Khai thác và phát triển nguồn gen nấm Cordyceps takaomontana Yakush. & Kumaz. làm dược liệu
Ngày đăng: 06/10/2021 09:50
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 06/10/2021 09:50
Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là đơn vị nghiên cứu khoa học chuyên ngành với nhiều đóng góp trong lĩnh vực Công nghệ vi sinh. Ví dụ như: nghiên cứu và ứng dụng thuốc trừ sâu sinh học từ vi nấm Beauveria bassiana, Metarhizium anisopliae, Paecillomyces fumoroseus; nghiên cứu sản xuất vi nấm “Bạch cương tằm” từ Beauveria bassiana làm thực phẩm chức năng. Bộ sưu tập Giống vi sinh vật (VCM), được xây dựng từ năm 1993, có trên 6.700 chủng, trong đó vi nấm gây bệnh cho côn trùng có 20 chủng như Beauveria bassiana, Metarhizium anisopliae, Paecillomyces fumoroseus. Đặc biệt, bộ sưu tập nấm gây bệnh trên côn trùng thuộc chi Cordyceps có ba loài được phát hiện, bảo tồn và nghiên cứu các đặc tính sinh học, nhân nuôi, xác định hoạt chất sinh học.
Nước ta với đặc thù khí hậu nhiệt đới gió mùa, địa hình đồi núi, là điều kiện thuận lợi cho nấm ký sinh côn trùng phát triển, đặc biệt là C. takaomontana. Vì vậy, để khai thác được nguồn tài nguyên quý bản địa, chủ động nguồn nguyên liệu dược đảm bảo chất lượng, Viện Công nghệ sinh học tiến hành thực hiện đề tài: “Khai thác và phát triển nguồn gen nấm Cordyceps takaomontana Yakush. & Kumaz. làm dược liệu”. Đề tài do TS. Nguyễn Thị Diệu Thúy làm chủ nhiệm và được thực hiện từ năm 2014 đến năm 2018.
Đề tài đã thu được các kết quả sau:
- Đã thu thập nguồn gen nấm Cordyceps takaomontana bản địa từ rừng quốc gia Pù Mát, Nghệ An và rừng quốc gia Hoàng Liên, Lào Cai dựa trên các đặc điểm hình thái và dữ liệu ADN, từ đó phân lập được 2 chủng giống nấm Cordyceps takaomontana VN6 và VN9 thuần khiết, sinh thể quả dược liệu có hoạt chất sinh học. Hiện tại, giống gốc của 2 chủng nấm này được bảo quản và lưu giữ tại Phòng Công nghệ gen động vật và Trung tâm Giống Vi sinh vật, Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam;
- Đã xây dựng được 2 quy trình khoa học công nghệ quy mô phòng thí nghiệm, cụ thể là: i) Quy trình chọn lọc, nhân nuôi nấm Cordyceps takaomontana và ii) Quy trình thu hoạch, chế biến và bảo quản thể quả nấm dược liệu ở 2 điều kiện sấy khí nóng và đông khô;
- Thể quả nấm Cordyceps takaomontana được đánh giá là an toàn trên động vật thí nghiệm qua kiểm tra độc tính cấp và độc tính bán trường diễn;
- Đã xây dựng được 2 tiêu chuẩn cơ sở, cụ thể là: i) Tiêu chuẩn cơ sở của chủng giống nấm Cordyceps takaomontana và ii)Tiêu chuẩn cơ sở thể quả nấm dược liệu dựa trên các đặc điểm hình thái, dữ liệu ADN, các tiêu chuẩn dược liệu chung và hàm lượng các chất có hoạt tính sinh học (adenosine ≥0,2 mg/g, beauvericin≥2,4 mg/g và mannitol ≥2,6 mg/g thể quả dược liệu);
- Sử dụng quy trình khoa học công nghệ trên đã nhân nuôi được 3,130 kg thể quả nấm Cordyceps takaomontana đảm bảo các tiêu chuẩn cơ sở;
- Đã tiến hành đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, cụ thể: Hồ sơ 02 Giải pháp hữu ích đã được cấp Quyết định v/v chấp nhận đơn hợp lệ tại Cục sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ về: i) Chủng giống nấm Cordyceps takaomontana và ii) Quy trình phân lập, chọn lọc và nhân nuôi chủng nấm Cordyceps takaomontana.
- Kết quả nghiên cứu của đề tài đã được đăng tải trên 01 bài báo quốc tế và 02 bài báo khoa học chuyên ngành trong nước.
Phân lập được chủng giống nấm C. takaomontana bản địa, thuần khiết, sinh thể quả dược liệu với hàm lượng các hoạt chất sinh học quý là cơ sở để chủ động tạo được nguồn sản phẩm là thể quả dược liệu, nguồn dược liệu, thực phẩm chức năng có giá trị cao trên thị trường, góp phần nâng cao sức khỏe người dân. Chủ động tạo nguồn dược liệu ổn định, đảm bảo chất lượng và sử dụng nguyên liệu môi trường nhân nuôi sẵn có, giá rẻ, vì thế giá thành sản phẩm hợp lý, cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển và tạo thêm nhiều cơ hội việc làm. Vì vậy, việc nghiên cứu khai thác và phát triển nguồn gen C. takaomontana tạo quả thể có hoạt chất sinh học của Việt Nam, làm nguyên liệu cho ngành dược có ý nghĩa khoa học và giá trị thực tiễn.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16715/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Theo Vista.gov.vn