Huy động nguồn lực phát triển dự báo khí tượng thủy văn
Ngày đăng: 20/09/2019 16:44
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 20/09/2019 16:44
Mở rộng hợp tác trong lĩnh vực khí tượng thủy văn là một nhu cầu tất yếu để phát triển. Hội nghị các đối tác phát triển ngành khí tượng thủy văn tại Việt Nam chiều 18/9 là cơ hội để các đối tác phát triển, nhà đầu tư và cán bộ ngành khí tượng thủy văn cùng trao đổi, thảo luận, tìm kiếm cơ hội hợp tác.
Ảnh minh họa |
Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Trần Hồng Thái, khí tượng thủy văn là một lĩnh vực không biên giới. Để giảm thiểu mất mát và rủi ro do thiên tai, bên cạnh những nỗ lực của mỗi quốc gia riêng biệt, đòi hỏi phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia trên toàn thế giới thông qua các hoạt động tăng cường năng lực, chuyển giao công nghệ, chia sẻ sản phẩm dự báo và số liệu quan trắc, trao đổi chuyên môn, kiến thức về thay đổi và biến đổi khí hậu…
Thông tin đến các đối tác phát triển, ông Trần Hồng Thái cho biết, kết quả thực hiện “Chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn Việt Nam đến năm 2020” đang thể hiện rõ nét trong sự phát triển của hệ thống khí tượng thủy văn trên toàn quốc. Mạng lưới radar hiện đại được trang bị với 10 radar, trong đó có 7 radar được lắp đặt trong 2 năm vừa qua. Mạng lưới định vị sét hoàn chỉnh 18 trạm trên cả nước, hệ thống tích hợp dữ liệu, hệ thống siêu máy tính đang được hoàn thiện đi vào vận hành...
Tuy nhiên, để đáp ứng được những yêu cầu về phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, ngành khí tượng thủy văn còn cần đầu tư nhiều hơn nữa cho giai đoạn 10-20 năm tới.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho rằng, quan trọng hơn hết, ngành khí tượng thủy văn cần phải có một kế hoạch tổng thể, xác định được lộ trình rõ ràng trong giai đoạn tới phát triển thế nào, cần những nguồn lực nào, ai có thể tham gia hỗ trợ được và cơ chế thế nào. Từ đó, các nhà đầu tư, các đối tác phát triển và cả những người sử dụng sản phẩm khí tượng thủy văn sẽ có cái nhìn rõ ràng để có kế hoạch hỗ trợ.
Thứ trưởng Lê Công Thành cho rằng, các đối tác phát triển và các nhà đầu tư, cán bộ khí tượng thủy văn cần phải đánh giá được hiện trạng của ngành, xác định được những gì đang có và những vấn đề còn thiếu hụt, từ đó xây dựng được một chiến lược phát triển cụ thể, có chiều sâu trong giai đoạn từ nay cho tới 2030 tầm nhìn tới 2050.
Bên cạnh đó, cần phải xác định được nhu cầu đầu tư cụ thể theo từng giai đoạn từ nay tới 2030 và xa hơn nữa nhằm phát triển ngành KTTV phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội bền vững của đất nước.
Đồng thời, xác định rõ vai trò của các đối tác phát triển trong các mục tiêu, chiến lược phát triển của ngành để tối ưu nguồn lực, tránh trùng lặp, gây lãng phí nguồn lực.
Hiện tại, ngành khí tượng thủy văn đang đề xuất các dự án trọng điểm, huy động nguồn lực để phát triển hệ thống khí tượng thủy văn, phục vụ tốt hơn nữa công tác dự báo, phòng tránh rủi ro thiên tai. Các dự án trọng điểm tập trung: Tăng cường năng lực dự báo lũ và cảnh báo sớm cho các lưu vực sông Hồng-Thái Bình và sông Mã (2022-2028). Tăng cường năng lực quan trắc khí tượng trên cao và mạng lưới khí tượng nông nghiệp phục vụ phòng chống thiên tai và phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam (2020-2023). Hiện đại hóa công nghệ quan trắc, và thu thập, xử lý số liệu phục vụ dự báo cho khu vực Việt Bắc (2021-2026). Hiện đại hóa công nghệ quan trắc, và thu thập, xử lý số liệu phục vụ dự báo cho khu vực Tây Bắc (2022-2027). Mở rộng và tối ưu hóa hệ thống tích hợp hỗ trợ dự báo thời tiết và cảnh báo sớm của ngành khí tượng thủy văn Việt Nam (2025-2030).
Theo Chinhphu.vn