Hội nghị trực tuyến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và đầu tư công năm 2022 vùng Miền Trung và Tây Nguyên
Ngày đăng: 16/09/2021 10:53
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 16/09/2021 10:53
Sáng 15/9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị trực tuyến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và đầu tư công năm 2022 vùng Miền Trung và Tây Nguyên. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông chủ trì cuộc họp tại điểm cầu Trung ương.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì điểm cầu tỉnh Đắk Lắk |
Tham dự và chủ trì điểm cầu Đắk Lắk có Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị, lãnh đạo Sở, ngành, địa phương trong tỉnh.
Báo cáo tại Hội nghị cho biết, 8 tháng đầu năm 2021, một số địa phương trong vùng đã có nhiều sáng tạo, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”. Các địa phương cơ bản giải quyết vấn đề dân sinh, đảm bảo an sinh xã hội, khơi dậy tinh thần đồng bào, thiện nguyện, vượt khó chống dịch được lan tỏa rộng rãi với tinh thần “Tất cả vì lợi ích của người dân”.
Tốc độ tăng trưởng GRDP của vùng Tây Nguyên đạt 7,21% cao hơn mức bình quân cả nước 5,64%, trong đó Gia Lai tăng 9,7%, Đắk Lắk tăng 9,11%, Kon Tum tăng 6,79%, Đắk Nông tăng 6,03%, Lâm Đồng tăng 5%. GRDP của vùng Tây Nguyên tăng cao so với cùng kỳ 2020 (2,72%) và cao hơn trung bình cả nước 5,8%, đứng thứ 3 sau vùng Đồng bằng sông Hồng 7,04% và vùng Miền Trung 7,24%.
Các đại biểu tham dự cuộc họp tại điểm cầu Trung ương |
Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản của Vùng đạt mức tăng trưởng khá trong 2 năm liên tiếp, tăng 4,57%, trong đó Đắk Lắk tăng 4,91%. Ngành dịch vụ của vùng tăng 4,04% do các địa phương thực hiện giãn cách xã hội để phòng- chống dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp – xây dựng của Vùng tăng mạnh 19,72% so với cùng kỳ, là do các địa phương đã triển khai một số dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn. Riêng tỉnh Đắk Lắk tăng 38,66%.
Theo đánh giá tại Hội nghị, các địa phương trong vùng đang gặp khó khăn trong tiêu thụ nông sản, sản phẩm chăn nuôi, nguyên nhân là do đầu mối kênh tiêu thụ thu mua bị gián đoạn, đứt gãy do ảnh hưởng Covid-19.
Về đầu tư công, vùng Tây Nguyên được Thủ tướng Chính phủ giao 15.472 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2021. Đến nay, các địa phương đã phân bổ chi tiết 16.008 tỷ đồng, bằng 103% tổng số kế hoạch năm 2021. Tỷ lệ giải ngân 8 tháng của vùng ước đạt 6.485 tỷ đồng, đạt 41,9%. Ước cả năm, vùng Tây Nguyên dự kiến giải ngân được 12.066 tỷ đồng bằng 92% kế hoạch năm 2021. Số vốn ngân sách Trung ương dự kiến không giải ngân được trong năm 2021 phải chuyển sang năm 2022 để tiếp tục thực hiện là 758 tỷ đồng.
Về công tác lập quy hoạch cấp tỉnh của vùng Tây Nguyên, hiện nay 4/5 địa phương đã tổ chức đấu thầu; dự kiến năm 2022 sẽ có 4 địa phương xin ý kiến Bộ, ngành, cơ quan tổ chức để hoàn thiện quy hoạch cấp tỉnh.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đánh giá cao sự nỗ lực của các địa phương trong việc thực hiện “mục tiêu kép” đạt tỷ lệ tăng trưởng cao.
Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh, dự báo tác động của dịch Covid-19 sẽ còn ảnh hưởng đến mục tiêu của năm 2021, ngành kinh tế biển bị ảnh hưởng nhiều, tiêu thụ nông sản chững lại. Yêu cầu các địa phương quan tâm kiểm soát dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Chính phủ, thực hiện đồng bộ giải pháp hỗ trợ thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp sau khi kiểm soát đại dịch Covid-19; gặp gỡ đối thoại, chia sẻ đồng hành, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp và xây dựng kịch bản phục hồi kinh tế cấp tỉnh.
Các tỉnh/thành căn cứ Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 23/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và các văn bản hướng dẫn của Bộ KH-ĐT để thực hiện sát thực tế.
Về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, căn cứ hướng dẫn tại văn bản số 4880/BKHĐT-TH ngày 26/7/2021 của của Bộ KH-ĐT để đánh giá thực hiện năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2022 đúng hướng dẫn chung.
Về đầu tư công, rà soát cắt giảm điều chuyển những dự án chậm giải ngân sang cho những dự án giải ngân nhanh và có nhu cầu bổ sung vốn trong năm 2021; các địa phương hoàn thiện các thủ tục dự án đầu tư để sẵn sàng triển khai trong năm 2021, năm 2022 sau khi Thủ tướng Chính phủ giao vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Tập trung hoàn thành dứt điểm các dự án còn dư ứng đến hết năm 2021 chưa hoàn trả đủ, các dự án đã hoàn thành và dự án quá hạn được Thủ tướng cho phép kéo dài trong năm 2022. Số vốn còn lại mới bố trí khởi công mới, ưu tiên cho bố trí cho các dự án quan trọng, kết nối liên vùng.
Theo Daklak.gov.vn