Hệ sinh thái Halal: Điều kiện cần để thâm nhập thị trường màu mỡ
Ngày đăng: 11/11/2024 08:46
Hôm nay: 0
Hôm qua: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 11/11/2024 08:46
Với dân số khoảng 2 tỷ dân và quy mô nền kinh tế Halal dự kiến đạt khoảng 10.000 tỷ USD trước năm 2028, thị trường Halal đang là một mảnh đất đầy triển vọng để Việt Nam mở rộng xuất khẩu các sản phẩm thế mạnh của mình.
Sản xuất thực phẩm Halal. |
Song, muốn tham gia được vào thị trường này một cách bền vững, sản phẩm Halal không thể đứng lẻ loi mà cần phải nằm trong một hệ sinh thái toàn vẹn - từ khâu sản xuất đến vận chuyển, lưu kho và thậm chí là đến tay người tiêu dùng.
Cơ hội vàng cần nắm bắt
Dù là một khái niệm không mấy quen thuộc với người dân Việt Nam - quốc gia chỉ có 0,1% dân số theo đạo Hồi, các sản phẩm Halal thực tế được tiêu thụ bởi 1/4 dân số trên toàn thế giới. Theo quy định của đạo Hồi, những người theo tôn giáo này (khoảng 2 tỷ người) chỉ được phép sử dụng các sản phẩm đạt tiêu chuẩn Halal – tiếng Ả Rập có nghĩa là “được phép”, trái với Haram (bị cấm). Ngoài việc không được chứa thịt lợn và rượu - những thành phần bị cấm kỵ trong đạo Hồi, các sản phẩm đạt chuẩn Halal còn phải trải qua rất nhiều tiêu chí vô cùng khắt khe như: động vật phải được một người theo đạo Hồi giám sát và cầu nguyện trong quá trình giết mổ, thịt từ động vật phải được rút hết máu, phải tách riêng dây chuyền sản xuất Halal và Haram, nguồn thức ăn cho chăn nuôi không được chứa các thành phần bị cấm, chuồng trại phải đảm bảo sạch sẽ,...
Có thể thấy, đây là những tiêu chí khá khắt khe, không chỉ liên quan đến yếu tố đức tin, tính nhân đạo mà còn bao gồm cả yêu cầu về vệ sinh và kỹ thuật. Song nhờ vậy, các sản phẩm Halal cũng được đánh giá cao về chất lượng và được cả những người dân không theo đạo Hồi ưa chuộng. “Ở các nước châu Mỹ hay châu Âu, người Hồi giáo chiếm tỉ lệ rất nhỏ, dưới 10%, thế nhưng lượng tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ Halal lại chiếm đến 1/3 của thế giới”, bà Nguyễn Thị Thái Bình - Phó Vụ trưởng vụ Trung Đông và châu Phi (Bộ Ngoại giao) - cho biết tại Hội thảo “Chiến lược kinh doanh thành công với các nước Hồi giáo” do Viện Đào tạo và Tư vấn doanh nghiệp (Đại học Ngoại thương) tổ chức vào cuối tháng 10. Đến năm 2024, quy mô thị trường Halal toàn cầu đã vượt ngưỡng 7.000 tỷ USD và dự kiến sẽ đạt 10.000 tỷ USD trước năm 2028. “Nếu so sánh với thị trường về trí tuệ nhân tạo thì đến năm 2030 quy mô thị trường này chỉ có 2.000 tỷ đô. Như vậy, có thấy quy mô thị trường Halal là rất lớn”.
Không chỉ bao gồm thực phẩm và đồ uống như nhiều người vẫn nghĩ, ngành công nghiệp Halal còn trải rộng từ mỹ phẩm, dược phẩm đến du lịch, bảo hiểm, truyền thông, và rất nhiều ngành công nghiệp phụ trợ khác như hậu cần, lưu kho, nguồn nguyên liệu đầu vào để sản xuất các sản phẩm. Nhận thấy tiềm năng lớn như vậy, nhiều quốc gia trên thế giới dù có rất ít dân số theo đạo Hồi cũng đã nhanh chóng tham gia vào địa hạt này. “Hiện nay, quốc gia có nền công nghiệp và xuất khẩu thịt bò, thịt cừu, thịt gà Halal lớn nhất thế giới không phải là các nước Hồi giáo, mà là các nước như Brazil, Úc và New Zealand - những quốc gia không phải Hồi giáo. Hay nói về quốc gia có nền du lịch mạnh và thu hút nhiều du khách Hồi giáo, chúng ta có thể nhắc đến Singapore, Thái Lan, Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc”, PGS. TS Lê Phước Minh - Nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu phi và Trung Đông (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) chỉ ra điểm đáng chú ý.
