Khai thác và phát triển nguồn gen cây thuốc Sâm tố nữ và Ngải đe
Ngày đăng: 21/11/2024 08:22
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 21/11/2024 08:22
Nguồn gen cây thuốc trong tự nhiên ở Việt Nam đang bị cạn kiệt nhanh, là do hoạt động khai thác không có kế hoạch đặc biệt là những loài dược liệu quý có hoạt chất sinh học cao, như các loài sâm, tam thất, lan kim tuyến, bảy lá một hoa, hà thủ ô đỏ, sâm tố nữ, ngải đen…
Sâm tố nữ Pueraria candollei var. mirifica chứa hợp chất có hoạt tính sinh học giá trị là isoflavones (daidzin, daidzein, genistin, genistein và puerarin), đặc biệt phytoestrogen là miroestrol, deoxymiroestrol; trong đó miroestrol là chất tương tự như hormone phụ nữ, estriol estrogen an toàn cho người. Miroestrol có tác dụng mạnh hơn estrogen isoflavones đậu nành (genistein) 3000 lần và mạnh hơn cỏ ba lá đỏ 100 lần, có giá trị đặc biệt cho sức khỏe phụ nữ. Phytoestrogen trong rễ củ P. mirifica là isoflavones và miroestrol có hiệu ứng phòng trị nhiều bệnh (ung thư vú do rối loạn hormone, triệu chứng tiền mãn kinh và mãn kinh, ung thư tuyến tiền liệt, loãng xương).
Ngải đen (Kaempferia parviflora) là một cây dược liệu quý; nghiên cứu dược lý đã chứng minh những lợi ích khác nhau từ K. parviflora và các methoxyfavones với các hiệu quả chính bao gồm hoạt tính điều hòa chuyển hóa tế bào, hoạt tính chống ung thư, giãn nở mạch máu và hoạt tính bảo vệ tim, hoạt tính tăng cường tình dục, hoạt tính bảo vệ thần kinh, hoạt tính chống dị ứng, chống viêm và chống oxy hóa, hoạt tính chống viêm xương khớp, hoạt tính kháng vi sinh vật, và hoạt tính thấm qua da.
Do vậy, việc khai thác và phát triển nguồn gen của sâm tố nữ và ngải đen là có tính cấp thiết, có ý nghĩa về khoa học và thực tiễn. Đó là lý do nhóm nghiên cứu của PGS. TS. Trần Ngọc Lân tại Viện nghiên cứu và phát triển vùng đã thực hiện đề tài: “Khai thác và phát triển nguồn gen cây thuốc Sâm tố nữ (Pueraria candollei Grah. ex Benth. var. mirifica Airy Shaw & Suv.) và Ngải đen (Kaempferia parviflora Wall. ex Baker)” trong thời gian từ năm 2016 đến năm 2021.
Đề tài nhằm thực hiện những mục tiêu sau: nghiên cứu đặc điểm thực vật, nông sinh học, thành phần hóa học chính của hai nguồn gen sâm tố nữ, ngải đen được thu thập từ 3 xuất xứ tại Việt Nam và bản mô tả giống cho 2 loại cây thuốc trên; nghiên cứu xây dựng được 2 quy trình kỹ thuật nhân giống cho hai nguồn gen sâm tố nữ, ngải đen; nghiên cứu xây dựng được 2 quy trình kỹ thuật canh tác (trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch và sơ chế) dược liệu cho hai nguồn gen sâm tố nữ, ngải đen; xây dựng được 2 tiêu chuẩn cơ sở cho 2 loại cây giống sâm tố nữ, ngải đen; và xây dựng được 2 tiêu chuẩn cơ sở của 2 loại dược liệu sâm tố nữ, ngải đen.
