Huyện Cư Kuin: Tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Ngày đăng: 11/09/2020 10:45
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 11/09/2020 10:45
Sản xuất nông nghiệp đang chiếm trên 46% trong cơ cấu kinh tế của huyện Cư Kuin. Nghị quyết Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để tạo bước đột phá cho ngành nông nghiệp địa phương.
Mô hình trồng nhãn ở xã Ea Hu mang lại thu nhập cao cho người dân. |
Mặc dù được thành lập sau so với những địa phương khác của tỉnh nhưng kinh tế - xã hội của huyện Cư Kuin trong 5 năm qua đã có bước phát triển khá. Đặc biệt là ngành nông nghiệp, với lợi thế phát triển chuyên canh về các loại cây trồng công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao, cùng với nhiều trang trại chăn nuôi lớn, nhiều năm qua sản xuất nông nghiệp đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Giá trị sản xuất nông lâm thủy sản năm 2020 ước đạt 2.309 tỷ đồng, tăng 91 tỷ đồng so với năm 2019; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt bình quân 4,29%...
Để phát huy kết quả đạt được cũng như tiềm năng, lợi thế của địa phương, Nghị quyết Đảng bộ huyện Cư Kuin nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra những nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển ngành nông nghiệp một cách toàn diện. Đó là, bước đầu xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phấn đấu trong nhiệm kỳ xây dựng và hoàn thành 1-2 vùng chuyên canh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tập trung hoàn thiện hạ tầng cụm công nghiệp Cư Kuin; phát huy lợi thế của từng xã để xây dựng sản phẩm hàng hóa tiêu biểu theo phương châm “mỗi xã một sản phẩm”… Theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã xây dựng chương trình công tác toàn khóa nhiệm kỳ 2020 – 2025 với nhiều giải pháp phù hợp với thực tiễn. Cụ thể, huyện sẽ kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư, kết nối sản phẩm với các địa phương; hình thành và phát triển một số vùng sản xuất nông nghiệp phục vụ thị trường TP. Buôn Ma Thuột và hướng tới xuất khẩu, nhất là hoa, rau, quả sạch, sản phẩm chăn nuôi đặc thù... Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển nông nghiệp, nhất là đưa các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương vào sản xuất kinh doanh; dành một phần ngân sách cho hoạt động ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật; có cơ chế ưu đãi để thu hút các doanh nghiệp có năng lực tiếp cận, nghiên cứu, tìm hiểu các điều kiện để đầu tư sản xuất, góp phần tăng năng suất và giá trị sản phẩm.
Bí thư Huyện ủy Cư Kuin Lê Thái Dũng (thứ hai từ phải sang) tham quan gian hàng giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện. |
Trên cơ sở những mục tiêu, giải pháp chung của huyện, các địa phương sẽ đưa ra phương hướng cụ thể, phù hợp với điều kiện của từng xã. Đơn cử, tại xã Ea Ning, sẽ tập trung vào giải pháp xây dựng mô hình kinh tế tập thể để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, hằng năm xã sẽ phối hợp các ban, ngành, đoàn thể tăng cường tư vấn, hướng dẫn các tổ hợp tác phát triển thành hợp tác xã, đồng thời liên kết với doanh nghiệp để sản xuất theo chuỗi giá trị; hỗ trợ nguồn lực, hoạt động xúc tiến thương mại, khoa học công nghệ, phấn đấu thành lập 2 mô hình kinh tế tập thể, duy trì và phát triển các hợp tác xã hiện có…
Bí thư Huyện ủy Cư Kuin Lê Thái Dũng khẳng định: Nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện Cư Kuin sẽ tiếp tục phát huy lợi thế tiềm năng về đất đai để sớm hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Phấn đấu đưa Cư Kuin trở thành huyện khá của tỉnh và hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới theo đúng lộ trình. |
Hay như xã Ea Ktur, vẫn xác định là một xã sản xuất nông nghiệp, với các loại cây công nghiệp chủ lực như cà phê, cao su, hồ tiêu. Do đó, bên cạnh việc thúc đẩy phát triển kinh tế nhiều thành phần, xã còn tập trung vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chú trọng thực hiện các mô hình, dự án nông nghiệp công nghệ cao, chế biến các sản phẩm sản xuất từ nông nghiệp. Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Dũng cho biết, xã đang chú trọng vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với địa phương, quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh, cùng với xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao và thực hiện có hiệu quả liên kết 4 nhà trong sản xuất nông nghiệp. Từ đó tạo ra chuỗi giá trị sản xuất nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm. Tuy nhiên, huyện cũng cần có chính sách hỗ trợ, ưu đãi các nguồn vốn và nguồn lực khác nhằm giúp các địa phương thực hiện được các mục tiêu đề ra.
Theo Phòng NN-PTNT huyện, phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn vẫn còn ở quy mô nhỏ và chưa nhiều nhưng bước đầu đã cho kết quả đáng khích lệ. Để mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt hiệu quả trong thời gian tới, huyện cần xây dựng quy hoạch vùng sản xuất dành cho công nghệ cao; lựa chọn những tiến bộ kỹ thuật phù hợp với điều kiện ở địa phương; kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng mô hình với đào tạo nông dân; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho nông nghiệp… Thông qua đó sẽ giúp nông dân tiếp cận, nắm bắt tiến bộ kỹ thuật và ứng dụng vào sản xuất một cách chủ động và quy mô hơn.
Theo Báo Đắk Lắk