Trong khi đó, Việt Nam cũng có rất nhiều thế mạnh để gia nhập vào thị trường này, từ vị trí địa lý đến năng lực sản xuất. Bên cạnh việc nằm gần với một thị trường có hơn 60% dân số theo đạo Hồi như Malaysia, Indonesia, và Brunei, hiện nay Việt Nam cũng đang có “vị thế” trên thế giới trong việc sản xuất nông sản (như tiêu, điều, cà phê), thủy hải sản và đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do với các quốc gia khác nhau. Song, theo nhận định của những người trong ngành, giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam vào thị trường Halal toàn cầu chưa tương xứng với tiềm năng. Mỗi năm Việt Nam có khoảng 50 công ty được cấp chứng nhận Halal cho các sản phẩm chính là hải sản, đồ uống, thực phẩm đóng hộp, bánh kẹo, đồ ăn chay và dược phẩm. Nhu cầu của các quốc gia Hồi giáo với các sản phẩm của Việt Nam ước tính có giá trị khoảng 34 tỷ USD, song hiện nay, chúng ta mới chỉ đạt được khoảng 10,5 tỷ USD. “Nếu chậm trễ hơn nữa, thì chúng ta sẽ bỏ qua một cơ hội vàng trong việc phát triển nền kinh tế xuất khẩu và tham gia vào thị trường toàn cầu. Đây có thể coi là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất, và trong tương lai sẽ trở thành một khu vực lớn nhất trên toàn cầu”, PGS. TS Lê Phước Minh nhấn mạnh.
Trong bối cảnh mặt hàng nông sản của Việt Nam thường xuyên phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ sự biến động và yêu cầu mới của các thị trường quen thuộc như Trung Quốc, châu Âu, Mỹ trong những năm qua, việc mở được cánh cửa của một thị trường được đánh giá là ổn định như thị trường Halal hứa hẹn sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam tránh được cảnh “được mùa mất giá”. “Khác với một số thị trường khác, có thể năm nay chúng ta bán được nhưng sang năm lại không bán được, thị trường ở các nước Hồi giáo theo nhận định của tôi là có tính bền vững cao”, bà Nguyễn Thị Quý Linh - Giám đốc Công ty thực phẩm F&G Việt Nam - công ty đã xuất khẩu thành công nhiều sản phẩm Halal - cho biết. “Đây là điều rất quan trọng. Từ năm 2018 đến nay, chúng tôi cung cấp sản phẩm cho họ và đến giờ vẫn là những người mua như vậy. Khi họ đã nhận thấy sản phẩm đạt yêu cầu và có tính ổn định, thì họ không tìm kiếm quá nhiều nhà cung cấp khác, để tránh sự mất ổn định trong nguồn khách hàng đầu ra”.
Và những cơ hội khi tham gia vào thị trường Halal không chỉ nằm ở việc mở rộng thị trường xuất khẩu cho các doanh nghiệp trong nước mà còn ở tiềm năng thu hút nguồn vốn đầu tư tài chính từ các quốc gia muốn đầu tư vào Việt Nam để cùng sản xuất các sản phẩm đạt chứng nhận Halal và xuất khẩu sang thị trường bên ngoài, theo bà Nguyễn Thị Thái Bình. “Chẳng hạn như Malaysia có cơ cấu xuất khẩu hàng hóa trong một số lĩnh vực tương tự với chúng ta, họ vẫn rất quan tâm đến việc hợp tác đầu tư với Việt Nam để xuất khẩu sang các thị trường khác như Trung Đông hoặc Nam Á”, bà cho biết. Đối với nội lực trong nước, việc phát triển ngành Halal còn giúp các doanh nghiệp địa phương nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng nguồn nhân lực, và khả năng chuyển giao công nghệ.
Đảm bảo tính toàn vẹn
Những cơ hội từ việc tham gia vào thị trường Halal thì đã rõ, nhưng thị trường này lại cũng đòi hỏi những yêu cầu riêng biệt mà Việt Nam phải nhanh tay thực hiện nếu muốn phát triển ngành Halal bền vững. “Nếu các sản phẩm của doanh nghiệp muốn tham gia vào thị trường Halal, chúng ta phải đảm bảo được tính toàn vẹn này ‘từ nông trại đến bàn ăn’. Từ con giống, thức ăn, thuốc trừ sâu, phân bón đến các nông trại chăn nuôi, trồng trọt, sau đó là phần giết mổ, giao thông vận tải, kho hàng, bán buôn, bán lẻ, tất cả phải nằm trong một hệ sinh thái Halal”, PGS. TS Lê Phước Minh nhấn mạnh. Chẳng hạn, trong vận chuyển, các sản phẩm Halal không được phép vận chuyển cùng với sản phẩm không Halal. Kho hàng chứa sản phẩm Halal không được phép chứa các sản phẩm khác. “Halal đòi hỏi tất cả các khâu, chứ không chỉ cần sản phẩm có chứng nhận Halal là có thể xuất khẩu. Nếu không có kho hàng Halal, không có phương tiện giao thông vận tải Halal, không có bao bì đóng gói Halal, thì sản phẩm sẽ không đáp ứng tiêu chuẩn Halal”.
