Hoạt động cải tiến và hiệu quả doanh nghiệp ở Việt Nam: Bằng chứng mới từ phân tích kinh tế lượng vi mô với dữ liệu mảng
Ngày đăng: 14/10/2021 09:35
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 14/10/2021 09:35
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế ở cả các nước đang phát triển và phát triển. Việt Nam không phải là ngoại lệ. Nền kinh tế Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, với 96% tổng số doanh nghiệp đóng góp gần 45% GDP và 31% tổng đầu tư trong năm 2006 (Tuan & Thach, 2016). Hơn nữa, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng và tạo việc làm. Tuy nhiên, hoạt động đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế.
Từ thực trạng đó, TS. Vũ Văn Hưởng cùng nhóm nghiên cứu tại Học viện tài chính đã thực hiện đề tài: “Hoạt động cải tiến và hiệu quả doanh nghiệp ở Việt Nam: Bằng chứng mới từ phân tích kinh tế lượng vi mô với dữ liệu mảng” từ năm 2017 đến năm 2019.
Đề tài nhằm thực hiện bốn mục tiêu sau:
- Nghiên cứu cung cấp bức tranh về thực trạng của doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa, và đồng thời xem xét những rào cản của doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa trong quá trình phát triển;
- Nghiên cứu cung cấp những bằng chứng thực nghiệm đầu tiên về vai trò hỗ trợ của chính phủ và môi trường kinh doanh đến hoạt động cải tiến của doanh nghiệp và hiệu quả tài chính của doanh nghiệp;
- Nghiên cứu xem xét ảnh hưởng của hoạt động cải tiến đến năng suất và khả năng sống sót của doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa;
- Nghiên cứu đánh giá tác động dài hạn của hoạt động cải tiến đến lợi nhuận, hoạt động xuất khẩu, tiếp cận tín dụng và ích lợi người lao động của doanh nghiệp.
- Từ các phát hiện nghiên cứu thực nghiệm và phân tích tài liệu chính sách, xác định được những rào cản, những lĩnh vực cần ưu tiên và từ đó cúng cấp cho các nhà hoạch định chính sách trong việc thiết kế và thay đổi các chính sách nhằm cải thiện hoạt động của doanh nghiệp và năng lực cải tiến của họ.
Một số kết quả nghiên cứu của đề tài:
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm thúc đẩy chuyển đổi các hộ kinh doanh cá thể/ không chính thức thành doanh nghiệp/ chính thức. Rõ ràng, các bằng chứng thực nghiệm và lý thuyết đều chỉ ra rằng chuyển đổi hình thức kinh doanh phi chính thức sang chính thức mang lại lợi ích lâu dài. Theo đó, các doanh nghiệp chính thức không những có khả năng tiếp cận vốn, nhận được hỗ trợ chính phủ, tiếp cận đất đai, quy chuẩn hóa thủ tục hoạt động trên thị trường tốt hơn mà còn đạt được những hiệu quả trực tiếp trong hoạt động cải tiến.
Thứ hai, chính phủ tiếp tục thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp có chọn lọc. Trước hết, nghiên cứu chỉ ra rằng hệ thống doanh nghiệp tại Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ với rất nhiều những hạn chế, bao gồm: thiếu vốn, khó khăn trong việc tiếp cận đất đai, hạn chế trong kỹ nghệ, thị trường cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, tham nhũng khiến các khoản chi phí phi chính thức ngày càng lớn, thị trường lao động có nhiều hạn chế đặc biệt là thiếu lao động có tay nghề phù hợp,... Thứ hai, các hoạt động hỗ trợ của chính phủ cho doanh nghiệp có tác động tích cực. Trong đó, các hoạt động hỗ trợ và cải thiện môi trường kinh doanh đã giúp các doanh nghiệp gia tăng sức cạnh tranh đặc biệt đối với doanh nghiệp chính thức; các hoạt động hỗ trợ cải tiến góp phần nâng cao khả năng tồn tại của doanh nghiệp và là điều kiện quan trọng nhằm phát triển trong dài hạn.
Thứ ba, chính phủ cần tiếp tục xây dựng hệ thống quản trị tinh gọn, đơn giản hóa thủ tục và minh bạch hóa thông tin. Nghiên cứu chỉ ra rằng các doanh nghiệp hiện nay đang phải chịu các khoản chi phí không chính thức tương đối đáng kể từ các hoạt động ngoài kinh doanh. Điều này tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng trong hệ thống doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời là rào cản gia nhập ngành của các doanh nghiệp mới.
Thứ tư, chính phủ hỗ trợ phát triển nguồn lực lao động có chất lượng và phù hợp với hệ thống doanh nghiệp. Một vấn đề quan trong trong hoạt động đổi mới của doanh nghiệp cần đòi hỏi nguồn lao động có tay nghề cao và phù hợp với các doanh động của doanh nghiệp, hơn nữa, các hoạt động giáo dục lại thiếu liên kết trực tiếp với hệ thống doanh nghiệp, do đó hầu hết người lao động cần được đào tạo lại.
Thứ năm, chính phủ nâng cao hoạt động hỗ trợ thông tin, liên kết doanh nghiệp trên thị trường đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa. Kết quả nghiên cứu cho thấy các doanh nghiệp hiện nay rất hạn chế về thông tin đặc biệt các thông tin về hoạt động cải tiến. Theo đó, các hoạt động cải tiến của doanh nghiệp và hỗ trợ cải tiến của chính phủ đem lại những tác động rất khác nhau cho từng chủ thể kinh doanh.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16726/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Theo Vista.gov.vn