Hội nghị tổng kết Chương trình Khoa học công nghệ cấp Quốc gia “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế” giai đoạn 2016-2020
Ngày đăng: 07/12/2021 09:46
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 07/12/2021 09:46
Ngày 05/12/2021, tại Hà Nội, Ban Chủ nhiệm và Văn phòng Chương trình Tây Nguyên 2016-2020 đã tổ chức “Hội nghị trực tuyến Chương trình Khoa học công nghệ cấp Quốc gia: Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế giai đoạn 2016-2020”. Tham dự Hội nghị có: GS.VS. Châu Văn Minh - Ủy viên BCH TW Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang.
Quang cảnh Hội nghị |
Chính phủ đã phê duyệt, cho triển khai Chương trình khoa học và công nghệ cấp Quốc gia nghiên cứu phục vụ phát triển kinh tế, xã hội Tây Nguyên (Chương trình KH&CN) và giao Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam chủ trì. Chương trình KHCN đã thành công, góp phần quan trọng thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng và Chính phủ “Xây dựng Tây Nguyên thành địa bàn vững chắc về an ninh quốc phòng và vùng trọng điểm kinh tế của cả nước”, trong đó chú trọng đưa khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế, xã hội Tây Nguyên.
Tiếp nối và kế thừa chuỗi giá trị khoa học đạt được từ Chương trình Tây Nguyên 3 “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên” giai đoạn 2011-2015, Chính phủ tiếp tục giao cho Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì thực hiện Chương trình Khoa học công nghệ cấp Quốc gia “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế” giai đoạn 2016-2020 (gọi tắt là Chương trình Tây Nguyên 2016-2020). Trước đó Chính phủ đã giao Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam chủ trì thực hiện Chương trình Tây Nguyên 1 “Chương trình điều tra tổng hợp Tây Nguyên” thực hiện trong kế hoạch 5 năm (1976-1980); Chương trình Tây Nguyên 2 “Xây dựng cơ sở khoa học cho quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên” giai đoạn 1984-1988 là những Chương trình KHCN, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trọng điểm cấp Nhà nước.
Chương trình Tây Nguyên 2016-2020 là Chương trình khoa học tổng hợp liên ngành khoa học tự nhiên và công nghệ, phòng tránh thiên tai, khoa học xã hội và an ninh quốc phòng. Mục tiêu của Chương trình gồm: (1) Cung cấp luận cứ khoa học về liên kết vùng, ngành và hội nhập kinh tế quốc tế. Xác định lĩnh vực liên kết vùng và hội nhập quốc tế hiệu quả và đặc thù. Đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp; (2) Ứng dụng có hiệu quả và chuyển giao công nghệ tiến tiến thích hợp. Lựa chọn nhân rộng các mô hình đã thử nghiệm vào sản xuất, tạo sản phẩm hàng hóa nông lâm nghiệp, dịch vụ; (3) Cung cấp giải pháp khoa học công nghệ nâng cao năng lực quản lý của các tỉnh Tây Nguyên về tài nguyên, môi trường, rủi ro thiên tai và quản lý xã hội theo định hướng phát triển bền vững; (4) Cung cấp các giải pháp phát huy nguồn nội lực khoa học công nghệ tại Tây Nguyên.
