền vững không còn cách nào khác là phải áp dụng KH&CN vào mọi quá trình sản xuất: "Chúng ta không chỉ thực hiện liên kết 4 nhà mà phải đẩy mạnh liên kết 5 nhà. Các nhà quản lý, nhà đầu tư (doanh nghiệp), nhà nông, nhà khoa học và nhà băng phải kết nối chặt chẽ với nhau" - Thứ trưởng nhấn mạnh. Trong thời gian tới, các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng cần phát huy thế mạnh của vùng, khắc phục những tồn tại hạn chế để đề xuất các nhiệm vụ KH&CN trúng đích, góp phần nâng cao hiệu quả KH&CN trong phát triển - kinh tế xã hội của từng địa phương. Thứ trưởng cũng chỉ đạo các đơn vị trong Bộ phối hợp chặt chẽ với các Sở, tháo gỡ các khó khan, vướng mắc, tạo mọi điều kiện để KH&CN của vùng ngày càng phát triển.
Theo KH&CN Việt Nam