Hội thảo khoa học Quan hệ giữa dân tộc với tôn giáo ở các tỉnh Tây Nguyên
Ngày đăng: 03/12/2021 14:29
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 03/12/2021 14:29
Sáng 2/12/2021, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Tỉnh ủy Đắk Lắk đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học trực tuyến “Quan hệ giữa dân tộc/tộc người với tôn giáo ở Tây Nguyên: Xu hướng biến đổi và định hướng chính sách”.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk Phạm Minh Tấn phát biểu ý kiến tại hội thảo. |
Các đồng chí: PGS, TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS, TS Đinh Ngọc Giang, Vụ trưởng Vụ quản lý khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Phạm Minh Tấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk; H’Kim Hoa Byă, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk; PGS, TS Đoàn Triệu Long, Quyền Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III; PGS, TS Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III chủ trì hội thảo.
Tham dự hội thảo còn có đại diện Ban Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ các tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Lâm Đồng.
Tại hội thảo, các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học, nhà quản lý đã trình bày 8 tham luận tập trung vào các vấn đề: Sự hình thành cộng đồng tôn giáo - dân tộc ở Tây Nguyên và những vấn đề đặt ra hiện nay; Quan hệ giữa dân tộc với tôn giáo và xu hướng biến đổi quan hệ giữa dân tộc với tôn giáo ở Tây Nguyên trong các lĩnh vực của đời sống xã hội; Đối ngoại tôn giáo với việc giải quyết quan hệ tôn giáo, dân tộc ở Tây Nguyên; Tác động của đạo Công giáo với gia đình người Êđê ở Đắk Lắk; Đạo Tin lành trong cộng đồng dân tộc Cơ Ho ở tỉnh Lâm Đồng; Tác động của các hiện tượng tôn giáo mới đối với các dân tộc thiểu số ở tỉnh Kon Tum; Ảnh hưởng của tôn giáo đến lối sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở tỉnh Gia Lai; Xây dựng lực lượng cốt cán trong tín đồ, chức sắc tôn giáo ở vùng dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk…
Các tham luận và ý kiến phát biểu trao đổi, thảo luận đã đánh giá toàn diện, luận giải làm rõ các vấn đề lý luận, thực tiễn về xu hướng biến đổi quan hệ dân tộc với tôn giáo ở các tỉnh Tây Nguyên; đồng thời đề xuất, kiến nghị các giải pháp với các cơ quan Trung ương và các tỉnh Tây Nguyên trong thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo nói riêng và chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nói chung.
PGS.TS Buôn Krông Tuyết Nhung, Trường Đại học Tây Nguyên trình bày tham luận tại hội thảo. |
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk Phạm Minh Tấn khẳng định: Tây Nguyên là địa bàn chiến lược quan trọng của cả nước cả về kinh tế - xã hội và quốc phòng – an ninh; thành phần các dân tộc, tộc người sinh sống đa dạng, phong phú, tỷ lệ đồng bào theo các tôn giáo chính gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin lành và đạo Cao đài khá cao tạo nên một bức tranh dân tộc, tôn giáo phong phú. Với sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, đời sống kinh tế, văn hóa – xã hội của các tầng lớp nhân dân khu vực Tây Nguyên có bước phát triển, tuy nhiên tỷ lệ hộ nghèo còn cao, một số nét văn hóa, mối quan hệ, luật tục của đồng bào các dân tộc trên địa bàn Tây Nguyên đang dần mai một. Các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để lôi kéo, chống phá Đảng, Nhà nước. Vì vậy, hội thảo này có ý nghĩa rất quan trọng. Các tham luận và các ý kiến phát biểu tại hội thảo đã nhìn nhận, đánh giá, luận giải một cách khách quan, khoa học và thẳng thắn về những vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến xu hướng biến đổi, quan hệ dân tộc với tôn giáo ở Tây Nguyên. Trong đó đã làm rõ những đặc điểm về dân tộc tại Tây Nguyên, đặc điểm kinh tế tộc người, đặc điểm văn hóa, giáo dục, y tế, xã hội. Đồng thời làm rõ quá trình du nhập, phát triển của các tôn giáo ở Tây Nguyên, các hiện tượng tôn giáo mới và đối ngoại tôn giáo cũng như sự giao thoa, tiếp biến văn hóa, tác động qua lại giữa quan hệ dân tộc và tôn giáo.
Đồng chí nhấn mạnh, quan hệ dân tộc – tôn giáo ở Tây Nguyên mang những đặc thù riêng, do vậy qua hội thảo này, các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học, nhà quản lý lĩnh vực dân tộc, tôn giáo ở các tỉnh Tây Nguyên cần tiếp tục quan tâm, nghiên cứu, đề xuất, bổ sung những giải pháp, chính sách phù hợp, hiệu quả hơn để điều chỉnh hài hòa các vấn đề dân tộc, tôn giáo ở Tây Nguyên; thực hiện tốt mục tiêu đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc.
Theo Báo Đắk Lắk