Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực khoa học
Ngày đăng: 08/06/2014 19:32
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 08/06/2014 19:32
Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ Việt Nam thông qua một số hoạt động đang được ưu tiên như kết nối với các trường đại học, viện nghiên cứu của Hoa Kỳ thúc đẩy hợp tác để có các công trình nghiên cứu chung, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam. Đây là nội dung trao đổi chính trong buổi tiếp của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân với TS. Lynne McNamara - Giám đốc Điều hành Văn phòng Quỹ Giáo dục Việt Nam tại Hoa Kỳ (VEF).
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Nguyễn Quân chia sẻ: “Trong khoảng thời gian từ chuyến thăm năm ngoái của VEF, chúng tôi đã làm được rất nhiều việc. Tiêu biểu như dự án Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu KH&CN - FIRST đã được khởi động, nhiều công việc đang được tiến hành triển khai rất tốt. Cách đây 2 tuần, Ngân hàng Thế giới và Bộ KH&CN đã tổ chức Hội thảo “Người Việt khởi nghiệp bằng KH&CN” với các diễn giả là các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài trình bày về các ý tưởng thương mại hóa công nghệ, đưa các kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh và sử dụng nguồn kinh phí của dự án FIRST. Trong thời gian sắp tới, 1 phần kinh phí của dự án này sẽ dành để xây dựng tạo lập một số doanh nghiệp khoa học ứng dụng các nghiên cứu vào sản xuất kinh doanh”.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đang cùng với Phần Lan triển khai tiếp tục giai đoạn 2 Chương trình Đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan. Trong giai đoạn 2 này, Phần Lan cam kết với Việt Nam sẽ dành một phần kinh phí để đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý của các Viện nghiên cứu, cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam cùng với một hợp phần của dự án FIRST có phần đào tạo cán bộ nghiên cứu, doanh nghiệp khoa học.
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng thông báo với TS. Lynne McNamara về việc Việt Nam đang hợp tác với Hàn Quốc xây dựng một viện KH&CN Việt Nam – Hàn Quốc (V-KIST) theo mô hình viện nghiên cứu hàng đầu của Hàn Quốc. Đây sẽ là nơi thu hút các nhà khoa học của Việt Nam đang làm việc tại nước ngoài trở về nước để làm việc với các cơ chế ưu đãi đặc biệt, tạo mọi điều kiện làm việc tốt nhất cho các nhà khoa học. Đặc biệt, một đạo luật riêng cho viện với những cơ chế ưu đãi đang được trình lên Quốc hội. Nếu trong tháng 11/2014, đạo luật được thông qua sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Viện hoạt động. Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng bày tỏ hy vọng các cựu sinh viên của chương trình VEF sẽ làm việc tại viện V-KIST.
Vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt chương trình hội nhập quốc tế về KH&CN trong đó có chương trình hợp tác song phương và đa phương. Thông qua chương trình này hợp tác giữa Việt Nam - Hoa Kỳ và các nước khác trên thế giới sẽ có bước phát triển nhanh. Trong đó, triển vọng hợp tác giữa VEF với Bộ KH&CN nói riêng và hợp tác giữa Việt Nam với các nước phát triển sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn so với trước đây. Đặc biệt, với điều kiện như hiện nay, Việt Nam cùng với các quốc gia phát triển sẽ cùng đầu tư kinh phí cho những dự án nghiên cứu chung.
Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ KH&CN) được giao xây dựng các đề tài nghiên cứu theo Nghị định thư trên cơ sở giữa Việt Nam và các nước đối tác cùng đầu tư nguồn kinh phí, cùng nghiên cứu các vấn đề để thúc đẩy phát triển kinh tế ở Việt Nam. Trong đó, có một số đề tài cùng nghiên cứu chung với các viện, trường của Hoa Kỳ. Bộ trưởng cũng bày tỏ mong muốn VEF giúp Việt Nam đào cán bộ khoa học, giúp Việt Nam kết nối với các viện, trường của Hoa Kỳ để có các chương trình nghiên cứu chung.
Đồng thời, Bộ trưởng cũng bày tỏ mong muốn thông qua VEF kết nối với các viện nghiên cứu, trường đại học của Hoa Kỳ nhằm giúp Việt Nam đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân cho Việt Nam, bởi đây là công việc còn rất mới mẻ đối với Việt Nam.
Thông qua VEF, Bộ trưởng muốn gửi thông điệp đến những người Việt Nam ở Hoa Kỳ, khẳng định Việt Nam luôn dành mọi điều kiện thuận lợi để những người Việt Nam sớm quay trở về xây dựng đất nước.
TS. Lynne McNamara khẳng định mặc dù đến năm 2018 là hết nguồn kinh phí, theo đó sẽ ngừng cấp học bổng dành cho nghiên cứu sinh và học giả vào năm 2016 nhưng VEF vẫn có những cố gắng để đảm bảo quá trình học tập của các nghiên cứu sinh và học giả ở Hoa Kỳ cho đến khi họ quay về Việt Nam. Theo chương trình của VEF, các học giả, nghiên cứu sinh bắt buộc phải trở về Việt Nam. TS. Lynne McNamara hy vọng họ sẽ ở lại Việt Nam để đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước.
Theo Vista.vn