Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên lần thứ 29
Ngày đăng: 30/10/2017 08:25
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 30/10/2017 08:25
Sáng 28/10, tại Đắk Lắk đã diễn ra Hội nghị Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) các tỉnh, thành phố khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên lần thứ 29 với chủ đề “ Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và tiếp công dân của HĐND cấp tỉnh” Đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội dự và chỉ đạo Hội nghị.
Đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội dự và chỉ đạo Hội nghị. |
Dự Hội nghị có đại diện các bộ, ngành Trung ương; đại diện một số cơ quan của Quốc hội; Thường trực HĐND 12 tỉnh, thành phố khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Về phía tỉnh Đắk Lắk có các đồng chí Êban Y Phu, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Minh Tấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Y Biê Niê, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Ngọc Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành; Thường trực HĐND các huyện, thị xã, thành phố.
Báo cáo tại Hội nghị cho biết, trong nhiệm kỳ 2011 - 2016 và từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021 đến nay, Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố đã tổ chức, triển khai hoạt động lấy phiếu tín nhiệm và tiếp công dân theo đúng các quy định của pháp luật. Hoạt động lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tiên thực hiện tại kỳ họp giữa năm 2013, lần thứ hai vào kỳ họp cuối năm 2014, đã khẳng định đây là một chủ trương đúng, cần thiết của Đảng, Nhà nước trong giai đoạn mới và là bước tiến quan trọng trong hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp, tạo được sự quan tâm, đồng tình ủng hộ của dư luận, sự tin tưởng của cử tri và nhân dân cả nước.
Bên cạnh đó, Thường trực HĐND, các đại biểu HĐND đã tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ảnh định kỳ và thương xuyên, kịp thời giải quyết đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền hoặc nghiên cứu, hướng dẫn công dân gửi khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ảnh đến đúng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết, nghiên cứu, hướng dẫn công dân...
Tại Hội nghị, nhiều báo cáo tham luận của các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm hoạt động, đưa ra những đề xuất để hoàn thiện các văn bản pháp luật về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, tiếp công dân, hướng tới mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND; một số vấn đề vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND…
Đánh giá cao chủ đề "Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và tiếp công dân của HĐND tỉnh", các báo cáo tham luận và những kiến nghị tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhận xét: Qua hai lần lấy phiếu tín nhiệm tại HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, HĐND các tỉnh, thành phố trong khu vực đã tiến hành nghiêm túc, thận trọng và trách nhiệm, đúng theo quy trình đã được quy định tại Nghị quyết số 35/2012/QH13 và Nghị quyết 85/2014/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Trong công tác tiếp xúc cử tri đã chủ động, đổi mới, có cách làm sáng tạo để nâng cao hiệu quả hoạt động tiếp công dân. Đây chính là những hoạt động góp phần xây dựng HĐND thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, là cầu nối giữa “Đảng, chính quyền với nhân dân”.
Toàn cảnh Hội nghị |
Đồng chí đề nghị trong thời gian tới, Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố trong khu vực cần quán triệt sâu sắc, đầy đủ mục đích, yêu cầu, nguyên tắc, quy trình của việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đến tất cả các vị đại biểu Hội đồng nhân dân và những người giữ chức vụ do HĐND bầu; việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu phải được thực hiện đúng quy trình và nghiêm túc, tránh hình thức; cần nâng cao hơn nữa vai trò của Thường trực HĐND, của đại biểu HĐND trong giám sát việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp, nhất là đối với với các vụ việc khiếu nại tố cáo tồn đọng, bức xúc, kéo dài chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa hợp tình, hợp lý; quan tâm đến công tác bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức làm công tác tham mưu giúp Thường trực HĐND tiếp công dân.
Tại Hội nghị, Thường trực HĐND tỉnh Đắk Lắk đã chuyển giao đăng cai tổ chức Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố Nam Trung bộ và Tây nguyên lần thứ 30 cho Thường trực HĐND tỉnh Ninh Thuận.
Theo Daklak.gov.vn