Họp đánh giá tình hình đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh
Ngày đăng: 13/12/2017 16:43
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 13/12/2017 16:43
Sáng 12/12, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp đánh giá tình hình đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Giám đốc Sở Công Thương – Phạm Thái báo cáo tình hình đầu tư tại các Cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. |
Tham dự cuộc họp có đại diện các Sở, ban, ngành, địa phương liên quan. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hải Ninh chủ trì cuộc họp.
Theo báo cáo của Sở Công Thương, trên địa bàn tỉnh hiện có 8 Cụm công nghiệp (CCN) có hoạt động đầu tư và thu hút đầu tư trong đó chỉ có 3 CCN có dự án đầu tư cơ sở hạ tầng được UBND tỉnh phê duyệt gồm: Tân An 1, Tân An 2 (thành phố Buôn Ma Thuột), Ea Đar (Ea Kar). Tổng vốn đầu tư hạ tầng cho 8 CCN đang hoạt động ước hơn 1.266 tỷ đồng. Đến nay, các CCN mới đầu tư được khoảng 292,3 tỷ đồng (23%).
Đối với khu công nghiệp (KCN), vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý mở rộng KCN Hòa Phú với diện tích tăng thêm là 150 ha, tổng diện tích KCN sau khi mở rộng là 331,73 ha; bổ sung KCN Phú Xuân tại xã Ea Drơng, huyện Cư M'gar, với quy mô 325,6 ha vào Quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam đến năm 2020. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan liên quan và chủ đầu tư xây dựng quy hoạch phân khu xây dựng, thực hiện thủ tục đầu tư, thành lập KCN theo từng giai đoạn phù hợp với khả năng thu hút đầu tư trên cơ sở tuân thủ chặt chẽ các điều kiện và trình tự theo quy định hiện hành; thực hiện giám sát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong các KCN...
Hiện nay, việc quản lý, kinh doanh cơ sở hạ tầng CCN trên địa bàn tỉnh có 3 loại hình: mô hình doanh nghiệp làm chủ đầu tư cơ sở hạ tầng; mô hình Trung tâm phát triển CCN và mô hình do UBND các huyện quản lý. Hiện đã có 136 dự án đầu tư và đăng ký đầu tư vào 8 CCN với tổng diện tích đất là 240,7 ha, tỷ lệ lấp đầy 78% diện tích.
Theo quy hoạch phát triển các CCN tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh có 14 CCN và 01 CCN – Tiểu thủ công nghiệp với diện tích 551,4 ha; giai đoạn 2021 -2025 bổ sung thêm 9 CCN. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định thành lập 11 CCN thuộc các huyện: Ea Kar, M’Đrắk, Ea H’leo, Cư M’gar, Buôn Đôn, Ea Súp, Krông Năng, Cư Kuin, thị xã Buôn Hồ, thành phố Buôn Ma Thuột; 3 CCN các huyện Krông Pắk, Krông Búk và Krông Ana đang thực hiện thủ tục thành lập hoặc chuyển sang giai đoạn 2021-2025.
Tỉnh cũng đã lập quy hoạch chi tiết xây dựng 14 CCN với tổng diện tích quy hoạch 692 ha, diện tích đất công nghiệp 475,9 ha, trong đó có 8 CCN đang tiến hành đầu tư cơ sở hạ tầng vừa tiến hành hoạt động với diện tích đất quy hoạch 427,3 ha, diện tích đất công nghiệp 309,5 ha.
Các đại biểu tham dự cuộc họp. |
Tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận đánh giá lại hiệu quả hoạt động của các khu, CCN, việc thu hút doanh nghiệp vào khu, CCN, công tác đầu tư cơ sở hạ tầng tại các khu, CCN, chính sách kêu gọi đầu tư...
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hải Ninh đề nghị Sở Công Thương sớm tham mưu văn bản quy chế phối hợp trong quản lý khu, CCN; các Sở, ngành liên quan rà soát lại giá cho thuê đất tại các khu, CCN; rà soát lại quy hoạch chi tiết các phân khu của khu công nghiệp. Đối với công tác quản lý, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Công ty phát triển hạ tầng khu công nghiệp Hòa Phú căn cứ chức năng, nhiệm vụ, báo cáo thực trạng hoạt động của cơ quan, đơn vị, làm rõ cơ chế chỉ đạo, phối hợp cũng như những khó khăn vướng mắc trong quá trình hoạt động. Đối với loại hình quản lý, kinh doanh cơ sở hạ tầng CCN, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị các đơn vị cần căn cứ thực tế trên địa bàn và các quy định pháp luật để áp dụng tại địa phương; các huyện cần có kiến nghị bằng văn bản gửi Sở Công Thương để tổng hợp (trước ngày 20/12) trình UBND tỉnh xem xét, giải quyết.
Theo Daklak.gov.vn