Và trong khi chứng nhận Halal là tấm giấy thông hành để vào được thị trường khó tính, thì theo nhận định của PGS, TS Lê Phước Minh, thách thức lớn nhất của Việt Nam lại cũng nằm ở quy trình chứng nhận Halal vẫn còn phức tạp và chưa hài hòa với quốc tế. Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ, các cơ quan tiêu chuẩn chất lượng và các ngành của Việt Nam bắt đầu vào cuộc với sự ra đời của Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia (HALCERT). “Thái Lan có hẳn các trung tâm nghiên cứu về chứng nhận và kiểm nghiệm tiêu chuẩn chất lượng Halal tại trường đại học hàng đầu để cấp chứng nhận cho các đơn vị. Điều này có nghĩa là ngay cả từ đại học, các cơ quan khoa học kỹ thuật, trung tâm nghiên cứu và trung tâm xét nghiệm, người ta phải vào cuộc thì mới có thể thực hiện được. Ở Việt Nam, chúng ta hiện nay cũng vẫn còn khó khăn về cơ sở hạ tầng và khoa học kỹ thuật, công nghệ, và hệ sinh thái”, PGS.TS Lê Phước Minh nhận định.
Một thách thức nữa mà rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam gặp phải là chi phí. “Đây là một thách thức lớn vì chi phí để đạt được chuẩn chất lượng Halal là khá cao. Đồng thời, mỗi năm chứng nhận Halal phải được rà soát và cấp lại, không phải chỉ cấp một lần rồi giữ mãi - điều tạo ra rào cản lớn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam”, PGS, TS Lê Phước Minh cho biết. Điều đáng nói là, mỗi quốc gia lại áp dụng một chuẩn Halal khác nhau. “Vì vậy chúng ta phải xác định được thị trường mục tiêu của mình và rõ ràng xác định sản phẩm Halal của chúng ta sẽ vào thị trường nào”.
Với kinh nghiệm làm các sản phẩm Halal từ những ngày còn sơ khởi ở Việt Nam, bà Nguyễn Thị Quý Linh đưa ra gợi ý, các doanh nghiệp không cần quá tập trung vào việc chế biến ra sản phẩm cuối mà có thể đóng vai trò là một phần nguyên liệu trong chuỗi cung ứng đó. “Với doanh nghiệp chúng tôi, ngoài việc cung cấp sản phẩm đã chế biến đến giai đoạn công đoạn cuối (ăn liền) cho thị trường Halal, chúng tôi còn cung cấp cho các công ty, tập đoàn rất lớn của Indonesia các thành phần nguyên liệu. Chẳng hạn như đu đủ - không ai ăn ngay theo kiểu đồ hộp - nhưng đây lại là một sản phẩm chế biến để kết hợp với thạch và các loại hoa quả khác, tạo ra sản lượng rất lớn”, bà chia sẻ kinh nghiệm. “Cần đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng tư duy, không phải lúc nào chúng ta cũng phải lắp những thiết bị hay đợi đến lúc hoàn chỉnh hệ thống sản xuất một sản phẩm Halal mới bắt đầu vào thị trường. Chúng ta phải nghiên cứu và có những bước đi đầu tiên, thử nghiệm thị trường, thử nghiệm nội lực của doanh nghiệp, sau đó, mới biết được điểm mạnh và điểm yếu của mình”.
Điều thú vị là, kinh tế Halal và thị trường Halal là một khu vực lớn, “nếu chúng ta đáp ứng được các tiêu chuẩn của họ (có khắt khe, nhưng vì chúng ta chưa quen nên thấy khó), ta mới thấy các tiêu chuẩn đó nhẹ nhàng và dễ chịu hơn nhiều so với các tiêu chuẩn của Âu Mỹ”, PGS.TS Lê Phước Minh nhận định. Theo ông, các tiêu chuẩn Âu Mỹ đòi hỏi quy trình sản xuất chế biến và công nghệ cực kỳ hiện đại, tinh xảo mà Việt Nam thường gặp khó khăn để đạt được. Trong khi đó, đối với thị trường Halal, “họ yêu cầu chúng ta đáp ứng các tiêu chuẩn về xanh, sạch, và cả các vấn đề về kỹ thuật, công nghệ chế biến, đức tin, niềm tin, và tính nhân văn, nhưng không có những đòi hỏi quá cao mà chúng ta không thể vươn tới”.
Và nếu thiết lập được hệ sinh thái Halal, Việt Nam cũng sẽ có cơ hội thu hút FDI, nguồn tài chính Halal đầu tư vào trong nước, từ các khu công nghiệp đến các kho hàng, giao thông vận tải, và đầu tư vào dây chuyền công nghệ nhờ tài chính Halal. “Hiện nay, chúng ta đang tham gia vào thị trường Halal theo kiểu ‘du kích’, nhỏ lẻ nên nhiều quốc gia còn châm chước. Khi có số lượng lớn hơn, lập tức là hàng rào tiêu chuẩn chất lượng của họ sẽ thắt chặt và chúng ta sẽ hiểu rằng chuẩn chất lượng Halal như thế nào và đòi hỏi phải có hệ sinh thái Halal ở Việt Nam ra sao để có thể hỗ trợ cho toàn bộ quy trình sản xuất, chế biến và xuất nhập khẩu đó”, PGS. TS Lê Phước Minh lưu ý.
Khoahocphattrien