Hợp tác xã nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP đầu tiên của tỉnh
Ngày đăng: 10/11/2020 08:35
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 10/11/2020 08:35
Thực hiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trong nuôi trồng thủy sản, tháng 6-2019 một số hộ dân ở xã Ea Kao và xã Hòa Khánh (TP. Buôn Ma Thuột) đã liên kết thành lập HTX Thủy sản Tây Nguyên nhằm phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, mang lại hiệu quả về kinh tế và an toàn lao động.
Mô hình nuôi cá rô phi VietGAP của ông Trịnh Xuân Oanh (xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột). |
HTX Thủy sản Tây Nguyên có 10 thành viên, nuôi cá rô phi thương phẩm trên tổng diện tích 20 ha. Chất lượng nguồn nước hồ Ea Kao đoạn qua xã Ea Kao khá sạch, lưu lượng dòng chảy ổn định, hệ thống kênh mương dẫn nước hiện đại, đáp ứng tốt yêu cầu về môi trường nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP. Không chỉ có “địa lợi”, HTX còn có thế mạnh về con người. Các hộ thành viên HTX đều có nhiều kinh nghiệm nuôi cá giống nên nắm chắc kỹ thuật, chủ động về con giống, tiếp thu khoa học, kỹ thuật nhanh và năng động, nhạy bén với biến đổi của thị trường.
Bà Triệu Thị Quyên, Giám đốc HTX cho biết, để đáp ứng quy chuẩn VietGAP, các thành viên của HTX nuôi trồng theo quy trình sản xuất an toàn từ khâu xử lý ao hồ, con giống, thức ăn, sử dụng thuốc đến khâu thu hoạch nhằm hình thành một chuỗi sản xuất hợp lý, tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng. Với phương pháp nuôi trồng sạch, an toàn, tháng 7-2020, HTX Thủy sản Tây Nguyên được Chi cục Thủy sản cấp Giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn VietGAP, trở thành đơn vị nuôi trồng thủy sản đầu tiên của tỉnh được cấp chứng nhận này.
Để phát triển bền vững, HTX Thủy sản Tây Nguyên chủ động hướng dẫn các thành viên áp dụng nghiêm ngặt, đầy đủ tiêu chuẩn theo quy trình VietGAP. Các ao nuôi được ngăn thành hình chữ nhật, hình vuông có diện tích 1.000 - 1.500 m2, độ sâu 2 m, đáy ao bằng phẳng, hơi nghiêng về cống thoát nước; có hệ thống xử lý nước thải, nước cấp, nước thoát.
Ông Nguyễn Đình Tương, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh
|
Trước khi thả cá giống, các hộ vệ sinh ao, xử lý nước thải, hút bùn, rải vôi bột, phơi ao 20 - 25 ngày; cấp nước vào ao với mực nước từ 1,2 - 1,5 m, độ pH đạt từ 7,5 - 8,5. Cá được thả với mật độ 3 con/m2, cho ăn 2 lần/ngày vào sáng sớm và buổi chiều bằng thức ăn công nghiệp dạng viên. Định kỳ, chủ hộ ghi sổ theo dõi, kiểm kê thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học dùng xử lý… Nhờ tuân thủ quy trình nuôi, cá không bị các bệnh nghiêm trọng, chất lượng bảo đảm.
Gia đình ông Trịnh Xuân Oanh, ở thôn 22 (xã Hòa Khánh) là thành viên tiêu biểu của HTX Thủy sản Tây Nguyên về nuôi cá rô phi đạt năng suất cao. Với 3 ao nuôi cá rô phi thương phẩm, 1 ao nuôi cá giống (khoảng 1.000 m2/ao) mỗi lứa ông Oanh thu hoạch gần 10 tấn cá rô phi. Ông Oanh cho hay: “Tham gia HTX nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP, tôi được tập huấn kỹ về kỹ thuật xử lý chất lượng nước, trang bị đầy đủ kiến thức về an toàn lao động, bảo đảm quá trình sản xuất an toàn. Nhờ quy trình nuôi trồng sạch, cá sinh trưởng, phát triển nhanh, ít xảy ra dịch bệnh, hiệu quả kinh tế nâng lên”.
Tương tự, cũng nhờ nuôi cá rô phi theo quy trình sản xuất an toàn, 3 ao cá (1.000 m2/ao) của gia đình ông Lê Thế Linh ở thôn 4 (xã Ea Kao) cho năng suất ổn định gần 3 tấn/lứa/ao. Với tỷ lệ cá sống đạt trên 85%, sau gần 7 tháng nuôi cá cho thu hoạch đạt trọng lượng 0,8 - 1 kg/con, giá bán hiện tại 34.000 đồng/kg, đem lại lợi nhuận hơn 100 triệu đồng cho gia đình sau mỗi lứa cá. “Không chỉ nâng cao hiệu quả kinh tế, trong quá trình sản xuất, tôi và các thành viên HTX được hỗ trợ để thực hiện đúng yêu cầu về kỹ thuật nuôi thả cá an toàn, ghi chép nhật ký sản xuất, nhận định tình hình dịch bệnh để có biện pháp phòng, chống bệnh kịp thời cho đàn cá”, ông Linh chia sẻ.
Thực hiện tốt quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và kết nối đầu ra ổn định, mỗi năm HTX Thủy sản Tây Nguyên xuất ra thị trường trên 100 tấn cá rô phi.
Theo Báo Đắk Lắk