Hợp tác về công nghệ vũ trụ Việt Nam - Nhật Bản
Ngày đăng: 13/01/2015 09:04
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 13/01/2015 09:04
Hơn 40 năm qua, quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản được trải rộng trên nhiều lĩnh vực và không ngừng phát triển, ngày càng đi vào chiều sâu. Bên cạnh các mặt kinh tế, thương mại, thì quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ giữa hai nước đang có những khởi sắc đáng kể...
Các nhà khoa học Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tại Trung tâm vũ trụ Ca-gô-si-ma (Nhật Bản). |
Những năm gần đây, Nhật Bản đã trở thành đối tác chiến lược hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, nhất là về đầu tư các ngành kinh tế và tài trợ ODA cho Việt Nam. Riêng về lĩnh vực hợp tác khoa học, theo Bộ Khoa học và Công nghệ, cũng như Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (HLKH và CNVN), khoảng 10 năm trở lại đây đã có hàng trăm thạc sĩ, tiến sĩ về công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, khoa học vật liệu được đào tạo từ các Viện khoa học và công nghệ tiên tiến Nhật Bản, Ðại học Tô-ki-ô, Ðại học Ô-sa-ka...
Giám đốc Trung tâm vệ tinh quốc gia (Viện HLKH và CNVN) PGS, TS Phạm Anh Tuấn cho biết: Trong chuyến thăm Nhật Bản vào trung tuần tháng 10-2014, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Ðoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam đã dành thời gian đến thăm Cơ quan Hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) và Trung tâm vũ trụ Tru-ka-ba thuộc tỉnh I-ba-ra-ki. Tại đây, Phó Thủ tướng đánh giá cao sự hợp tác có hiệu quả giữa Viện HLKH và CNVN và JAXA từ năm 2006 đến nay, trong việc nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu công nghệ vũ trụ. Bên cạnh việc giúp Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ vũ trụ (36 thạc sĩ đến năm 2016), Nhật Bản còn tạo điều kiện cho Viện HLKH và CNVN thực hiện một số thử nghiệm khoa học tại phòng thí nghiệm KIBO của trạm vũ trụ quốc tế, để năm 2013 Việt Nam phóng thành công vệ tinh Pico Dragon và hoạt động tốt trong không gian. Ðồng thời, Nhật Bản cũng phối hợp Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị "Diễn đàn các cơ quan hàng không khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 20 (APRSAF - 20) vào tháng 12-2013 tại Hà Nội...
Cũng trong chuyến thăm này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chứng kiến lễ ký tuyên bố chung về tăng cường quan hệ đối tác giữa Viện HLKH và CNVN và JAXA đến năm 2020. Theo đó, hai bên tiến hành cụ thể hóa các tiềm năng, lợi thế hợp tác trong tương lai như: vệ tinh viễn thám và các ứng dụng; phát triển vệ tinh nhỏ và các ứng dụng; nghiên cứu chung hướng tới việc sử dụng mô-đun thử nghiệm KIBO của Nhật Bản; ứng dụng của hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu... Ðặc biệt là triển khai, thực hiện dự án Trung tâm vũ trụ Việt Nam tại Hòa Lạc đúng tiến độ, bởi đây là hợp phần quan trọng nhất trong "chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020" của Việt Nam. Khởi công từ tháng 9-2012, đến nay, dự án đã hoàn thành một số bước đi ban đầu, theo đó đã cơ bản san lấp mặt bằng và tổ chức đấu thầu các gói thầu để xây dựng các hạng mục công trình.
Dự án Trung tâm vũ trụ Việt Nam là dự án đặc biệt quan trọng, có tổng mức đầu tư 54 tỷ yên từ nguồn vốn ODA ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng Việt Nam. Dự án được đầu tư đồng bộ thành ba phần: hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị; tiếp nhận và chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực công nghệ vũ trụ. Về hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị, dự án sẽ đầu tư xây dựng trung tâm lắp ráp tích hợp và thử nghiệm vệ tinh nhỏ; trạm thu nhận tín hiệu vệ tinh; trung tâm nghiên cứu và triển khai công nghệ: trung tâm giáo dục và đào tạo; khu điều hành, bảo tàng vũ trụ và đài thiên văn. Về tiếp nhận chuyển giao công nghệ, các chuyên gia Nhật Bản sẽ chuyển giao và hỗ trợ Việt Nam tự chế tạo hai vệ tinh nhỏ quan sát trái đất với công nghệ ra-đa hiện đại có độ phân giải cao cũng như công tác ứng dụng dữ liệu ảnh chụp từ vệ tinh.
Theo đó, đến năm 2020, khi Trung tâm vũ trụ Việt Nam đi vào hoạt động chính thức sẽ có 350 cán bộ khoa học, chuyên gia các lĩnh vực và nhà quản lý trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ được đào tạo. Trong hai năm 2013 và 2014, Trung tâm vệ tinh quốc gia (nơi tiếp nhận và thực hiện dự án) đã cử 22 cán bộ đi học thạc sĩ tại năm trường đại học ở Nhật Bản. Hoàn thành việc xây dựng Trung tâm vũ trụ Việt Nam, chúng ta có khả năng làm chủ công nghệ và tự chế tạo vệ tinh nhỏ quan sát trái đất, có thể chụp ảnh toàn lãnh thổ Việt Nam trong mọi điều kiện thời tiết bằng công nghệ ra-đa cảm biến. Mặt khác, điều quan trọng hơn là Việt Nam chủ động xây dựng và xử lý các dữ liệu ảnh vệ tinh, phục vụ hoạt động giám sát và cảnh báo sớm các thảm họa, thiên tai; dự báo sớm sản lượng nông nghiệp, cập nhật hệ thống bản đồ điện tử cho công tác quản lý và quy hoạch đất đai, cũng như nghiên cứu và cảnh báo phòng tránh biến đổi khí hậu toàn cầu đang đe dọa...
Qua các lần thăm và làm việc với Viện HLKH và CNVN, Chủ tịch JAXA Ô-cư-mư-ra cũng như Giám đốc Hợp tác quốc tế của JAXA T.Ta-na-ca nhận định rằng, mặc dù ngành khoa học - công nghệ vũ trụ Việt Nam còn non trẻ, nhưng với việc tăng cường quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam từ năm 2006 đến nay và việc triển khai các hướng nghiên cứu trong những năm gần đây, Việt Nam đã có những chuyển biến đáng khích lệ trong lĩnh vực này. Việc ký tuyên bố chung về tăng cường quan hệ đối tác giữa Viện HLKH và CNVN và JAXA năm 2014 mở ra tiềm năng, triển vọng hợp tác lâu dài giữa Việt Nam và Nhật Bản trong công cuộc chinh phục khoảng không vũ trụ. Trong đó, hai bên đang nỗ lực bảo đảm tiến độ xây dựng các hạng mục công trình, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đến năm 2020, Việt Nam có một trung tâm vũ trụ vào loại hàng đầu khu vực Ðông - Nam Á...
Theo Nhandan.com.vn