Dưới đây là một số kết quả nổi bật của đề tài nghiên cứu:
- Đã xây dựng quy trình sơ chế và bảo quản dược liệu lát thái củ sâm tố nữ được hoàn thiện bao gồm nội dung, tuổi cây thu hoạch củ từ 3 năm tuổi, mùa thu hoạch củ tháng 12 - tháng 1; củ được thái lát dày 2-3 mm, sấy khô ở nhiệt độ 50oC trong thời gian 24 giờ, bao túi nilon, bảo quản trong 9 tháng. Tiêu chuẩn cơ sở dược liệu lát khô củ sâm tố nữ có độ ẩm không quá 11,0%, tro toàn phần không quá 5,0%, tro không tan trong acid không quá 2,0%, kim loại nặng không phát hiện; hàm lượng chất được trong ethanol 30% không thấp hơn 40,0%; hàm lượng isoflavonoid tổng số tính theo puerarin không thấp hơn 0,40% tính theo dược liệu khô tuyệt đối.
- Xây dựng mô hình trồng cây sâm tố nữ: quy mô 04 ha, mật độ 1 cây/4,0m2, 2500 cây/ha; mật độ 1 cây/5,0 m2, 2000 cây/ha. Cây sinh trưởng phát triển tốt. Thu hoạch sấy khô 1.050 kg dược liệu lát khô sâm tố nữ.
- Xây dựng quy trình kỹ thuật nhân giống củ chồi cây ngải đen bao gồm 5 nội dung; trong đó, thời vụ tháng 3 - 4; củ chồi 10 g/nhánh, chất kích thích nảy chồi, ra rễ GA3 150ppm, ngâm trong 10 phút hoặc N3M, ROOTS NEW theo khuyến cáo; giá thể bầu ươm 50% đất vườn ươm + 50% trấu hun, che bóng 60 - 70%. Tiêu chuẩn cây giống ngải đen: tuổi cây giống ươm củ chồi xuất vườn đủ 25-30 ngày, chiều cao mầm 10 - 13 cm, đường kính thân 0,7 - 1,0 cm, cây không sâu bệnh.
- Quy trình kỹ thuật canh tác cây ngải đen theo hướng dẫn GACP-WHO bao gồm 10 nội dung; trong đó, thời vụ trồng tháng 4; mật độ cây x cây, 30 x 30 cm, phân bón lót: phân chuồng hoai 15 tấn/ha và 60 P2O5, phân bón thúc: 90N + 120 K2O kg/ha, bón 4-5 lần/năm, vào thời gian làm cỏ; làm cỏ, phòng trừ sâu bệnh.
- Xây dựng quy trình sơ chế và bảo quản dược liệu lát thái củ ngải đen bao gồm nội dung, trong đó, tuổi cây thu hoạch củ 3 năm tuổi, mùa thu hoạch củ từ tháng 9; củ được thái lát dày 2-3 mm, sấy khô ở nhiệt độ 500C, trong thời gian 12 giờ, bao túi nilon, bảo quản lạnh trong 9 tháng. Tiêu chuẩn cơ sở dược liệu lát khô củ ngải đen có độ ẩm dưới 12,0%, tro toàn phần không thấp hơn 7,0%, kim loại nặng không phát hiện; hàm lượng chất được trong ethanol 96% không thấp hơn 7,0%; hàm lượng flavonoid tổng số tính theo 5,7-dimethoxyflavon không thấp hơn 4,0 %, tính theo dược liệu khô tuyệt đối.
- Xây dựng mô hình trồng cây ngải đen: quy mô 1,5 ha; thời vụ trồng: tháng 4; mật độ 30 cm x 30 cm; phân bón lót: phân chuồng hoai 15 tấn/ha, 60 P2O5, phân bón thúc: 90 N + 120 K2O kg/ha, chia bón 4-5 lần/năm, vào thời gian làm cỏ; làm cỏ 2 lần/năm, phòng trừ sâu bệnh. Cây sinh trưởng phát triển tốt. Thu hoạch sấy khô 100 kg dược liệu ngải đen.
Kết quả nghiên cứu góp phần xây dựng quy trình nhân giống và quy trình trồng để mở rộng vùng trồng, sản xuất dược liệu nguyên liệu, góp phần tăng cường mở rộng diện tích trồng cây sâm tố nữ và ngải đen trong sản xuất.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20346/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Vista.gov.vn