Phát biểu khai mạc hội nghị, GS.VS. Châu Văn Minh, Ủy viên BCH TW Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Chủ nhiệm Chương trình Tây Nguyên 2016 - 2020 cho biết, qua 5 năm thực hiện với phương châm bám sát mục tiêu, bám sát thực tiễn Tây Nguyên, Chương trình đã triển khai và thực hiện thành công 32 nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc 3 lĩnh vực. Trong đó, 11 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ; 13 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và phòng tránh thiên tai; 08 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và an ninh quốc phòng, có 07 nhiệm vụ khoa học do các Trường, Viện nghiên cứu đóng tại Tây Nguyên, khu vực Nam Trung Bộ triển khai thực hiện. Các nhiệm vụ khoa học tự nhiên, công nghệ đã triển khai ứng dụng các kết quả khoa học, công nghệ tiên tiến vào thực tiễn góp phần phát triển kinh tế xã hội Tây Nguyên nhanh bền vững. Các nhiệm vụ khoa học xã hội đưa ra luận cứ khoa học để giải quyết về đẩy mạnh liên kết vùng Tây Nguyên với các tỉnh Nam Trung Bộ; giải pháp giải quyết tranh chấp đất đai; bảo tồn và phát triển tài sản trí tuệ; hệ thống giải pháp giữ vững ổn định an ninh chính trị Tây Nguyên trong bối cảnh quốc tế mới… Chương trình đã huy động được sự tham gia của 918 nhà khoa học thuộc 14 Bộ, Ngành, Hội khoa học trên cả nước và từ Trung ương đến địa phương vùng Tây Nguyên.
Vượt qua nhiều khó khăn về đại dịch Covid-19, 100% các nhiệm vụ đã bảo vệ thành công trước Hội đồng khoa học cấp quốc gia và đúng hạn; có 8/32 nhiệm vụ được Hội đồng đánh giá xuất sắc; 45 mô hình triển khai và 46 quy trình thử nghiệm sản xuất đã được nghiệm thu và chuyển giao cho địa phương. Kết quả của chương trình đã bám sát thực tiễn, hiệu quả và cụ thể hóa luận cứ khoa học phát triển bền vững Tây Nguyên trong liên kết vùng và hội nhập kinh tế quốc tế.
Chương trình Tây Nguyên 2016-2020 đã đạt được nhiều kết quả chính, quan trọng như: (1) Đưa ra được các giải pháp khoa học công nghệ cho liên kết vùng và hội nhập quốc tế; (2) Triển khai ứng dụng phát triển các công nghệ tiên tiến đã có của giai đoạn 2011-2015 vào thực tiễn sản xuất nông - lâm - công nghiệp và dịch vụ Tây Nguyên; (3) Xây dựng được các giải pháp quản lý tổng hợp tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn các hệ sinh thái đặc thù Tây Nguyên; (4) Triển khai một số dự án, mô hình ứng dụng công nghệ tiên tiến phù hợp với điều kiện của Tây Nguyên; (5) Cung cấp các giải pháp phát huy nguồn nội lực khoa học công nghệ tại Tây Nguyên.
Bên cạnh kết quả về mặt công nghệ, kinh tế xã hội Chương trình KH&CN còn đạt được các kết quả quan trọng khác như: đã có 27 hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ, trong đó có 13 Bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích và 14 sản phẩm đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, quyền tác giả; công bố 35 bài báo trên tạp chí SCI/SCI-E, 36 bài báo trên tạp chí, kỷ yếu hội nghị quốc tế và 226 bài báo trên các tạp chí chuyên ngành, kỷ yếu hội nghị trong nước cùng với 19 sách chuyên khảo đã được xuất bản; tập Atlas tổng hợp vùng Tây Nguyên và phụ cận khổ A2, Atlas các hệ sinh thái núi Tây Nguyên khổ A3 lần đầu tiên được xuất bản là những bộ dữ liệu lớn có giá trị nhiều mặt phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên; các nhà khoa học đã hỗ trợ và đào tạo 29 Tiến sĩ, đào tạo 54 Thạc sĩ và hàng chục kỹ thuật viên về ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ cho Tây Nguyên.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang phát biểu tại Hội nghị |
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang đánh giá cao Chương trình Tây Nguyên 2016-2020 và khẳng định tiếp tục phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng các cơ quan, địa phương liên quan để mở rộng ứng dụng kết quả của Chương trình góp phần phát triển Tây Nguyên và cả nước trong thời gian tới.
Tại Hội nghị, nhiều mô hình, công nghệ và báo cáo khoa học đã được giới thiệu.
Theo Vista.gov.vn