Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Xây dựng vùng du lịch văn hóa sinh thái Tây Nguyên: Tiềm năng và những vấn đề”
Ngày đăng: 15/11/2019 17:02
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 15/11/2019 17:02
Sáng ngày 15/11, Viện Khoa học Xã hội vùng Tây Nguyên phối hợp cùng với Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đồng tổ chức Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Xây dựng vùng du lịch văn hóa sinh thái Tây Nguyên: Tiềm năng và những vấn đề”. Tham dự hội thảo có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk H’Yim Kđor.
Toàn cảnh hội thảo |
Chủ trì điều hành hội thảo gồm: PGS.TS Bùi Nhật Quang - Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Bà H’Yim Kđor - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk; PGS.TS Nguyễn Văn Thạo - Phó Chủ tịch Chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng; TS. Nguyễn Quang Thụy - Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội vùng Tây Nguyên.
Hội thảo nhằm mục đích tạo ra diễn đàn đối thoại, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ kết quả nghiên cứu giữa các nhà khoa học - nhà quản lý - doanh nghiệp - chủ thể văn hóa về tiềm năng, thực trạng của hoạt động du lịch văn hóa sinh thái vùng Tây Nguyên; đề xuất các luận điểm, giải pháp góp phần xây dựng chiến lược phát triển vùng du lịch văn hóa sinh thái, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên.
Ban Chủ trì hội thảo |
Phát biểu khai mạc hội thảo Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđor đã nhấn mạnh “Tây Nguyên là một vùng văn hóa truyền thống đặc sắc, ở đây không gian văn hóa Cồng chiêng được trải dài trên 5 tỉnh. Chủ thể của không gian văn hóa Cồng chiêng này gồm nhiều dân tộc khác nhau như Êđê, Jrai, Ba Na, Xơ đăng, Mnông, K’ho…; Không gian văn hóa nhà dài, nhà rông; Nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian, tượng nhà mồ; Bên cạnh đó còn có không gian sinh thái thiên nhiên hùng vĩ và huyền bí với rừng, núi, sông suối, thác, hồ… Đây là những tiềm năng to lớn cần được khai thác và liên kết phát triển du lịch, văn hóa, sinh thái”. Chính vì vậy, Hội thảo được tổ chức đối với các tỉnh Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng là rất quan trọng và cần thiết để góp phần bảo tồn thiên nhiên, văn hóa tại các địa phương.
Trong nội dung hội thảo đã có 6 báo cáo tham luận được trình bày gồm: “Bàn về mô hình có khả năng ứng dụng hiệu quả trong xây dựng vùng du lịch văn hóa sinh thái tại Tây Nguyên hiện nay” do PGS.TS. Bùi Trung Hưng - Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai trình bày; “Giải pháp phát triển du lịch sinh thái tỉnh Kon Tum” do TS. Nguyễn Đình Bình - Trường Đại học Sài Gòn trình bày; “Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh Gia Lai” do TS. Nguyễn Thái Bình - Trường Chính trị Gia Lai trình bày; “Bảo tồn tại chỗ di sản hang động núi lửa phục vụ khai thác du lịch văn hóa sinh thái ở Đắk Lắk” do TS. La Thế Phúc - Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam trình bày; “Tiềm năng phát triển du lịch văn hóa - sinh thái của tỉnh Đắk Lắk” do ThS. Lê Thị Huyền - Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ trình bày; “Xây dựng khu du lịch sinh thái nông nghiệp cộng đồng Eco Cư Suê, tại xã Cư Suê, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk” do ông Bạch Quang Trọng - Công ty TNHH Đầu tư Du lịch và Thương mại Đam San trình bày.
Sau khi các báo cáo được trình bày tại hội thảo, các các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, các nhà chuyên môn và các đại biểu tham dự hội thảo đã trao đổi, thảo luận các ý kiến đóng góp sâu sắc bằng sự hiểu biết, kinh nghiệm, trí tuệ và lòng nhiệt tình để giúp cho đơn vị nghiên cứu có thể đưa ra những giải pháp nhằm xây dựng, phát triển du lịch sinh thái văn hóa của Tây Nguyên.
Minh Hồng